Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Thụy Điển 'lo lắng cực độ' về hậu quả tiềm tàng nếu kinh Koran tiếp tục bị đốt


Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson dự hội nghị NATO ở Vilnius, Litva, 11/7/2023.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson dự hội nghị NATO ở Vilnius, Litva, 11/7/2023.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson "lo lắng cực độ" về các hậu quả nếu tiếp tục có các cuộc biểu tình trong đó có các hành vi xúc phạm kinh Koran, ông cho biết hôm thứ Năm 27/7, trong bối cảnh người Hồi giáo ngày càng phẫn nộ về hàng loạt vụ báng bổ cuốn kinh thiêng liêng của đạo Hồi.

Các hành vi báng bổ cuốn kinh Koran ở Thụy Điển và Đan Mạch đã xúc phạm nhiều quốc gia Hồi giáo bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia mà Thụy Điển cần nhận được sự hậu thuẫn để gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một mục tiêu của Stockholm sau khi Nga xâm lược Ukraine vào năm 2022.

Ông Kristersson nói với hãng thông tấn Thụy Điển TT rằng đã cảnh sát đã nhận được thêm các đơn xin phép tổ chức các cuộc biểu tình trong đó lại bao gồm cả kế hoạch thực hiện hành vi báng bổ cuốn kinh Koran.

"Nếu các việc đó được cấp phép, chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ rõ ràng là rồi sẽ có ngày có chuyện nghiêm trọng xảy ra. Tôi lo lắng cực độ về kết cục nó có thể dẫn đến", ông nói.

Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad đã bị đập phá và đốt cháy hôm 20/7 vì nhiều người biểu tình tức giận về kế hoạch đốt kinh Koran.

Ông Kristersson cho hay quyết định có cấp phép cho các cuộc biểu tình hay không là tùy thuộc vào cảnh sát.

Vụ an ninh của Thụy Điển, SAPO, đã duy trì mức cảnh báo về an ninh ở cấp 3 trên 5, cho thấy có "mối đe dọa gia tăng" trong cuộc khủng hoảng, người đứng đầu cơ quan này cho rằng đã có phản ứng mạnh mẽ về các sự kiện gần đây.

Đan Mạch và Thụy Điển nói rằng họ lấy làm tiếc về các vụ đốt kinh Koran nhưng không thể ngăn chặn vì họ tuân theo các quy định bảo vệ quyền tự do ngôn luận.

Thụy Điển cáo buộc các quốc gia khác - chẳng hạn như Nga - đã tranh thủ cuộc khủng hoảng để làm tổn hại đến lợi ích của Thụy Điển và nỗ lực của nước này gia nhập NATO.

Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom nói với các phóng viên hôm 27/7: "Ở một số quốc gia, người ta cho rằng nhà nước Thụy Điển đứng đằng sau hoặc dung túng cho việc này. Chúng tôi không hề như thế".

“Đây là những hành vi do các cá nhân thực hiện, nhưng họ thực hiện trong khuôn khổ luật tự do ngôn luận”, ông nói.

Ông Billstrom cho hay ông đã liên lạc với các bộ trưởng ngoại giao của Iran, Iraq, Algeria, Lebanon và một số nước khác cũng như tổng thư ký Liên Hiệp Quốc để nói về cuộc khủng hoảng hiện nay.

"Và ngay bây giờ tôi sẽ nói chuyện với tổng thư ký của Tổ chức các nước Hồi giáo", ông Billstrom nói.

"Chúng tôi sẽ thảo luận về những vấn đề này và điều quan trọng cần nhấn mạnh rằng đây là vấn đề lâu dài, không có cách giải quyết một sớm một chiều", ông nói.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG