Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Phúc gửi thông điệp về ‘độc lập, chủ quyền’ tới Liên Hợp Quốc


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong video được ghi hình trước để phát trực tiếp tại phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 21/9.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong video được ghi hình trước để phát trực tiếp tại phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 21/9.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa có một thông điệp mà báo điện tử Chính phủ gọi là “quan trọng” gửi tới phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó ông kêu gọi các quốc gia “đoàn kết”, “hợp tác” và “tôn trọng độc lập, chủ quyền” của nhau.

Thông điệp này được đưa ra trong bài phát biểu được ghi hình trước của người đứng đầu chính phủ Việt Nam để phát trực tiếp tại Trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, hôm 21/9 tại phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập tổ chức này.

Nhắc lại những thành tựu đạt được trong 75 năm qua của LHQ, Thủ tướng Phúc nói trong bài phát biểu gửi tới phiên họp trong khuôn khổ Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng LHQ khoá 75 rằng đây là thời điểm “rất đặc biệt” khi có những “bất ổn, dịch bệnh đang lan rộng trên hành tinh.”

“Thế giới đang đứng trước những thách thức chưa từng có tiền lệ,” ông Phúc nói trong bài phát biểu được đăng toàn văn trên trang web chính thức của Chính phủ Việt Nam và đề cập đến đại dịch COVID-19 cùng những “bất ổn, xung đột, cạnh tranh nước lớn, chính trị cường quyền” như là những mối đe doạ tới “nền hoà bình và phát triển bền vững” của các quốc gia trên thế giới.

Trích dẫn câu châm ngôn của Việt Nam “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam kêu gọi các quốc gia “đoàn kết, hợp tác, tăng cường chủ nghĩa đa phương với trung tâm là Liên Hợp Quốc.”

Thủ tướng Phúc cũng đưa ra lời kêu gọi đoàn kết hồi tháng 5 tại Khoá họp 73 của Đại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới, trong đó ông nói các quốc gia cần tiếng nói chung trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 giữa lúc làn sóng tranh cãi và chỉ trích giữa các quốc gia trên thế giới đối với Bắc Kinh nổi lên khi Mỹ và nhiều nước châu Âu lúc đó cáo buộc quốc gia Cộng sản châu Á không minh bạch về sự nguy hiểm của dịch bệnh làm lây lan toàn cầu.

Trong bài phát biểu hôm 21/9, Thủ tướng Phúc, dù không đề cập cụ thể đến các “xung đột” hay “cạnh tranh nước lớn” nào cụ thể nhưng kêu gọi các nước “tuân thủ Hiến chương (LHQ) và luật pháp quốc tế, triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia.”

Cạnh tranh giữa hai quốc gia mạnh nhất thế giới hiện nay, Mỹ và Trung Quốc, trở nên căng thẳng trong những năm gần đây kể từ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tiến hành cuộc chiến tranh thương mại với Bắc Kinh và thường xuyên chỉ trích Trung Quốc về những hoạt động quân sự hoá Biển Đông gây xung đột trong khu vực.

Trong những tháng gần đây, Mỹ nhiều lần cáo buộc Trung Quốc lợi dụng đại dịch COVID-19 để đẩy mạnh các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, trong đó Việt Nam là một trong những bên trực tiếp có xung đột với quốc gia cộng sản láng giềng. Căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng tăng cao trong những tháng gần đây về chủ quyền trên Biển khi bộ Ngoại giao hai nước nhiều lần đưa ra những cáo buộc về xâm phạm lãnh hải.

Vấn đề chủ quyền Biển Đông cũng được Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nêu ra tại Đại hội đồng LHQ hồi năm ngoái và kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng luật quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển 1982. Lời kêu gọi của ông Minh được đưa ra hồi tháng 8/2019, sau khi Trung Quốc nhiều lần đưa tàu khảo sát địa chấn vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG