Còn ít ngày nữa là bắt đầu mùa mưa, các tình trạng nguy hiểm và thiếu các biện pháp an toàn tại các mỏ ngọc thạch ở Myanmar đã được nêu bật khi xảy ra tai nạn hàng chục thợ mỏ thiệt mạng trong khi đi tìm ngọc trong một hầm mỏ.
Khu vực thị trấn Hpakant, ở bang Kachin miền bắc Myanmar, là một vùng đất hoang rộng lớn với những hầm mỏ sâu và những đống rác khổng lồ do các công ty đào mỏ sử dụng chất nổ và máy móc hạng nặng thải ra.
Mưa mùa thường làm gia tăng tính bất ổn trong khu vực và hôm thứ Hai một bức tường dưới hầm đã sập, đè lên hàng chục nhân công, theo ông Khin Maung Myint, một nhà lập pháp ở Hpakant thuộc Liên minh Dân chủ Toàn quốc.
Ông cho biết cho đến giờ này người ta đã tìm thấy 12 xác người và gửi 50 người đến bệnh viện. Ông tin rằng có tới 100 người vẫn còn ở dưới đống đổ nát. Trời đổ mưa lớn nên họ phải ngưng công tác tìm kiếm.
Ông nói thêm rằng mọi người đã xâm nhập phi pháp một mỏ của công ty nơi công tác đã bị đình chỉ.
Các tai nạn chết người rất thường xảy ra tại các mỏ ở Hpakant, nơi người di trú nghèo từ khắp nơi của Myanmar bơi rác ở các mỏ để tìm ngọc đá.
Vào ngày 8 tháng 5, tin cho hay 13 người đã chết vì một vụ đất sạt lở. Nhiều tai nạn với số tử vong thấp hơn đã xảy ra hồi tháng 12 và tháng Giêng. Trong một trong những tai nạn trầm trọng nhất mà người ta còn nhờ được, 114 người ngủ trong một trại mỏ đã chết khi bị nghiền nát vì đống rác sụp đổ hồi tháng 11 năm ngoái.
300.000 thợ mỏ, không có biện pháp an toàn
Năm 2015, có ước chừng 300.000 thợ mỏ lưu động đi lượm mót ngọc ở Hpakant, theo một bài báo của truyền thông nhà nước. Bài báo nêu ra rằng đã có một sự tăng vọt số công nhân trong mấy năm vừa qua, cùng với một sự gia tăng về đào mỏ và thải rác ở quy mô lớn.
Ông Naw Lown, thư ký của Quỹ Phát triển Dân tộc Kachin, nói các điều kiện nguy hiểm nảy sinh do các công ty có giấp phép và có thế lực thải rác ra bất kể những quy định về an toàn hay luật lệ về môi trường.
Ông nói: “Họ không nhận lãnh trách nhiệm, họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận của họ. Họ không khai thác theo đúng quy định và luật lê, và họ không thải rác một cách có hệ thống”.
Nhà chức trách đã cố gắng thực thi các luật lệ an toàn, hay kiểm soát khối thợ mỏ lưu động, một tình hình mà chính phủ mới của đảng NLD cấp thiết muốn thay đổi. Chính phủ đã loan báo các kế hoạch cải thiện an toàn mỏ trong 100 ngày tại chức và sẽ không cấp giấy phép mới cho đến khi các quy định mới và các biện pháp bảo vệ môi trường được thực thi.
Ông Win Htein, tổng giám đốc Bộ Hầm mỏ, nói với các cơ quan truyền thông nhà nước hôm 19 tháng 5 rằng: “Chúng tôi sẽ sắp xếp cho việc đào mỏ có hệ thống ở đó”. Các biện pháp như di dời các trại thợ mỏ có rủi ro, thiết lập các khu vực an toàn và thực thi các quy định chặt chẽ hơn về thải rác đang được hoạch định. Ông Khin Maung Myint nói đã có khoảng 150 công ty khai thác ngọc và cho biết thêm rằng các giới chức NLD “muốn đình chỉ mọi công tác đào mỏ trong mùa mưa bởi vì rất nguy hiểm, nhưng điều đó rất khó bởi vì có những lợi ích công ty thuộc quyền sở hữu của quân đội”.
Những giấc mơ, ma túy và hiểm nguy
Điều kiện sinh hoạt ở khu vực núi non hẻo lánh rất gay go và đa số nhân công dùng chung những lều đơn giản dựng lên trong những trại bẩn thỉu. Nghiện ngập ma túy như bạch phiến và thuốc phiện, là những thứ rẻ tiền và sản xuất ở miền bắc Myanmar, là hiện tượng thông thường.
Tuy nhiên, mức thu nhập rất khá theo tiêu chuẩn của Myanmar bởi vì nhân công có thể kiếm được 300 đôla một tháng hay hơn. Sự kiện này thu hút dân di trú sẵn sàng chấp nhận nhiều rủi ro.
Ông Khin Maung Myint nói nhiều người bị thúc đẩy bởi hy vọng tìm ra một viên ngọc lớn. Ông nói: “Họ mơ tưởng có thể tìm ra được một hũ vàng ở cuối đường”, và nói thêm rằng đa số dân di trú xuất thân từ bang Rakhin nghèo khó, đầy khủng hoảng.
Mục sư Sai Naw của Hội thánh Baptit ở Hpakant nói nhiều công nhân chỉ làm việc để thỏa mãn cơn nghiện ma túy. Ông nói: “Mối nguy hiểm chính cho các thợ mỏ là nạn sạt lở đất, nhưng chúng tôi ước tính 60% thợ mỏ di trú dùng ma túy, mặc dầu không có số liệu chi tiết hay chính xác”. Ông cũng nói rằng việc khai trương một chẩn y viện mới đây của một tổ chức phi chính phủ cung cấp kim tiêm sạch miễn phí sẽ giúp giảm thiểu sự lây truyền HIV/AIDS.
Trong khi vô số người nghèo lầm than trong những điều kiện nguy hiểm và mấy chục người chết, các chủ công ty mỏ gặt hái lợi nhuận khổng lồ.
Khu vực ngọc thạch được cho là công nghiệp đắt giá nhất của Myanmar, thu về tới 31 tỷ đôla hàng năm, theo một cuộc điều tra của cơ quan theo dõi nguồn lực thiên nhiên Global Witness có trụ sở ở London. Cơ quan này nhận thấy đa số các công ty mỏ có quan hệ với quân đội và che giấu quyền sở hữu và các hợp đồng cấp phép.
Ngọc thạch có giá cao ở Trung Quốc và phần lớn được xuất khẩu dưới dạng các khối ngọc thô không có đăng ký xuyên qua biên giới gần đó và từ đó được đưa qua Hồng Kông để chế biến.