Chỉ trích của Trung Quốc nhắm vào tình trạng độc thân của tân Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phơi bày sự chia rẽ về cách nhìn nhận của hai xã hội dân tộc Trung Hoa, vốn mâu thuẫn về mặt chính trị, đối với giới tính và sự lãnh đạo trong bối cảnh có những áp lực phát triển khác nhau.
Người dân ở Trung Quốc đại lục thường cho rằng phụ nữ, dù được chấp nhận trong lực lượng lao động, nên đặt hôn nhân và sự thịnh vượng của gia đình làm mục tiêu hàng đầu của họ. Những giá trị Nho giáo từ 2.500 năm trước đề cao những ý tưởng này, đã xuất hiện trở lại kể từ khoảng năm 2000 với sự suy giảm nhiệt tình cách mạng Cộng sản cũ vốn chủ trương bình đẳng giới tính.
Ở đại lục ngày nay, phụ nữ độc thân ở độ tuổi quá 30 thường bị gọi là "gái lỡ thì."
Tại Đài Loan, nơi mà là 98 phần trăm dân số là người Hoa, hôn nhân vẫn là một lý tưởng, nhưng phụ nữ ngày càng tránh né nó để theo đuổi sự nghiệp, thu nhập và sự tự do không vướng bận những nghĩa vụ gia đình mà có thể bao gồm việc chăm sóc cha mẹ chồng cộng thêm con cái của chính họ.
Trung Quốc vốn đã không thích bà Thái vì bà khước từ lời kêu gọi đối thoại của họ, với điều kiện cả hai xem mình là một phần của Trung Quốc. Đài Loan và Trung Quốc vẫn là hai đối thủ chính trị kể từ những năm 1940. Hai nước láng giềng Châu Á này tự cai trị, nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan và nhất mực nói rằng Đài Loan phải nằm dưới quyền kiểm soát của họ khi cuộc nội chiến Trung Quốc kết thúc vào những năm 1940. Những cuộc khảo sát ý kiến cho thấy hầu hết người Đài Loan muốn được quyền tự chủ như ngày hôm nay.
Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của Trung Quốc, đăng bài bình luận hôm thứ Ba nói rằng, "là một chính trị gia nữ độc thân, bà Thái thiếu gánh nặng cảm xúc của tình yêu, sự ràng buộc của gia đình hay những lo toan về con cái." Vương Vệ Tinh, một nhà phân tích của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và là thành viên của một cơ quan bán chính thức phụ trách đối thoại với Đài Loan, đã viết bài bình luận này.
Bà Thái tập trung quá nhiều vào những chi tiết và mục tiêu ngắn hạn, thay vì những vấn đề chiến lược rộng lớn hơn, bài viết của Tân Hoa Xã nói thêm. "Phong cách và chiến lược của bà ta trong việc theo đuổi chính trị liên tục nghiêng về phía tình cảm, cá nhân và cực đoan," bài viết nói.
Tân Hoa Xã đã gỡ bỏ bài viết, nhưng những cơ quan truyền thông khác của Trung Quốc vẫn phải đăng bài viết sau đó trong tuần.
Nhưng rất ít người Đài Loan bình phẩm công khai về giới tính hay tình trạng hôn nhân của luật gia 59 tuổi này khi bà vận động tranh cử tổng thống hồi năm ngoái cạnh tranh với hai người đàn ông. Bà giành chiến thắng với tỉ lệ áp đảo vào tháng 1 và nhậm chức vào ngày 20 tháng 5 trong tư cách là nữ tổng thống đầu tiên của Đài Loan.
Ngô Thụy Quốc, giám đốc quản lý một công ty tư vấn rủi ro chính trị tại Đài Bắc, nói: "Người Trung Quốc cần phải hiểu rằng bây giờ là thế kỷ 21. Một số những điều này còn không có sức nặng huống hồ là sự khả tín đối với người dân Đài Loan. Phát ngôn như vậy là phản tác dụng đối với sự ổn định của mối quan hệ xuyên eo biển và gần như mang tính cá nhân."
Lôi Thiến, người từng là nhà lập pháp nữ và giờ là giám đốc điều hành của trung tâm nghiên cứu Thế kỷ 21 Trung Hoa ở Đài Loan, gọi bài viết này là sự công kích cá nhân phơi bày sự thiên vị giới tính ở Bắc Kinh.
"Đây là một cách ngầm công kích cá nhân bà Thái Anh Văn," bà Lôi nói. "Tuy nhiên, điều rất rõ ràng là khi những chính trị gia nam không phải chịu những chỉ trích giống như vậy thì những chính trị gia nữ cũng không nên chịu những chỉ trích đó.”
"Tôi chỉ đơn giản cho rằng Đài Loan có mức độ phụ nữ tham gia chính trị lớn hơn, do đó có thể có sự khác biệt về kinh nghiệm cho những tiêu chuẩn được áp dụng cho những chính trị gia nữ so với những chính trị gia nam," bà nói.
Bà nói thêm với Trung Quốc, "tôi nghĩ rằng khi nước này dần dần tiến khung cảnh chính trị hiện tại của mình thì loại di sản và quan niệm xưa cũ của Trung Quốc lại có ảnh hưởng."
Tỉ lệ sinh con ở Đài Loan đã sụt giảm xuống mức ít hơn một em bé trên một phụ nữ trong năm 2011, khiến chính phủ lo lắng về năng suất lao động lâu dài. Nhưng phụ nữ ở những nơi tương đối giàu có khác của Châu Á, như ở Hong Kong và Singapore, cũng đang gạt chuyện sinh con sang một bên để xây dựng sự nghiệp.
Ngược lại, ở Trung Quốc 46 phần trăm người dân sống ở vùng nông thôn, theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới. Những người đó thường sống ở những trang trại và gần mức nghèo túng. Những hoàn cảnh đó càng củng cố vai trò giới tính truyền thống khi người đàn ông tập trung vào công việc đồng áng vất vả và phụ nữ thì coi sóc nhà cửa.
Người Đài Loan đề cao những người phụ nữ biết cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp, bao gồm cả chính trị, theo lời bà Trần Oánh, một nhà lập pháp nữ của đảng cầm quyền đã tham chính tám năm qua. "Gần như tất cả phụ nữ, vì công việc của họ, đều cảm thấy khó chú tâm đến cả hai, nên cử tri sẽ thông cảm về vấn đề này bởi vì chúng tôi đầu tư rất nhiều thời gian vào công việc của chúng tôi," bà Trần nói.
Một số cử tri thậm chí thích những chính trị gia nữ hơn vì quan niệm cho rằng họ thấu hiểu những vấn đề mà những gia đình phải đối mặt hơn là đàn ông, bà nói thêm.
Rất ít phụ nữ đạt tới những chức vụ hàng đầu trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một hình mẫu hiện đại trong số những chính trị gia nữ là bà Ngô Nghi, một thành viên Bộ Chính trị được nhiều người đặt biệt danh là "quý bà thép" vì kỹ năng thương thuyết của bà. Nhưng bà đã về hưu vào năm 2008.
Văn phòng tổng thống ở Đài Loan hôm thứ Sáu từ chối bình luận về bài viết trên Tân Hoa Xã.
Nhưng chính phủ của bà đã phản ứng một cách nhanh chóng về một loạt những nhận xét chính trị nghiêm khắc từ Trung Quốc trong tuần qua. Chính phủ Bắc Kinh đã cảnh báo chớ có bất kỳ nỗ lực nào tại Đài Loan cho sự độc lập về mặt pháp lý và đặt nghi vấn liệu bà Thái có muốn đàm phán với Bắc Kinh hay không.
Bà Thái khước từ "một Trung Quốc" là điều kiện tiên quyết cho đối thoại, làm nổi bật những cuộc đàm phán nhìn chung lạc quan giữa Bắc Kinh và người tiền nhiệm của bà là ông Mã Anh Cửu từ năm 2008. Bà đã lên tiếng ủng hộ những cuộc đàm phán theo luật pháp Đài Loan, nếu dân chúng Đài Loan chấp thuận.