Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Việt Nam cám ơn Đức ủng hộ EVFTA, đề cập vấn đề Biển Đông


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) bắt tay Thủ tướng Angela Merkel tại cuộc họp thượng đỉnh G-20 ở Đức vào tháng 7/2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) bắt tay Thủ tướng Angela Merkel tại cuộc họp thượng đỉnh G-20 ở Đức vào tháng 7/2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 15/9 nói Việt Nam coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược với Đức và cảm ơn vai trò của Đức trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) và đặc biệt qua Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA).

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Đức đã trở nên tồi tệ vào năm 2017 sau khi Đức cáo buộc Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế khi bắt cóc quan chức - doanh nhân Trịnh Xuân Thanh trên một đường phố ở Berlin và đưa về Việt Nam xử án tù chung thân trong lúc ông này đang xin tị nạn ở Đức.

Phía Đức vào thời điểm đó đã trục xuất một nhà ngoại giao Việt Nam và yêu cầu Hà Nội giao lại Trịnh Xuân Thanh để Đức xem xét đơn xin tị nạn của ông. Tuy nhiên, Hà Nội đã từ chối yêu cầu này khiến Đức đưa ra quyết định đình chỉ quan hệ đối tác với Việt Nam vì các “khác biệt”.

Mãi đến tháng 2 vừa qua, hai bên mới có cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước để bàn về việc tái thiết lập mối quan hệ. Ngoại trưởng Đức Heiko Mass tại sự kiện này đánh giá Việt Nam đã đạt được tiến bộ quan trọng trong việc mở cửa nền kinh tế và thực hiện các cải cách khác trong những năm qua, nhưng tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề “nhân quyền” và các giá trị chung trong mối quan hệ đối tác chiến lược.

Tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Đức – Việt Nam (23/9/1975 – 23/9/2020), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Hà Nội coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Đức, là nước có vai trò và vị thế quan trọng hàng đầu ở châu Âu và trên thế giới.

Ông Phúc cảm ơn Đức vì đã “tích cực ủng hộ cho việc phát triển quan hệ Việt Nam – EU trong thời gian qua, đặc biệt là thúc đẩy ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA)”, trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam tường thuật.

Tin cho hay, Thủ tướng Việt Nam cũng nhân cuộc điện đàm đã đề cập đến vấn đề Biển Đông và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, dựa trên Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.

Đáp lại, Thủ tướng Merkel khẳng định Đức sẽ “can dự tích cực hơn” vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà bà đánh giá là có tầm quan trọng cao trong việc định hình trật tự thế giới trong thế kỷ 21.

VOA Express

XS
SM
MD
LG