Đã một tháng nay động đất, sóng thần, máy điện nguyên tử gặp sự cố lớn, cả nước Nhật Bản giàu có, phát triển nhất châu Á trong tình trạng khẩn cấp, tổn thất nhân mạng là hơn 27 ngàn người chết, hàng trăm ngàn bị thương và nhiễm xạ nặng, hàng trăm tỷ đôla về vật chất và kỹ thuật. Chưa đất nước nào bị một vố thiên tai kinh khủng, tệ hại, còn kéo dài như thế.
Trong đại nạn, khách và các nhà báo nước ngoài có mặt ở Nhật Bản, đặc biệt là ở vùng Đông Bắc nơi trung tâm của động đất cũng như ở thủ đô Tokyo đều tỏ lòng khâm phục tư thế bình tĩnh dũng cảm, đạo đức xã hội trong sáng của cả một dân tộc. Đây là một bài học cực kỳ quý giá cho toàn nhân loại, vì tai họa thiên nhiên khủng khiếp có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu.
Các bạn trẻ phương Tây có mặt ở Nhật Bản đã tổng kết trên nhiều blog và tán phát rộng rãi 10 đức tính cũng là 10 bài học dưới đây, rất gọn ghẽ, xúc tích, dễ hiểu và dễ nhớ, với mong muốn được phổ biến rộng rãi khắp nơi.
1-/ Bình tĩnh: khi tai nạn xảy ra, đất rung, nhà đổ, thủy triều dâng tràn, người chết, xe cháy, hãy bình tĩnh, không hốt hoảng, không chen lấn, luôn trấn tĩnh, tỉnh táo, tìm ra hành động cần thiết thích hợp nhất;
2-/ Giữ tư cách đàng hoàng: trước cảnh tan hoang, rối loạn, giữ nhân cách đàng hoàng, không lợi dụng sự hỗn loạn để tham lam, lấy của người khác, cướp phá, ích kỷ, chỉ nghĩ đến cá nhân mình, lấy tai họa của đồng bào làm dịp tốt kiếm lợi cho mình. Quan tâm cứu hộ bà con xung quanh như cứu hộ người thân của mình;
3-/ Linh hoạt tháo vát: giữa đổ nát hỗn loạn, không rối trí, hãy bình tĩnh, tỉnh táo, chung sức tìm ra biện pháp, cung cách, phương tiện tại chỗ thích hợp;
4-/ Rộng lòng tốt: hãy nghĩ đến người khác để rộng lòng, rộng lượng, giúp đỡ nhau, chia sẻ nhường nhịn nhau trong thiếu thốn, đói, lạnh, cô đơn, quan tâm an ủi động viên nhau;
5-/ Giữ trật tự: không hoảng hốt gây hỗn loạn, không chen lấn, vẫn tự giác xếp hàng, giúp trẻ em, người già, người tàn tật; đề phòng trộm cắp, hôi của, giữ nền nếp xã hội văn minh;
6-/ Hy sinh vì xã hội: gương sáng nhất là 50 công nhân làm việc trong nhà máy điện
nguyên tử vẫn ở lại làm việc đêm ngày, chịu đựng những luồng phóng xạ cao rất nguy hiểm;
7-/ Nhạy cảm và tế nhị: giữa thiếu thốn hoạn nạn, không lợi dụng cho cá nhân, vẫn
quan tâm đến người khác, như các quán ăn hạ giá bữa ăn cho khách, hạ giá bánh mỳ, rau, hoa
quả, nước chè, nhà giàu tự mua hàng phát chẩn cho người thiếu thốn…;
8-/ Tập dượt và rèn luyện: ở những nơi có thiên tai và mọi nơi khác, cần huấn luyện cấp tốc những biện pháp sơ tán, phòng tránh, cấp cứu theo kinh nghiệm đã rút ra được;
9-/ Báo chí (bình tĩnh): báo chí đưa tin bình tĩnh, tránh kích động lo sợ, hoảng hốt, tin và ảnh tránh giật gân, gây khiếp nhược;
10-/ Lương tâm trong sáng: một ví dụ, khi cửa hàng siêu thị đang đông, bỗng tắt điện,
mọi người liền để lại hàng đã chọn trên quầy, không ai mang đi, chờ khi có điện lại mới mua tiếp.
Mười bài học làm người giữa cơn đại họa.
Phải là một dân tộc văn minh, tiến bộ sâu sắc và thâm trầm lắm trong thời điểm bình thường, khi xảy ra đại họa thiên nhiên mới có thể có ngay một nếp sống tự giác khắp nơi đồng bộ tuyệt vời như thế. Thật đáng để cho nhân dân các nơi khác học tập.
Xin cúi đầu và nghiêng mình chào nhân dân Nhật Bản anh hùng và chúc các bạn sớm vượt qua những thử thách hiểm nghèo hiện nay để xây dựng tiếp sự phồn thịnh đi cùng một nếp sống xã hội thật văn minh. Làm tấm gương sáng cho đồng loại.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.