Đường dẫn truy cập

Thị trưởng Boston sẽ không ngăn cản trưng cầu dân ý về đăng cai Olympic 2024


Thị trưởng Marty Walsh của Boston
Thị trưởng Marty Walsh của Boston

Thị trưởng Martin J. Walsh, người không ủng hộ việc tổ chức trưng cầu dân ý về việc thành phố Boston tranh đăng cai Olympic 2024, mới đây nói rằng ông sẽ không tìm cách ngăn cản cuộc trưng cầu dân ý.

Đưa vấn đề này ra cho công chúng biểu quyết sẽ dẫn đến khả năng là kế hoạch của Boston đại diện Hoa Kỳ đi tranh đăng cai đại hội thể thao lớn nhất thế giới này sẽ tan biến, nhất là nếu cuộc biểu quyết cho thấy sự thờ ơ của công chúng Boston với tham vọng làm chủ nhà Olympic.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy có nhiều ý kiến ủng hộ việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý. Và chỉ riêng việc phải tổ chức cuộc biểu quyết như vậy có thể sẽ là một dấu chấm hết cho kế hoạch tranh đăng cai Olympic, bất chấp kết quả cuộc biểu quyết thế nào.

Trưng cầu dân ý về việc có nên đăng cai đại hội thể thao hay không thường được tổ chức như một cách thức để kiểm tra xem chi phí có vượt quá mức cho phép nhiều không, và kết quả thường làm hỏng kế hoạch. Ví dụ như vào năm 1972, cử tri của Colorado đã thắng các giới chức địa phương, và luật tiểu bang được thay đổi với quy định cấm dùng ngân sách công cho thế vận hội, và rốt cuộc kết quả đó đã đẩy Olympic ra khỏi thành phố này.

Gần đây hơn, gần 70% cư dân thành phố Krakow của Ba Lan hồi năm ngoái bỏ phiếu chống kế hoạch tranh đăng cai Olympic mùa đông 2022, buộc thành phố này phải rút khỏi cuộc đua. Hồi đầu tuần này, thành phố Berlin thông báo sẽ tổ chức trưng cầu dân ý nếu thành phố này được chọn làm đại diện cho Đức đi tranh đăng cai thế vận hội mùa hè 2024.

Thị trưởng Walsh hôm 9 tháng Giêng – một ngày sau khi Boston vượt qua các thành phố đối thủ bao gồm Los Angeles, San Francisco, và Washington D.C để được Ủy ban Olympic Mỹ chọn đi tranh đăng cai Olympic – đã phát biểu rằng trưng cầu dân ý là không cần thiết.

Nhưng một cuộc thăm dò công luận do hai hãng truyền thông WBUR và NPR thực hiện hôm thứ Ba cho kết quả đến 75% người ở Boston được hỏi tỏ ý muốn tổ chức cuộc trưng cầu dân ý. Cuộc thăm dò này cũng cho thấy chỉ có 50% ủng hộ ý tưởng làm chủ nhà Olympic, và 33% chống đối.

Thông báo của văn phòng Thị trưởng Boston hôm thứ Ba nói: “Thị trưởng Walsh không ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý về Olympic. Nhưng nếu công chúng quyết định thu thập chữ ký để tổ chức cuộc trưng cầu, thì đó là quyền của công chúng và thị trưởng hoàn toàn ủng hộ quyền đó.”

Thông báo này dường như là một nỗ lực làm hài lòng cả bên đề xuất ý tưởng tranh đăng cai cho Boston, là những người chưa tỏ dấu hiệu mong muốn có cuộc trưng cầu dân ý, lẫn bên chống đối, là những người xem cuộc trưng cầu dân ý như là cách để buộc trách nhiệm vào bên đề xuất. Bên đề xuất là một nhóm nhỏ gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà thầu xây dựng.

Ông Chris Dempsey, đồng chủ tịch nhóm 'Boston Không Olympic' cho biết nhóm của ông chưa quyết định có nên thu thập chữ ký để tổ chức trưng cầu dân ý hay không, nhưng ông nói: “Đã rõ từ thí dụ của Denver và một số thành phố Âu châu là một cuộc biểu quyết có thể là một đe dọa chất dứt kế hoạch. Một khi đã đưa ra để công chúng biểu quyết, thì Olympic có thể nói lời tạm biệt với thành phố đó.”

Ông Patrick Sandusky, người phát ngôn của Ủy ban Olympic Mỹ, không trả lời thẳng những câu hỏi về cuộc trưng cầu dân ý, nhưng nói trong một thông báo rằng “khi công chúng biết nhiều hơn về những lợi ích mà thế vận hội mang lại cho cộng đồng, chúng tôi tin chắc là công chúng sẽ nhiệt liệt ủng hộ.”

“Vấn đề quan tâm chính luôn là phí tổn,” ông David Wallechinsky của Ủy ban Olympic Mỹ nói. “Liệu thành phố có tiêu tốn nhiều tiền hay không? – câu trả lời là có.”

XS
SM
MD
LG