Giới hữu trách Thanh Hóa loan báo dừng việc thu hồi một bến thuyền cho dự án du lịch gây tranh cãi sau 11 ngày biểu tình quyết liệt của ngư dân.
Truyền thông nhà nước dẫn thông báo của Bí thư tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thanh Hóa, Trịnh Văn Chiến, tại cuộc đối thoại trực tiếp với dân chúng địa phương sáng nay (7/3) cho biết trước mắt bà con được tiếp tục ra khơi, tỉnh chưa ban hành quyết định thu hồi bến.
Diễn tiến này xảy ra sau khi hàng trăm ngư dân xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, hơn tuần qua kéo về bao vây trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh và Tỉnh ủy Thanh Hóa, yêu cầu trả lại bãi biển Sầm Sơn.
Họ phản đối quyết định của chính quyền thu hồi và giao 3,5 km đất ven biển cho Tập đoàn FLC phát triển dự án du lịch, dự kiến hoàn thành vào giữa tháng 4 tới đây, để phục vụ du khách mùa hè năm nay.
Dự án quy hoạch phía Đông đường Hồ Xuân Hương với tổng vốn đầu tư 325 tỷ đồng do tỉnh Thanh Hóa phê duyệt hồi tháng 10 năm ngoái chiếm trọn bờ biển kể cả một bến thuyền, kế sinh nhai duy nhất của ngư dân địa phương từ bao đời nay.
Việc ở Sầm Sơn giống như rất nhiều dự án khác đã từng xảy ra trên đất Việt Nam này. Thường khi sự phản đối của dân chúng quá lớn thì các cấp chính quyền tìm cách xoa dịu. Nhưng sau đó, khi sức phản đối của người dân bắt đầu chùn xuống, họ bắt đầu sử dụng lực lượng công an-an ninh để điều tra, sàng lọc tất cả những người tham gia, tìm những người dẫn dắt quần chúng để bắt giam, khởi tố. Khi những người đi đầu bị tấn công, sức phản kháng sẽ tụt hẳn xuống. Rồi nhà nước lại tiếp tục lấy đất của dân, tiếp tục dự án thôi.Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nói.
Người dân đề nghị chính quyền chừa lại ít nhất từ 300m đến 1,5km bờ biển để họ neo đậu tàu bè, tiếp tục ra khơi.
Bí thư Trịnh Văn Chiến, tại buổi họp với người dân sáng nay, tỏ ý lấy làm tiếc và nhận trách nhiệm về sự việc khiến dân tập trung biểu tình trước các cơ quan công quyền hơn tuần nay.
Báo chí nhà nước dẫn lời ông Chiến nói ‘Dù dưới gốc độ nào, chúng tôi cũng thấy có lỗi với bà con.’ Tuy nhiên, ông khẳng định việc người dân tụ tập đông người ‘gây mất an ninh trật tự’ là vi phạm pháp luật.
Hàng trăm lực lượng an ninh đã được huy động trong những ngày qua trong lúc dân chúng bao vây các trụ sở chính quyền khiến giao thông thành phố tê liệt.
Công an Thanh Hóa cách đây hai ngày loan báo đã bắt đầu điều tra các cáo trạng về tội ‘gây rối trật tự công cộng’ liên quan đến các cuộc biểu tình này, một cáo buộc thường được giới hữu trách trong nước sử dụng để đối phó với các cuộc biểu tình của dân chúng giữa bối cảnh người dân chưa được thực thi quyền này trên thực tế dù Hiến pháp có công nhận.
Anh Nguyễn Lân Thắng là một nhà hoạt động tích cực cổ xúy phát triển xã hội dân sự tại Việt Nam cũng là một ký giả độc lập từng theo sát các vụ việc tương tự trước nay để phản ánh thông tin trên các trang mạng xã hội.
Quan sát, đối chiếu diễn tiến ở Sầm Sơn với các vụ tranh chấp đất đai giữa chính quyền với dân chúng, anh Thắng nói giới hữu trách Thanh Hóa đang lùi một bước để tiến tới nhiều bước:
"Việc ở Sầm Sơn giống như rất nhiều dự án khác đã từng xảy ra trên đất Việt Nam này. Thường khi sự phản đối của dân chúng quá lớn thì các cấp chính quyền tìm cách xoa dịu. Nhưng sau đó, khi sức phản đối của người dân bắt đầu chùn xuống, họ bắt đầu sử dụng lực lượng công an-an ninh để điều tra, sàng lọc tất cả những người tham gia, tìm những người dẫn dắt quần chúng để bắt giam, khởi tố. Khi những người đi đầu bị tấn công, sức phản kháng sẽ tụt hẳn xuống. Rồi nhà nước lại tiếp tục lấy đất của dân, tiếp tục dự án thôi. Tình trạng đó rất phổ biến nhiều năm qua, chẳng hạn như vụ ở Ninh Hiệp hay Văn Giang. Sự tấn công của họ rất bài bản, rất tinh vi. Người dân thiếu hiểu biết pháp luật rất dễ bị tấn công."
Theo giới hoạt động xã hội, trong một đất nước thiếu dân chủ, đầy rẫy tham nhũng, và mọi việc đều bị kiểm soát chặt chẽ như Việt Nam, phương tiện duy nhất có thể giúp người dân bảo vệ lẽ phải, chống lại sự áp bức-bất công chính là truyền thông xã hội:
"Hỗ trợ bằng truyền thông rất quan trọng. Dù trong các sự việc, chúng tôi không có sự hợp tác ở phía người dân, nhưng có những biến động gì hay vấn đề gì chúng tôi đều vẫn thông tin qua mạng xã hội để khai mở vấn đề. Tác động đến với khối quần chúng, tuy không thể ngay được, nhưng sẽ tác động đến nhận thức của quần chúng về lâu về dài, và họ sẽ dần dần thức tỉnh."
Nhà hoạt động này kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự độc lập cần quan tâm, tham gia mạnh mẽ vào các vụ việc như ở Sầm Sơn để hỗ trợ những người dân thấp cổ bé miệng, tăng cường sức mạnh cho những tiếng nói của các nạn nhân bị mất đất, đảm bảo công lý được thực thi.
Bình luận về sự việc ở Sầm Sơn, một blogger trên mạng xã hội nói ‘Các dự án được vẽ ra để ăn chia, khi vấp phải phản ứng của người dân chịu ảnh hưởng, thay vì tìm lối thoát bền vững và đặt mục tiêu phát triển lên tối cao để tạo sự chuyển biến lâu dài về kinh tế xã hội cho địa phương, đám quan chức này chỉ đơn giản là lùi bước. Đây không phải là cai trị để phát triển, mà là cai trị để ăn hút và bảo tồn ghế ngồi khi có căng thẳng.’
Blogger này viết tiếp ‘Bà con Sầm Sơn Thanh Hóa đã dành được chiến thắng. Nhưng cần phải đề phòng mưu hèn, kế bẩn của bọn chính quyền’.
Tranh chấp đất đai là nội dung của đại đa số các đơn khiếu kiện tại Việt Nam và cũng là một trong những nguyên nhân chính gây bất ổn xã hội.