Đường dẫn truy cập

Hàng trăm người dân vây trụ sở ủy ban tỉnh để đòi lại biển Sầm Sơn


Hàng trăm người dân tụ tập trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa đòi FLC trả lại bãi biển. (Ảnh: Lê Dương). Ảnh chụp màn hình trang web vietnamnet.vn.
Hàng trăm người dân tụ tập trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa đòi FLC trả lại bãi biển. (Ảnh: Lê Dương). Ảnh chụp màn hình trang web vietnamnet.vn.

Hàng trăm người dân đã kéo đến vây quanh trụ sở Ủy ban Nhân dân thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, kể từ ngày 26/2 đến nay để yêu cầu trả lại bãi biển Sầm Sơn.

Theo các nguồn tin trong nước, mong muốn duy nhất của người dân là chính quyền để lại 500 met bờ biển để họ có chỗ neo đậu tàu thuyền, không phải bỏ nghề và chuyển đi nơi khác. Nhưng chính quyền đã không giải quyết yêu cầu của họ mà tiếp tục thu hồi đất ở khu vực neo đậu thuyền, dẫn đến vụ bao vây trụ sở ủy ban.

Trong các video clip đăng trên mạng xã hội YouTube, người dân nói chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý giao đất cho tập đoàn FLC để xây dựng các dự án sân golf, resort, khách sạn nghỉ dưỡng… Một người dân cho biết chính quyền đòi bồi thường 50 triệu đồng cho mỗi chiếc thúng, mủng; 70 triệu đồng cho mỗi bè mảng và ‘đốt đi hay hủy đi hay vứt đi, đó là quyền của các ông các bà’.

Người dân địa phương cho biết nhiều đời nay họ đã sống bằng nghề ‘bám biển’ vì không có ruộng. Các ngư dân Thanh Hóa nói cả bờ biển từ Cảng Hới đến Độc Cước dài 7 kilomet mà chính quyền giao cho FLC, họ chỉ xin được để lại 500 met mà tỉnh không cho.

Trả lời báo giới trong nước, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn cho biết dự án cải tạo, nâng cấp bãi biển địa phương là một chủ trương của tỉnh, ‘không có chuyện tỉnh giao đất toàn quyền cho FLC như cách hiểu của một số người’.

FLC là tập đoàn được tỉnh Thanh Hóa chọn làm nhà thầu thi công dự án. Viên chức của tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết lựa chọn này được đưa ra sau khi đã ‘mời gọi các nhà thầu khác nhưng họ từ chối’.

Đại diện chính quyền tỉnh nói đã có đề án để di chuyển bến thuyền và hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân, nhưng các ngư dân nói chế độ bồi thường không thỏa đáng và họ gặp khó khăn trong việc chuyển đổi, tìm kiếm một nghề nghiệp mới khi không có bằng cấp và chuyên môn.

Theo Người Lao Động, Dân Sinh, Nông Nghiệp Việt Nam

VOA Express

XS
SM
MD
LG