Đại dịch COVID-19 đã khiến cho thu nhập bình quân mỗi đầu người một tháng ở Việt Nam giảm 1% trong năm 2020, theo thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố hôm 6/7.
Kết quả thống kê cho biết thu nhập bình quân một người một tháng chung ở Việt Nam năm 2020 là 4,2 triệu đồng, giảm 1% so với năm 2019. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người của khu vực thành thị là 5,6 triệu đồng/tháng, cao gấp 1,6 lần so với khu vực nông thôn với chỉ 3,5 triệu đồng/tháng. Tính chung giai đoạn 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng tại Việt Nam tăng bình quân 8,2%.
Khảo sát mới nhất của Việt Nam cũng cho biết trong năm 2020, tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập và chi tiêu giữa nhóm giàu và nhóm nghèo cũng tăng cao.
Về thu nhập, nhóm 20% hộ giàu nhất có thu nhập bình quân đầu người 1 tháng năm 2020 đạt 9,1 triệu đồng, cao gấp hơn 8 lần so với nhóm 20% hộ nghèo nhất với mức thu nhập chỉ 1,1 triệu đồng. Trong đó, khu vực có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là vùng Đông Nam Bộ, với 6 triệu đồng/tháng, cao gấp 2,2 lần so với khu vực có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc, với 2,7 triệu đồng.
Về chi tiêu, thống kê của Việt Nam cho biết mức cách biệt về chi tiêu bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất lên tới 3,5 lần, với chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở các hộ nhóm giàu nhất là hơn 4,6 triệu đồng so với nhóm nghèo nhất là 1,4 triệu đồng, trong khi mức chi tiêu bình quân hộ gia đình của cả nước năm 2020 là 2,89 triệu đồng/người/tháng, chỉ tăng 13% so với năm 2018. Mức tăng này được cho biết là thấp hơn mức tăng bình quân 18% của giai đoạn 2016 đến 2018, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Khảo sát về mức sống dân cư năm 2020 được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành của Việt Nam, với gần 47.000 hộ đại diện cho toàn quốc.
Trong lúc Việt Nam hiện đang phải đối phó với đợt dịch thứ tư đang lây lan và bùng phát mạnh trên nhiều tỉnh thành, mức thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam năm 2021 được dự báo có thể sẽ còn thấp hơn nữa khi nhiều khu vực và thành phần kinh tế của Việt Nam gần như bị tê liệt vì các biện pháp cách ly và phong toả nhằm chống đại dịch.