Đầu tháng Ba tôi có dịp tới Ukraina, vùng đất cách đây 30 năm còn thuộc về quốc gia cộng sản lớn nhất hành tinh. Ngày nay đất nước này đã hoàn toàn rũ bỏ quá khứ cộng sản và hướng về châu Âu thay vì đi theo đường lối toàn trị như nước láng giềng Nga khổng lồ. Những người theo đường lối cộng sản vẫn còn nhưng các chính đảng như vậy không còn tồn tại.
Đón tôi ở sân bay Boryspil tại thủ đo Kyiv là bác tài xế tuổi trạc 50. Bác kể đã từng đi lính nghĩa vụ dưới tới Liên Xô từ năm 1986-1988. Sau đó bác cưới một cô gái Nga và hôn nhân kéo dài cho tới vài năm gần đây khi mỗi người mỗi ngả. “Tôi không bàn tới chuyện Liên Xô tốt hay xấu, nhưng khi đó các nước trong Liên Xô người ta coi nhau như anh em,” bác nói. Giờ thì anh gấu Nga đã vả cho đứa em Ukraina mấy cái và chiếm luôn bán đảo Crimea hồi năm 2014.
2014 cũng là năm cuối cùng đảng cộng sản ở Ucraina được phép tham gia tranh cử. Luật giải trừ cộng sản trong năm 2015 đã loại Đảng Cộng sản Ukraina khỏi các cuộc bầu cử và cũng cấm luôn các biểu tượng cộng sản. Trong các năm sau đó hàng ngàn tượng đài của Lenin và các nhà lãnh đạo Xô Viết khác đã bị dỡ bỏ và hàng chục ngàn tên các địa phương xuất phát từ thời Liên Xô đã được thay đổi.
Trước khi tới Kyiv, cũng còn được gọi là Kiev theo cách viết của Nga, tôi có tham khảo khuyến cáo của Bộ Ngoại giao Anh. Lời khuyên của họ là không nên tới các vùng miền đông Ukraina bao gồm Donetsk, Luhansk và cả Crimea. Miền đông là nơi phiến quân thân Nga và quân chính phủ giao tranh trong mấy năm qua. Ngay gần khách sạn City Hotel nơi tôi ở có một toà nhà đang bỏ dở. Công ty đầu tư làm ăn chính ở Donetsk và gặp khó khăn về tài chính do chiến sự diễn ra. Toà nhà đã hoàn thiện phần khung nhưng không còn tiền để làm nốt phần còn lại cũng như nối điện và nước.
Tôi tới Kyiv hôm 3/3 thì ngày 4/3 Tổng thống Volodymyr Zelensky, vốn là cựu danh hài, quyết định thay thế gần như toàn bộ nội các. Đó là lần thứ ba ông Zelensky thay thủ tướng và các bộ trưởng trong nửa năm qua. Vị tổng thống vừa bước sang tuổi 42 lên cầm quyền sau khi được sự ủng hộ của trên 70% cử tri trong bầu cử hồi tháng Tư năm 2019. Nhưng chỉ chưa đầy một năm sau số người ủng hộ ông đã giảm xuống dưới 50%. Một trong những lý do khiến người dân không còn ủng hộ ông như trước là họ không tin vào đội ngũ chính trị gia ông chọn để điều hành đất nước. Hơn nữa họ cũng nói ông hứa thật nhiều khi tranh cử nhưng chưa làm được bao nhiêu trong khi đường hướng phát triển cho đất nước còn rất mù mờ.
Ukraina nay không còn là nước cộng sản và những người cộng sản ít ỏi còn lại hiện có cũng như không nhưng nhiều vấn đề họ đang đối mặt chẳng khác gì các vấn đề của Việt Nam. Tham nhũng là một vấn nạn và gần như bất kỳ vấn đề gì trong xã hội cũng có thể được giải quyết bằng tiền dưới gầm bàn. Người ta cũng mua bằng lái xe, trả tiền cho cảnh sát để được bỏ qua những lỗi giao thông, giới tài phiệt dùng tiền để mua công lý trong khi lời hứa tăng lương đáng kể cho công nhân viên chức của ông Zelensky hiện vẫn chỉ là lời hứa. Sang năm đã là 30 năm kể từ khi Ukraina bắt đầu quá trình giải trừ cộng sản nhưng các vấn đề từ thời cộng sản vẫn mới nguyên. Thế mới thấy để có một xã hội thịnh vượng, trong sạch và thượng tôn pháp luật người ta cần phải cố gắng trong vài thế hệ.
Cũng giống như Việt Nam, một trong những trở ngại cho một Ukraina thực sự dân chủ và tự do là ông láng giềng khổng lồ. Nếu Trung Quốc không muốn Việt Nam ngả về phía Hoa Kỳ và châu Âu thì Nga cũng không hề muốn Ukraina làm điều tương tự. Một số người dân Ukrania đang nghi ngờ rằng ông Zelensky sẽ có chính sách mềm mỏng hơn với Nga. Trong số các vấn đề gây căng thẳng giữa Nga và Ukraina hiện nay còn có chuyện chính quyền Kyiv đã ngưng cung cấp nước cho Crimea từ năm 2014 khiến bán đảo này luôn trong tình trạng thiếu nước. Nếu ông Zelenksy mở lại nguồn nước từ Ukraina tới Crimea, ông sẽ gặp phải sự phản đối từ phần lớn dân chúng vốn không bao giờ chấp nhận chuyện Nga thôn tính Crimea.
Ukraina là quốc gia lớn nhất nằm trọn trong châu Âu và có diện tích gần gấp đôi Việt Nam. Nhưng dân số Ukraina chưa bằng một nửa dân số Việt Nam trong khi thu nhập bình quân đầu người chỉ nhỉnh hơn quốc gia cộng sản chút ít. Một người bạn Ukraina đi cùng chuyến bay với tôi từ Kyiv về lại London nói: “Chúng tôi đang trong một mớ hỗn độn và chưa thấy đường ra. Tổng thống và nhóm lãnh đạo hiện nay chẳng có đường hướng gì rõ ràng cả.”
Trong ngày thứ Bảy trước khi rời Kyiv, tôi ra Quảng trường Độc lập và lặng người đứng trước khu tưởng niệm những người đã ngã xuống vì tự do xung quanh quảng trường hồi năm 2014. Di ảnh của hàng chục người dũng cảm xuống đường đòi tự do được bày dọc theo bức tường của khu tưởng niệm, một số được treo trên các thân cây ở phía đối diện. Người trẻ nhất mới 17 còn người già nhất đã ngoài 80. Thực sự tự do chẳng bao giờ tự nhiên tới và những mất mát trong quá trình đi tìm hay đòi lại tự do thật đáng tiếc lại là điều thật khó tránh nếu không muốn nói là không tránh khỏi.