Đường dẫn truy cập

Thấy gì từ kinh tế lâm nghiệp Việt Nam?


Rừng keo 1 năm tuổi
Rừng keo 1 năm tuổi

Việt Nam là một nước có ¾ diện tích là đồi núi. Thế nhưng độ che phủ rừng năm 2014 chỉ đạt khoảng 41%. 80% diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo, còn diện tích rừng trồng phát triển trong khoảng chục năm trở lại đây chủ yếu là rừng gỗ nhỏ, giá trị kinh tế còn thấp. Tình trạng phá rừng tự nhiên để khai thác lâm sản hoặc làm nương rẫy đã khiến cho nguồn nước sông suối ngày càng bất ổn, thiên tai khó kiểm soát, lớp đất mặt bị rữa trôi mạnh.v.v. đã gây ra nhiều tác hại về kinh tế, môi trường và xã hội.

Tình hình phát triển rừng trồng trong 10 năm trở lại đây

Theo thống kê mới nhất, cả nước hiện có khoảng 8 triệu ha rừng trồng. Ngành lâm nghiệp Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây chứng kiến một cuộc đua quyết liệt trong lĩnh vực trồng rừng giữa các công ty và hộ gia đình. Trong nhiều trường hợp đã xảy ra những cuộc đụng độ ác liệt giữa một bên là liên minh công ty - chính quyền và người dân, trong đó, người dân vì thân cô thế cô, thiếu sự hỗ trợ pháp lý đã phải chịu mất đất hoặc bị ép bán với giá rẻ mạt.

Người dân ở vùng nông thôn lấy kinh tế nông nghiệp làm chính. Tuy vậy, trồng cây nông nghiệp và chăn nuôi không đủ giải quyết vấn đề kinh tế khiến họ phải bám vào rừng để kiếm thêm thu nhập: từ khai thác gỗ lậu, làm than củi, đến đốt rừng làm nương rẫy… Tất cả đều khiến rừng ngày càng nghèo kiệt đi, độ che phủ rừng suy giảm nghiêm trọng.

Khoảng thập niên 1950, một số giống bạch đàn được nhập về từ Úc và cho thấy có một số loài rất thích hợp với thổ nghi và khí hậu của Việt Nam. Dù trước 1975 đã có nhiều khu rừng trồng thuần bạch đàn ở Miền Trung Việt Nam nhưng mãi đến những năm 1990, diện tích rừng trồng loại này mới phát triển mạnh. Tuy nhiên đến những năm 2000, khi diện tích đất lâm nghiệp ngày càng bị thu hẹp bởi người dân đổ xô trồng rừng nguyên liệu thì ngoài cây bạch đàn, người ta đã chọn đưa vô cây keo, với ưu điểm: dễ trồng, phát triển mạnh, tạo sinh khối lớn, giá trị kinh tế cao. Hơn nữa, cây keo thuộc họ đậu, có tác dụng giúp đất tổng hợp đạm, từ đó cây keo dần đánh bật cây bạch đàn vốn làm cằn đất ra khỏi vị trí độc tôn. Nhờ vậy, nhiều hộ dân vùng có đất lâm nghiệp đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất nương rẫy chuyên trồng cây ngắn ngày sang trồng rừng keo nguyên liệu hoặc các cây lâu năm khác.

Anh Trần Thế Công, một chủ rừng ở Phú Yên, cho biết “Việc trồng rừng nguyên liệu trong những năm trở lại đây phát triển rất mạnh. Hai loại cây chủ lực được người dân chọn trồng là keo và bạch đàn. Đặc biệt là keo, bởi sau khoảng 8 năm sẽ bán được gỗ xẻ với giá trị cao. Hoặc chỉ cần 4-5 năm thì có thể bán được nguyên liệu cho nhà máy băm dăm gỗ.” Về lợi nhuận, sau khoảng 5 năm trồng và chăm sóc, thương lái đến thu mua tận nơi khoảng từ 50-70 triệu đồng/ha keo. Nếu để thêm vài năm nữa, khi đủ kích thước làm gỗ xẻ, giá trị có thể lên đến 150 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, không phải vùng nông thôn nào cũng có nhiều đất lâm nghiệp. Nhất là trong những năm trở lại đây khi có quá nhiều công ty, tập đoàn nhảy vào xin đất cho các dự án trồng rừng lớn.

Đối thủ cạnh tranh

Rừng keo 5 năm tuổi vừa khai thác.
Rừng keo 5 năm tuổi vừa khai thác.

Anh Trần Thế Công cũng chia sẻ thêm: “Thật ra thì làm kinh tế rừng cũng có thu nhập. Chỉ cần mỗi hộ gia đình có khoảng 3 ha đất trồng rừng, cộng với làm lúa, chăn nuôi thêm thì cũng khá giả. Tuy vậy, không phải ai cũng có đất rừng. Ở địa phương tôi đang sống vốn dĩ diện tích đất lâm nghiệp khá lớn. Tuy nhiên từ khoảng năm 2008, khi các công ty như Trường Thành Xanh hay Tân Phước Thịnh về xin dự án trồng rừng thì đâm ra người dân không có đất. Chẳng những thế, họ còn lấn chiếm đất của dân.”

Các công ty lâm nghiệp như Trường Thành Xanh (Công ty con của Tập đoàn Gỗ Trường Thành) trong 5 năm trở lại đây đã đầu tư rất mạnh để phát triển diện tích rừng nguyên liệu. Họ có nguồn vốn mạnh, lại lợi dụng mối quan hệ với chính quyền để xin đất, rồi lấn chiếm hoặc ép mua đất của dân với giá rẻ mạt. Ngoài ra, họ còn dễ dàng tiếp cận được vốn từ các ngân hàng thương mại, hoặc nguồn vốn cho vay lại ODA của Ngân Hàng Chính Sách Xã Hội.

Người dân có điểm yếu là ít vốn, thường không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nên hay bị thua thiệt khi xảy ra tranh chấp đất với các công ty. Ngoài ra, các ngân hàng rất ngại cho các hộ dân vay vốn trồng rừng vì nhiều lý do: không có GCNQSDĐ, không có tài sản thế chấp và các ngân hàng thương mại thường không muốn cho vay dài hạn. Việc không tiếp cận được nguồn vốn vay dài hạn khiến cho người dân phải khai thác rừng sớm để bán cho các nhà máy gỗ dăm khiến cho giá trị kinh tế thấp hẳn đi.

Đi đêm với chính quyền địa phương để được thuê đất trồng rừng với giá rẻ là cách mà các công ty hay làm. Sau đó, họ lấn chiếm hoặc ép mua với giá rẻ những mảnh đất cận kề không có GCNQSDĐ. Rất nhiều mảnh đất của người dân đã khai phá, sản xuất hàng chục năm nay, bỗng nhiên một ngày bị UBND tỉnh cấp chồng lên giao cho một công ty trồng rừng nào đó. Và sau những chuỗi ngày kiện tụng không hiệu quả, người dân phải chịu mất trắng hoặc phải chấp nhận bán cho công ty với giá rẻ mạt.

Ngoài ra, các ngân hàng thích cho các công ty vay hơn vì họ có tư cách pháp nhân, có tài sản thế chấp. Thực tế, đa số các công ty trồng rừng đều làm ăn rất “mập mờ”, mang tính mafia khi cấu kết với chính quyền để chèn ép người dân. Sau khi có được GCNQSDĐ hoặc dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt, họ đem đi thế chấp ngân hàng để vay vốn. Sau khoảng 2-3 năm trồng và chăm sóc rừng, họ sẽ bán lại dự án hoặc bán cổ phần cho các công ty nước ngoài. Thậm chí có công ty còn bán ngay dự án khi con dấu của UBND tỉnh chưa kịp ráo mực.

Năm 2014, rừng trồng cung cấp khoảng 10 triệu mét khối gỗ. Ngành lâm nghiệp Việt Nam đang hướng tới mục tiêu là 25% diện tích rừng trồng được kéo dài chu kỳ khai thác. Muốn làm được việc này, người dân phải tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng để giải toả gánh nặng kinh tế gia đình.

Trong 10 năm qua, thị trường lâm sản Việt Nam tăng đều khoảng 15%. Ngành đồ gỗ nội thất lẫn ngành dăm gỗ, nguyên liệu giấy đều phát triển mạnh đã kích thích kinh tế lâm nghiệp của Việt Nam phát triển theo. Việc phát triển diện tích rừng trồng vừa góp phần phát triển kinh tế, vừa giúp nâng độ che phủ rừng. Thế nhưng, nông dân Việt Nam đã nghèo, lại phải đương đầu với những rào cản, những đối thủ to lớn: sự cạnh tranh kiểu mafia giữa liên minh công ty - chính quyền, khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, thủ tục cấp GCNQSDĐ rườm rà… khiến cho đời sống đã cực, lại càng khốn khổ hơn.

* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG