Chắc chắn nhiều người sẽ kinh ngạc khi biết ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Việt Nam – vừa phát biểu như thế này về... “thuế” và... “lòng dân” tại “Lễ công bố hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc” mới tổ chức tại Hà Nội: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, công chức ngành thuế: ‘Thu thuế phải thu được lòng dân’, bây giờ chúng ta cụ thể hóa rằng, nếu thu được lòng dân thì sẽ thu được thuế” (1).
Trong “thu thuế phải thu được lòng dân”, rõ ràng “lòng dân” là yếu tố có tính chất nền tảng và phải dựa vào đó để đặt định chính sách thuế, chi phối hoạt động “thu thuế”. Khi ông Chính... “cụ thể hóa” thì “lòng dân” chẳng khác gì một thứ “thức nhắm” để tìm cách chế biến và trục lợi. Làm sao... “thu thuế phải thu được lòng dân” lại có thể giống với... “nếu thu được lòng dân thì sẽ thu được thuế”?
Khoan bàn đến chuyện “Thu thuế phải thu được lòng dân” có đúng là ý tưởng riêng của ông Hồ Chí Minh hay không, bởi ông Hồ Chí Minh thường mượn ý kiến của rất nhiều người và hậu bối của ông rất thích xóa nguồn, lấy tên ông làm “nhãn”, chỉ riêng chuyện ông Chính viện dẫn ông Hồ Chí Minh, bóp méo điều được cho là “căn dặn” của ông Hồ Chí Minh để ngụy biện cho việc đặt định chính sách thuế đủ khiến người ta hãi hùng về chuyện “học tập tư tưởng Hồ Chí Minh”!
***
Tuy nhân loại vẫn chưa đạt được quan niệm chung về thuế nhưng đa số đồng thuận trong việc xem thuế là hình thức đóng góp tài chính cho bộ máy quản trị, điều hành của một quốc gia mà các cá nhân, tổ chức ở quốc gia đó bị buộc phải thi hành. Bộ máy quản trị, điều hành một quốc gia được xem là lành mạnh, có năng lực nếu minh bạch, chấp nhận để bị giám sát trong thu - chi tiền thuế, biết dùng chính sách thuế như công cụ để phát triển kinh tế, có thể cung cấp phúc lợi công cộng, thực thi chính sách an sinh bằng tiền thu được từ thuế.
Việt Nam là một trong số không nhiều quốc gia mà bộ máy quản trị, điều hành xem thuế như nguồn tài nguyên vô tận và chính sách thuế chỉ là tập hợp những... “giải pháp sáng tạo” phương thức khai thác. Cho nên mới có những chuyện như chính phủ đốc thúc ngành thuế phải thường xuyên rà soát, bảo đảm đầy đủ dữ liệu giải trình khi có yêu cầu với những cá nhân hoạt động không thường xuyên như xe ôm, xe lam, người kinh doanh quán cóc, vỉa hè (3). Hay không cho “tài xế công nghệ” (mỹ từ dùng để gọi giới chạy xe ôm ký hợp đồng với các công ty chuyên cung cấp dịch vụ tìm – nhận khách qua một số ứng dụng trên Internet, điện thoại ), nộp thuế theo mức cũ (khoán thuế GTGT ở mức 3%) mà phải đóng thuế GTGT là… 10% trên doanh thu (4). Hoặc có những cá nhân hữu trách như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, công khai chỉ trích hệ thống công quyền bỏ sót những người… bán trà đá vì đó là lĩnh vực kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trên thế giới, từ 5.000% đến 7.000% nhưng không góp đồng nào cho ngân sách (5)! Những trí thức có học vị... “Tiến sĩ” bất chấp dân tình ta thán, khẳng định chính sách thuế và quản lý thuế của Việt Nam rất ổn và khuyên chính phủ: Thu thuế như vặt lông một con vịt, vặt làm sao được càng nhiều lông càng tốt (6).
Có lẽ chẳng quốc gia nào trên thế giới lại có nhiều cá nhân thuộc đủ mọi giới, từ năm này qua năm khác, hết dịp này đến dịp khác, liên tục lặp đi, lặp lại một đề nghị... cũ mèm là... “khoan sức dân” vì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền chỉ... “khoan” vào nội lực quốc gia bằng thuế - phí. Nếu dùng “khoan sức dân” làm từ khóa để thử xem có bao nhiêu kết quả trên Internet qua Google, sẽ thấy con số... 153 triệu!
Điều đáng nói là dẫu gánh về thuế - phí càng ngày càng nặng nhưng diện mạo kinh tế càng ngày càng ảm đạm, phúc lợi công cộng càng ngày càng giảm, cơ hội thụ hưởng giáo dục, y tế miễn phí của những người yếu thế càng ngày càng xa tầm với, nếu không có gì thay đổi, sắp tới sử dụng cao tốc được đầu tư bằng công quỹ cũng phải trả phí (6). Không biết đến lúc nào tiền thu được từ thuế - phí ngưng chảy vào đủ loại dự án, công trình vô bổ kiểu như (cổng chào, tượng đài, quảng trường,...). Không biết đến lúc nào việc sử dụng thuế - phí được loan báo rộng rãi, được các đại diện thật sự do dân cử giám sát chặt chẽ, cân nhắc cẩn thận khi bỏ phiếu phê chuẩn.
Tất nhiên không phải tự nhiên ông Chính nhắc tới “lòng dân” khi đề cập đến “thu thuế”. Song khuyén khích “thu được lòng dân” để “thu được thuế” hoàn toàn không tử tế. Kiểu lập ngôn này cho thấy tâm địa của ông Chính. Chẳng lẽ ông cũng như đảng của ông, chính phủ của ông tin rằng quản trị, điều hành quốc gia chỉ là đầu tư thời gian, trí lực, sức lực để sáng tạo “chiêu, trò” nhằm... “thu được lòng dân” thì tiền thu được từ thuế lại sẽ dồi dào và có thể tiếp tục duy trì sự... “ổn định chính trị”?
Chú thích
(3) https://tuoitre.vn/tai-xe-xe-cong-nghe-run-vi-thue-sap-tang-20201124210837981.htm
(4) https://thanhnien.vn/chao-buoi-sang/thue-voi-toi-nguoi-ban-tra-da-967152.html