Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết hơn một triệu người di dân và tị nạn đã đến Âu châu bằng đường biển trong năm nay. Theo tường thuật do thông tín viên Lisa Schlein của đài VOA gởi về từ trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Geneve, 80% số thuyền nhân đó đã tới các đảo nhỏ của Hy Lạp.
Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết những người chạy trốn chiến tranh và áp bức đã phải trả giá đắt trong lúc tìm kiếm những nơi nương thân. Họ nói rằng 3.735 người đã thiệt mạng trong năm nay trong lúc thực hiện những chuyến đi nguy hiểm để vượt Địa Trung Hải.
Phúc trình của Cao uỷ Tị nạn cho biết số người tị nạn bằng đường biển trong năm nay vượt mức 1 triệu người, cao gấp 5 lần con số của năm ngoái và tạo ra vụ khủng hoảng tị nạn lớn nhất ở Âu châu kể từ Thế chiến Thứ hai.
Người phát ngôn của Cao uỷ Tị nạn, ông Adrian Edwards, nói mỗi ngày có từ 2.000 đến 3.000 người, hầu hết là người Syria, tiếp tục dùng tàu để đi tới những hòn đảo nhỏ của Hy Lạp trong vùng biển Aegean, bất chấp thời tiết giá lạnh và biển động.
Ông cho đài VOA biết rằng những người tị nạn phải dùng đường biển vì hầu hết những tuyến đường bộ tới Âu châu đã bị ngăn chặn.
Ông Edwards nói: "Có những sự hạn chế tại biên giới. Có những nước đã dựng hàng rào dọc theo biên giới – biên giới trên bộ, và đường biển thật sự là lựa chọn duy nhất của những người tị nạn này. Nhưng có điều không may là tình trạng này giúp cho những kẻ đưa lậu người kiếm được nhiều tiền. Điều này có nghĩa là có nhiều người chết đuối và có nghĩa là chưa có cơ chế cho sự di chuyển bình thường của người tị nạn".
Ông Edwards nói rằng vụ khủng hoảng di dân ở Âu châu phản ảnh điều mà ông gọi là “một thời đại của sự cưỡng bức dời cư với qui mô lớn nhất từ trước tới nay”. Một bản phúc trình mới đây của Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết số người tị nạn và số người phải tản cư trong nước vì các cuộc xung đột vũ trang đã vượt mức 60 triệu người.
Ông Edwards cho rằng một vấn đề lớn mà những người trốn chạy sang Âu châu phải đối mặt là một vấn đề liên hệ tới nhận thức. Ông nói vấn đề này có thể thấy được qua những từ ngữ mà nhiều người trên thế giới sử dụng để mô tả tình hình này.
Ông Edwards cho biết: "Nhiều người vẫn muốn nói đây là một vụ khủng hoảng di dân, thay vì là một vụ khủng hoảng người tị nạn. Người di dân đi di dân, còn người tị nạn thì chạy trốn. Sự lựa chọn từ ngữ là một việc quan trọng. Cả hai từ ngữ này đều đã bị bóp méo cho mục đích chính trị trong bối cảnh của tình hình ở Âu châu".
Ông Edwards cho biết theo luật lệ quốc tế về người tị nạn, các nước có bổn phận bảo vệ cho những người chạy trốn chiến tranh và áp bức. Ông nói rằng việc xoá nhoà sự khác biệt giữa người tị nạn và người di dân kinh tế đang gây nguy hiểm cho tính mạng của những người có lý do chính đáng để xin tị nạn.