Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Campuchia xúc tiến cuộc cải tổ trước bầu cử


Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đang xúc tiến nghị trình cải cách gây nhiều tranh cãi của ông với cuộc cải tổ nội các giữa kỳ nhắm mục đích chiếm lại thế đứng chính trị đã bị mất về phe đối lập trong cuộc bầu cử năm 2013.

8 bộ trưởng có thể bị cách chức, bất kể sự chống đối của một guồng máy hành chính đã quen làm theo ý mình và thường làm ngơ trước những cáo buộc độc tài và tham nhũng.

Đây là cuộc cải tổ lần thứ nhì trong 2 năm nhắm vào việc châm ngòi cho những cải cách nhằm tranh thủ hậu thuẫn trong cộng đồng rộng lớn hơn trước các cuộc bầu cử cấp xã vào năm tới và các cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7 năm 2018.

Điều quan trọng là 2 bộ không bị nhắm vào trong cuộc cải tổ mới nhất là bộ giáo dục và môi trường đã sống sót trong cuộc tái sắp xếp này.

Các nhà phân tích nói quyết định lớn nhất là việc giữ lại Bộ trưởng Giáo dục Hang Chuon Naron, người đã phát động chiến dịch diệt trừ nạn gian lận, thổi phồng điểm và những tập tục tham nhũng trong giảng dạy ở các trường trong nước cách đây gần 2 năm. Tình trạng này đã dẫn tới những điểm đậu của tất cả học sinh trung học sụt xuống mức khủng khiếp 25,7%, so với mức trung bình trước đây là gần 87%. Những kỳ thi bù tiếp theo, nhưng mức hỏng thi vẫn cao trong khi lương giáo viên được tăng để giúp chấm dứt tình trạng bắt học sinh nộp tiền trong lớp.

Bộ trưởng Giáo dục Campuchia Hang Chuon Naron.
Bộ trưởng Giáo dục Campuchia Hang Chuon Naron.

Ông Ray Leos, khoa trưởng Khoa Thông tin và Nghệ thuật Truyền thông tại trường Đại học Pannasastra nói:

“Tôi nghĩ có sự hài lòng và đồng ý chung với những gì vị bộ trưởng mới là Tiến sĩ Naron đang làm. Tôi nghĩ ông ta rõ ràng là một trong những ngôi sao của nội các này”.

Ông nói ông Naron đã hoàn thành gần như hết nhiệm kỳ ngắn ngủi của ông, những các cải cách sẽ mất nhiều năm mới đem lại những kết quả mong muốn.

Ông nói thêm:

“Ông ấy đang tiến tới và tìm cách thiết lập những cải cách. Đây là một tiến trình khó khăn và tôi nghĩ ông ấy đã làm được nhiều. Và sự kiện giáo dục không bị tác động sẽ cho thấy Thủ tướng hài lòng với những gì vị bộ trưởng giáo dục đang làm”.

Những cảm tưởng đó được ông Marcus Hardtke nhắc lại. Ông là một người hoạt động về môi trường đã làm việc ở Campuchia trong nhiều năm, nơi những khu rừng nhiệt đới đã bị phạt đi nhiều mảnh sau khi cấp những chứng chỉ nhượng đất, thường là cho các công ty nước ngoài.

Ông nói những cải cách hiện đang được ghi trong chương trình môi trường của Bộ trưởng Say Samal là những cải cách lớn nhất từ nhiều thập niên và đang đem lại một cơ hội hiếm có để thực thi thay đổi thật sự.

Việc ấy bao gồm một sự chuyển biến đáng kể về nguồn lực từ Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp, vốn nắm quyền kiểm soát đất đai trong nước. Bộ này cũng đã bị cáo buộc tham nhũng có liên quan đến những vụ chiếm đất dưới quyền kiểm soát của Bộ.

Nhưng kể từ khi những biện pháp cải cách được loan báo, các nguồn tin nói bộ vừa kể đã liên tục tìm cách ngăn chặn các nỗ lực chuyển nhượng những gì còn lại của các khu rừng Campuchia cho Bộ Môi trường. Sự kiện này đã dẫn đến những cáo buộc là những tay đốn gỗ đang tăng gấp đôi nỗ lực lấy gỗ trước khi có những thay đổi hành chính.

Bộ trưởng Thương mại Sun Chanthol phát biểu trước báo giới về quyết tâm cải tổ, ngày 19/3/2016. (Ảnh: Hul Reaksmey/VOA Khmer)
Bộ trưởng Thương mại Sun Chanthol phát biểu trước báo giới về quyết tâm cải tổ, ngày 19/3/2016. (Ảnh: Hul Reaksmey/VOA Khmer)

Ông Hardtke nói thay đổi hành chính là cần thiết và những bổ nhiệm mới được hoan nghênh.

“Nhưng ở hiện trường thì chỉ có nghĩa là một sự thay đổi vể đồng phục chứ không phải là một sự thay đổi để bảo vệ tốt hơn hay có những khái niệm hay hơn, hay có những quy định khoanh vùng tốt hơn, hoặc thực thi công lực tốt hơn, hoặc bất cứ điều gì tương tự”.

Ông nêu ra rằng các cải cách môi trường còn trong giai đoạn phôi thai.

Các chuyên gia phân tích nói kết quả của cuộc bầu cử năm 2013, khi đảng Nhân dân Campuchia, CPP, quay lại nắm quyền nhưng với thế đa số giảm bớt rất nhiều, và những cuộc biểu tình kéo dài cả năm sau đó, đã thúc đẩy cho một nghị trình chính trị giữa sự phẫn nộ ngày càng tăng về tham nhũng và khoảng cách biệt giàu nghèo tăng nhanh.

Cuộc cải tổ giữa kỳ bao gồm những bộ mới là ngoại giao, quản lý đất, thương mại, nông nghiệp, chuyên chở, nông thôn và tôn giáo. Các quyết định dự trù sẽ được chính thức chấp thuận vào ngày 4 tháng 4.

Ông Ou Virak, trưởng ban quản trị của cơ quan nghiên cứu Future Forum, nói sự thiếu rõ ràng về chủ quyền đất đai đã dẫn tới những tranh chấp không riêng giữa các nông gia truyền thống mà còn cả giữa những người giàu và quen biết lớn và bên trong các gia đình, nhất là khi có quan hệ về thừa kế.

Ông nói việc bổ nhiệm ông Chea Sophara vào bộ quản lý đất có thể giúp làm cho tiến trình này trơn tru.

“Bộ đáng kể khác là bộ quản lý đất. Có rất nhiều vụ tham nhũng đang diễn ra trong bộ đó, cũng có rất nhiều vấn đề về tranh chấp đất đai, xung đột đất đai”.

Cuộc cải tổ diễn ra sau vụ tiết lộ một văn kiện nội bộ của đảng Nhân dân Campuchia kêu gọi chính phủ lấy lại đà tiến trong các cuộc cải cách trong cố gắng tranh thủ cử tri trẻ tuổi – 65% dân số dưới 30 tuổi – và nối kết lại với các ủng hộ viên trong khối dân thường.

Trong số những người về hưu có bộ trưởng ngoại giao đã phục vụ lâu năm là ông Hor Namhong.

Ông được thay thế bởi ông Prak Sokhon, 61 tuổi, một cựu cố vấn của ông Hun Sen đã được bổ nhiệm vào nội các với chức Bộ trưởng Bưu điện và Viễn thông sau cuộc bầu cử đầy chia rẽ năm 2013.

“Ta có một người mới nay sẽ thay thế ông ấy – người tôi có thể nói là sẽ khá hơn bởi vì tôi không cho là họ có thể tệ hơn ở Bộ Ngoại giao”.

Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia đã nói họ sẽ chờ cho đến khi cuộc cải tổ được Quốc hội chấp thuận trước khi bình luận.

Tuy nhiên, ông Kem Sokha, quyền chủ tịch đảng Cứu nguy Dân tộc nói với báo Khmer Times rằng những thay đổi chỉ là bề ngoài và không giải quyết được những vấn đề chung mà đất nước phải đối phó.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG