Đường dẫn truy cập

Việt Nam cho sử dụng khẩn cấp vaccine Moderna, cắt ngắn thời gian cách ly


Hành khách đi qua biển kiểm dịch y tế tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội hôm 21/1. Việt Nam vừa giảm thời gian cách ly tập trung cho hành khách đã tiêm chủng khi nhập cảnh vào Việt Nam xuống 7 ngày.
Hành khách đi qua biển kiểm dịch y tế tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội hôm 21/1. Việt Nam vừa giảm thời gian cách ly tập trung cho hành khách đã tiêm chủng khi nhập cảnh vào Việt Nam xuống 7 ngày.

Việt Nam vừa cấp phép cho vaccine Moderna để sử dụng khẩn cấp giữa lúc tăng tốc tiêm chủng mở rộng, đồng thời quyết định cắt ngắn thời gian cách ly tập trung bắt buộc đối với du khách nhập cảnh đã tiêm phòng xuống 7 ngày.

Bộ Y tế cho biết khi cấp phép cho sử dụng vaccine Moderna hôm 29/6 rằng, công ty Zuellig Pharma Việt Nam sẽ là đơn vị nhập khẩu loại vaccine của Mỹ, mới được phê chuẩn, vào Việt Nam. Bộ này còn cho biết các liều vaccine Moderna sẽ được nhập về Việt Nam được sản xuất ở Tây Ban Nha và Pháp. Tuy nhiên bộ không đưa ra chi tiết về số lượng vaccine sẽ được nhập về.

Trước Moderna, Việt Nam đã cấp phép cho sử dụng 4 loại vaccine chống COVID-19, lần lượt là AstraZeneca của Anh và Thuỵ Điển, Sputnik V của Nga, Sinopharm của Trung Quốc và gần đây nhất là Pfizer/BioNTech của Mỹ và Đức.

Moderna, cùng với Pfizer, là hai loại vaccine duy nhất hiện nay được phát triển theo công nghệ mRNA, được cho là tiên tiến nhất. Bộ Y tế Việt Nam được cho là đang tìm cách tiếp nhận công nghệ mRNA để sản xuất vaccine COVID-19 trong nước.

Việt Nam đang nỗ lực đa dạng hoá nguồn vaccine cho chiến dịch tiêm chủng cấp tốc giữa lúc các ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh. Chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam, bắt đầu từ đầu tháng 3, chủ yếu dùng vaccine AstraZeneca, được cung cấp qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX cho các nước nghèo và đang phát triển.

Bộ Y tế hy vọng trong năm nay sẽ nhận được 150 triệu liều vaccine từ các nguồn khác nhau để tiêm chủng cho 70% dân số.

Việt Nam, dù trước đây được quốc tế ca ngợi với thành công trong việc kiềm chế đại dịch bằng các biện pháp quyết liệt như cách ly tập trung và truy dấu nguồn lây nhiễm, nhưng hiện đang tụt hậu trong khu vực về tỷ lệ tiêm chủng cho người dân. Chỉ có khoảng 3,5 triệu người được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine chống COVID-19 trong tổng số khoảng 98 triệu dân.

Với mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch dù đang trải qua đợt bùng phát lây nhiễm tồi tệ nhất trong cộng đồng, Việt Nam đã quyết định giảm thời gian cách ly tập trung từ 21 xuống 7 ngày đối với những người nhập cảnh vào Việt Nam đã được tiêm chủng đầy đủ.

Các quan chức đưa ra thông báo trên tại một cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 hôm 25/6, trong đó chính phủ quyết định thí điểm hộ chiếu vaccine tại tỉnh Kiên Giang, nơi có đảo Phú Quốc, theo VnExpress.

Theo đó, người nhập cảnh đã tiêm đủ hai mũi vaccine chỉ cách ly tập trung 7 ngày và sau đó được theo dõi y tế tại nhà.

Quyết định này được đưa ra không lâu sau khi các Phòng thương mại Hoa Kỳ và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam kêu gọi chính phủ Hà Nội giảm bớt thời gian cách ly kéo dài đối với những du khách đã tiêm chủng với cảnh báo nếu không nới lỏng các quy định phòng chống dịch sẽ gây ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Trước đây, người nhập cảnh vào Việt Nam bị đưa đi cách ly tập trung 14 ngày và chính phủ quy định tăng lên 21 ngày hồi đầu tháng trước ngay sau khi đợt lây nhiễm trong cộng đồng lần thứ 4 bùng phát.

Việt Nam đóng cửa biên giới và huỷ tất cả các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam từ tháng 3 năm ngoái. Chỉ có các chuyến bay hồi hương người Việt Nam từ nước ngoài được thực hiện, và chỉ có các chuyên gia, các nhà ngoại giao, các nhà đầu tư và những công nhân tay nghề cao được phép nhập cảnh vào Việt Nam với các yêu cầu cách ly tập trung dài ngày.

VOA Express

XS
SM
MD
LG