Một thông báo của trung tâm tu tập Làng Mai ở Pháp cho hay Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trở về Làng Mai hôm 3 tháng 4 để dưỡng bệnh, sau thời gian hơn 4 tháng rưỡi điều trị tại bệnh viện vì tai biến mạch máu não.
Trang mạng Làng Mai hôm 6 tháng Tư loan báo Thiền sư Nhất Hạnh đã được các bác sĩ cho phép rời trung tâm hồi phục chức năng ở Bordeaux để trở về tu viện, và tại Làng Mai, Thiền sư Nhất Hạnh đang được các đệ tử chăm sóc 24/24 giờ.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ đài VOA, ông Trịnh Đình Tấn, Đại diện của Làng Cây Phong, trung tâm tu học theo phương pháp Làng Mai đầu tiên bên ngoài nước Pháp, cho biết về tình hình sức khoẻ của Thiền Sư Nhất Hạnh:
Ông Trịnh Đình Tấn: “Theo tôi được biết thì tình hình rất là khả quan. Ở Làng Mai, tất cả mọi người rất là vui mừng. Thầy vẫn chưa nói được, nhưng mà Thầy viết được, nghĩa là Thầy có thể liên lạc, giao tiếp được với những người chung quanh, và Thầy có thể cho biết là Thầy muốn cái gì, không muốn cái gì. Tôi đã từng lo cho người nhà đã bị đột quỵ, thì tôi biết là việc liên lạc được, giao tiếp được với người chung quanh nó rất là quan trọng. Thêm vào đó Thầy ăn được; các thầy các cô ở Làng Mai rất là vui mừng, bởi vì Thầy ăn được thì sức khoẻ mới có thể hồi phục nhanh.”
Được biết, Thiền sư Nhất Hạnh vẫn tiếp tục được các bác sĩ và y tá điều trị qua các liệu pháp vật lý trị liệu và phát âm trị liệu để hồi phục các chức năng đã bị tác động bởi cơn tai biến. Ông Trịnh Đình Tấn cho biết ngoài các cách trị liệu theo Tây Y, Thiền sư NH còn được điều trị bằng phương pháp Đông Y.
Ông Tấn cho biết là trong số các đệ tử của Thiền sư Nhất Hạnh có một số đông y sĩ, và các vị này đang phối hợp với các bác sĩ tại bệnh viện để giúp Thiền sư Nhất Hạnh hồi phục nhanh hơn.
Ông Trịnh Đình Tấn: “Những trị liệu về Đông Y chắc chắn là phải qua sự đồng ý của các bác sĩ Tây phương, Đông y và Tây Y hợp lại thì có nhiều kết quả hơn, nhất là trong trường hợp của Sư Ông thì Thầy cũng là một người đặc biệt, là tại vì trong khi còn sức khoẻ cũng như trong khi yếu hoặc bệnh tật, tôi biết là những người có thực tập thiền tập thì thường tập riêng để cái tâm của mình nó giúp cho cơ thể của mình hồi phục nhanh chóng hơn.”
Đại diện của trung tâm tu tập Làng Cây Phong ở Canada cho rằng sự hồi phục của Thiền sư NH có thể được coi như một phép lạ.
Ông Trịnh Đình Tấn: “Những bác sĩ lo cho Thầy ở bệnh viện thì họ vẫn coi trường hợp của Thầy là một trường hợp có những phép lạ, là tại vì Thầy đã ở trong tình trạng hôn mê rất là lâu, khi mà được trở lại như vậy, đến bây giờ được như vậy thì đối với tôi, tôi cho đó là một phép lạ.”
Trang mạng của Làng Mai đã ngỏ lời cảm ơn đội ngũ y tá và bác sĩ đã tận tình chăm sóc cho ông trong thời gian điều trị hơn 4 tháng qua từ khi ông nhập viện sau khi bị xuất huyết não hồi tháng 11 năm ngoái.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tên húy là Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm 1926 ở Thừa Thiên-Huế. Ông là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" trong quyển “Vietnam: Hoa Sen trong Biển Lửa”.
Ông Trịnh Đình Tấn giải thích về phương pháp tu tập của Thiền Sư Nhất Hạnh như sau:
“Từ năm 1962, Sư Ông đã sáng lập ra cái gọi là dòng Tiếp Hiện. Những người nào muốn vào dòng Tiếp Hiện thì nguyện theo 14 cái giới, là 14 phương pháp thực tập. Những người đó có thể xuất gia hoặc là tại gia. Và khi thực tập 14 cái giới đó thì những phương pháp hướng dẫn tu tập mà Thầy đã phát triển ra từ 5 cái giới của đạo Phật. M, một trong những cái giới mà tôi thấy là quan trọng nhất là giới thứ nhất. Đó là, không coi một giáo phái nào hay lý tưởng nào là chân lý tuyệt đối, mà tất cả những phương pháp tu tập chỉ là những phương pháp hướng dẫn mà thôi. Tôi vẫn nghĩ đó là cái mà xã hội của chúng ta hiện tại đang rất cần.”
Thiền sư Thích Nhất Hạnh được truyền thông quốc tế coi là nhà tu Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ nhì trên thế giới, chỉ sau lãnh tụ tinh thần của nhân dân Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Nguồn: Plumvillage.org, Langmai.org, Villagedespruniers.org