Thỏa thuận lịch sử hôm thứ Năm về chương trình hạt nhân của Iran vẫn là trọng điểm của những lời bình luận trên toàn thế giới. Thông tín viên Đài VOA Michael Bowman tường trình là cuộc tranh luận về thỏa thuận sơ khởi có phần chắc sẽ chiếm nhiều thời gian tại Washington khi Quốc hội Mỹ họp trở lại vào tuần tới.
Trong buổi cầu nguyện ngày Chủ Nhật nhân lễ Phục Sinh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh đến thỏa thuận đạt được tại Thụy Sĩ.
“Với hy vọng của chúng ta đặt vào Đức Chúa Trời nhân từ, cầu mong thỏa thuận khung vừa đạt được tại Lausanne, sẽ là một bước quyết định tiến tới một thế giới an toàn và anh em.”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi thỏa thuận là một “tin tốt lành cho thế giới.”
Ngược lại, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn là người chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận này.
“Đây là một thỏa thuận xấu. Thỏa thuận vẫn để cho Iran có được hạ tầng cơ sở hạt nhân rộng lớn. Tôi nghĩ để cho một quốc gia khủng bố vượt trội trong thời đại chúng ta có được con đường tự do, một con đường dễ dàng đi đến thủ đắc vũ khí hạt nhân thì điều này nguy hại cho Israel, nguy hại đối với vùng, và nguy hại đối với thế giới.”
Theo Tổng thống Barack Obama, trong khi thỏa thuận qui định việc nới lỏng những chế tài để đổi lấy việc giới hạn khả năng hạt nhân của Iran, nhưng không có nghĩa là bãi bỏ những biện pháp mà Hoa Kỳ và thế giới có thể áp dụng đối với Iran.
“Nhiều chi tiết quan trọng cần được thỏa thuận giải quyết trong vòng 3 tháng tới, và không có gì được thỏa thuận cho đến khi mọi chuyện được thỏa thuận. Và nếu có việc ngược lại thì sẽ không có thỏa thuận. Nếu Iran vi phạm thỏa thuận, các chế tài có thể được áp dụng trở lại ngay tức thì. Trong khi đó, những chế tài khác của Hoa Kỳ đối với Iran vì nước này ủng hộ khủng bố, vi phạm nhân quyền, chương trình phi đạn đạn đạo, tất cả sẽ tiếp tục được áp dụng.”
Trong khi cam kết tuân thủ những lời hứa đã được đưa ra, các giới chức Iran nói rõ là họ trông đợi một sự chấm dứt hoàn toàn và vĩnh viễn các biện pháp chế tài đã làm thiệt hại nền kinh tế nước này trong nhiều năm qua. Nhưng chấm dứt, chứ không phải ngưng một số các biện pháp chế tài của Mỹ đối với Iran đòi hỏi phải có một hành động của quốc hội Mỹ, và nhiều thành viên trong quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát vẫn nghi ngờ, hay ngay cả chống lại thỏa thuận khung, có nghĩa là Tòa Bạch Ốc sẽ có nhiều việc phải làm.
Tổng thống Barack Obama nói: Tại nước Mỹ này, tôi thấy được là sẽ có những cuộc tranh luận gay go. Chúng tôi sẽ thông báo đầy đủ cho quốc hội và người dân Mỹ về nội dung của thỏa thuận. Là Tổng thống và Tổng Tư lệnh quân đội, tôi tin chắc rằng giải pháp ngoại giao, toàn diện và lâu dài như thế này-cho đến nay là giải pháp tốt nhất.”
Các cuộc thăm dò cho thấy hầu hết người Mỹ sẵn sàng chấp nhận việc giải quyết qua thương thuyết chương trình hạt nhân của Iran và nhiều nhà lập pháp đang có mặt tại đơn vị bầu cử để gặp các cử tri. Mọi thông điệp các thành viên quốc hội nghe được từ công chúng có thể định hình cuộc tranh luận tại Điện Capitol khi quốc hội trở lại làm việc vào tuần tới.