Trong Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản khóa XI được tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 5 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có hai bài phát biểu chính, một trong buổi khai mạc và một trong buổi bế mạc. Một trong vài nội dung chính của hai bài phát biểu là vấn đề tham nhũng. Đó cũng chính là một trong những vấn đề quan trọng nhất được Ban chấp hành Trung ương đảng thảo luận trong suốt cuộc hội nghị kéo dài đến chín ngày.
Trong bài diễn văn khai mạc, ông Nguyễn Phú Trọng thừa nhận tham nhũng là một “vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân”. Ông khoe là, từ nhiều năm qua, Việt Nam “đã sớm ban hành Nghị quyết của Trung ương, Pháp lệnh và tiếp đó là Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng và nhiều quyết sách khác; đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng ở Trung ương và các địa phương; đã tiến hành nhiều biện pháp liên tục.”
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận là “nhưng đến nay công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.” Tại sao? Ông đặt câu hỏi. Nhưng ông không trả lời. Có lẽ ông cho đó là nhiệm vụ của cả Ban chấp hành Trung ương trong mấy ngày họp hành sau đó. Ông chỉ nêu lên một nguyên tắc chung: “Để trả lời cho câu hỏi này, cần nhìn thẳng vào sự thật, phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc tình hình tham nhũng, lãng phí và kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.”
Tiếc, kết thúc hội nghị, chúng ta vẫn không nghe được câu trả lời thật thỏa đáng.
Trong diễn văn bế mạc, ông Nguyễn Phú Trọng cũng vẫn nói một cách chung chung. Về thành tích: “công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động.” Về hạn chế: “công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt được yêu cầu ‘ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng’. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.”
Về nguyên nhân: “Một số cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu chưa quyết tâm lãnh đạo và gương mẫu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; những bất cập về thể chế, nhất là trong việc ban hành, thực thi luật pháp, cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội; trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, thiếu công khai, minh bạch và nhất quán; vẫn còn tình trạng ‘xin - cho’. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm.” Về biện pháp: “Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.” Cuối cùng là một lời kêu gọi: “Mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng hãy là một chiến sĩ tiên phong, đi đầu trong cuộc đấu tranh này. Phải gương mẫu, giữ mình cho trong sạch, không vướng vào tham nhũng, lãng phí; đồng thời phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt trong đơn vị công tác của mình.”
Đọc xong hai bài phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng, người ta thấy ngay là sau chín ngày làm việc, liên quan đến chuyện phòng chống tham nhũng, Ban chấp hành Trung ương đảng dường như chỉ làm được một việc duy nhất: giao nhiệm vụ phòng chống tham nhũng cho Bộ chính trị. Xin lưu ý là trước đây, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc phủ Thủ tướng và do ông Nguyễn Tấn Dũng làm trưởng ban.
Việc thay đổi này chứng tỏ ít nhất ba điều: một, cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Nguyễn Tấn Dũng lãnh đạo không thành công; hai, có một sự bất tín nhiệm nào đó trong Ban chấp hành Trung ương đối với việc lãnh đạo phòng chống tham nhũng của ông Nguyễn Tấn Dũng; và ba, người ta thừa nhận tham nhũng là một vấn đề của đảng hơn là của chính phủ. Từ hai điểm đầu, một số người cho đây chỉ là một hình thức tranh giành quyền lực trong giới lãnh đạo Việt Nam, và trong cuộc tranh giành này, người yếu thế chính là Nguyễn Tấn Dũng. Còn người thắng thế? Tôi không biết. Và có lẽ cũng không có ai biết chắc. Trừ những người trong cuộc. Nhưng theo tôi, điểm thứ ba mới là điều quan trọng. Đã đành ở Việt Nam rất khó phân biệt ranh giới giữa đảng và nhà nước. Đảng nắm toàn bộ guồng máy nhà nước. Hầu như tất cả cán bộ nhà nước, từ trung ương xuống địa phương đều là đảng viên. Nhưng dù sao việc thừa nhận ở trên cũng tiết lộ dường như người ta đã thấy đâu là gốc và đâu là ngọn: nguyên nhân căn bản nhất của tham nhũng xuất phát từ đảng.
Nói “dường như” vì, thật ra, tôi cũng không chắc. Đặc điểm lớn nhất của giới lãnh đạo Việt Nam là người ta không dám đi đến cùng bất cứ một nhận thức nào. Họ cứ ngập ngừng, tự lừa dối mình và lừa dối người khác trong những sáo ngữ rỗng tuếch.
Những điều vừa trình bày ở trên hầu như ai cũng biết. Biết gốc rễ của tham nhũng là ở đảng. Đúng hơn: ở tính chất độc quyền của đảng.
Tham nhũng bao giờ cũng gắn liền với quyền. Không có quyền, không thể tham nhũng được. Ở đâu cũng vậy, hễ có quyền là có nguy cơ tham nhũng. Tham nhũng chỉ là cái ngọn. Ngăn chận tham nhũng, do đó, phải bắt đầu từ gốc: hạn chế và kiểm soát quyền lực. Ở các nước phát triển, nạn tham nhũng, nếu có, chỉ ở mức ít ỏi và lẻ tẻ. Lý do không phải vì người ta không có lòng tham. Mà vì, một, người ta sợ; và hai, nếu không sợ, người ta cũng không có nhiều cơ hội để tham nhũng. Ở Việt Nam, đảng nằm ở ngoài và ở trên luật pháp. Đảng muốn làm gì thì làm, kể cả tham nhũng.
Đưa Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng về Bộ chính trị tưởng là tăng thêm quyền hành cho nó để nó làm việc hiệu quả hơn. Nhưng, không phải. Đó chỉ là cách để đẩy nó vào vòng bí mật. Sau này, mọi việc ngăn chận hay phát hiện tham nhũng đều thuộc vấn đề nội bộ của đảng, được quyết định trong các cuộc họp kín. Ở đó, các “đồng chí” sẽ làm việc với nhau. Dân chúng trong cả nước chỉ biết được các kết luận cuối cùng được thông báo một cách vắn tắt. Cho đến nay, nội dung các thông báo ấy phần lớn đều giống nhau: “Không đủ chứng cứ!”
Hơn nữa, vấn đề không phải chỉ là tham nhũng. Còn nghiêm trọng hơn cả tham nhũng là việc lợi dụng các đặc quyền của mình. Đây chính là nguồn lợi lớn nhất của các cán bộ cao cấp. Có quyền, người ta tha hồ buôn bán đất đai. Có quyền, người ta tha hồ phân phát quyền và lợi cho người thân, từ vợ con đến anh em và họ hàng. Cứ thế, có thể không cần tham nhũng, tiền bạc vẫn cứ ào ào chảy vào túi họ. Và thân nhân của họ. Cứ nhìn vào chuyện cô con gái 24 tuổi của Tô Huy Rứa được làm chủ tịch Hội đồng quản trị công ty xây dựng Vinaconex với gần 2000 cán bộ hay cái dinh thự được xem là “siêu sang” với khu vườn rộng hơn 4.000 thước vuông đầy cây quý và hiếm của người con trai bí thư Tỉnh ủy Hải Dương thì đủ biết.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Trong bài diễn văn khai mạc, ông Nguyễn Phú Trọng thừa nhận tham nhũng là một “vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân”. Ông khoe là, từ nhiều năm qua, Việt Nam “đã sớm ban hành Nghị quyết của Trung ương, Pháp lệnh và tiếp đó là Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng và nhiều quyết sách khác; đã thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng ở Trung ương và các địa phương; đã tiến hành nhiều biện pháp liên tục.”
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận là “nhưng đến nay công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.” Tại sao? Ông đặt câu hỏi. Nhưng ông không trả lời. Có lẽ ông cho đó là nhiệm vụ của cả Ban chấp hành Trung ương trong mấy ngày họp hành sau đó. Ông chỉ nêu lên một nguyên tắc chung: “Để trả lời cho câu hỏi này, cần nhìn thẳng vào sự thật, phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc tình hình tham nhũng, lãng phí và kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.”
Tiếc, kết thúc hội nghị, chúng ta vẫn không nghe được câu trả lời thật thỏa đáng.
Trong diễn văn bế mạc, ông Nguyễn Phú Trọng cũng vẫn nói một cách chung chung. Về thành tích: “công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động.” Về hạn chế: “công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt được yêu cầu ‘ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng’. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.”
Về nguyên nhân: “Một số cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu chưa quyết tâm lãnh đạo và gương mẫu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; những bất cập về thể chế, nhất là trong việc ban hành, thực thi luật pháp, cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội; trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, thiếu công khai, minh bạch và nhất quán; vẫn còn tình trạng ‘xin - cho’. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm.” Về biện pháp: “Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.” Cuối cùng là một lời kêu gọi: “Mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng hãy là một chiến sĩ tiên phong, đi đầu trong cuộc đấu tranh này. Phải gương mẫu, giữ mình cho trong sạch, không vướng vào tham nhũng, lãng phí; đồng thời phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt trong đơn vị công tác của mình.”
Đọc xong hai bài phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng, người ta thấy ngay là sau chín ngày làm việc, liên quan đến chuyện phòng chống tham nhũng, Ban chấp hành Trung ương đảng dường như chỉ làm được một việc duy nhất: giao nhiệm vụ phòng chống tham nhũng cho Bộ chính trị. Xin lưu ý là trước đây, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc phủ Thủ tướng và do ông Nguyễn Tấn Dũng làm trưởng ban.
Việc thay đổi này chứng tỏ ít nhất ba điều: một, cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Nguyễn Tấn Dũng lãnh đạo không thành công; hai, có một sự bất tín nhiệm nào đó trong Ban chấp hành Trung ương đối với việc lãnh đạo phòng chống tham nhũng của ông Nguyễn Tấn Dũng; và ba, người ta thừa nhận tham nhũng là một vấn đề của đảng hơn là của chính phủ. Từ hai điểm đầu, một số người cho đây chỉ là một hình thức tranh giành quyền lực trong giới lãnh đạo Việt Nam, và trong cuộc tranh giành này, người yếu thế chính là Nguyễn Tấn Dũng. Còn người thắng thế? Tôi không biết. Và có lẽ cũng không có ai biết chắc. Trừ những người trong cuộc. Nhưng theo tôi, điểm thứ ba mới là điều quan trọng. Đã đành ở Việt Nam rất khó phân biệt ranh giới giữa đảng và nhà nước. Đảng nắm toàn bộ guồng máy nhà nước. Hầu như tất cả cán bộ nhà nước, từ trung ương xuống địa phương đều là đảng viên. Nhưng dù sao việc thừa nhận ở trên cũng tiết lộ dường như người ta đã thấy đâu là gốc và đâu là ngọn: nguyên nhân căn bản nhất của tham nhũng xuất phát từ đảng.
Nói “dường như” vì, thật ra, tôi cũng không chắc. Đặc điểm lớn nhất của giới lãnh đạo Việt Nam là người ta không dám đi đến cùng bất cứ một nhận thức nào. Họ cứ ngập ngừng, tự lừa dối mình và lừa dối người khác trong những sáo ngữ rỗng tuếch.
Những điều vừa trình bày ở trên hầu như ai cũng biết. Biết gốc rễ của tham nhũng là ở đảng. Đúng hơn: ở tính chất độc quyền của đảng.
Tham nhũng bao giờ cũng gắn liền với quyền. Không có quyền, không thể tham nhũng được. Ở đâu cũng vậy, hễ có quyền là có nguy cơ tham nhũng. Tham nhũng chỉ là cái ngọn. Ngăn chận tham nhũng, do đó, phải bắt đầu từ gốc: hạn chế và kiểm soát quyền lực. Ở các nước phát triển, nạn tham nhũng, nếu có, chỉ ở mức ít ỏi và lẻ tẻ. Lý do không phải vì người ta không có lòng tham. Mà vì, một, người ta sợ; và hai, nếu không sợ, người ta cũng không có nhiều cơ hội để tham nhũng. Ở Việt Nam, đảng nằm ở ngoài và ở trên luật pháp. Đảng muốn làm gì thì làm, kể cả tham nhũng.
Đưa Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng về Bộ chính trị tưởng là tăng thêm quyền hành cho nó để nó làm việc hiệu quả hơn. Nhưng, không phải. Đó chỉ là cách để đẩy nó vào vòng bí mật. Sau này, mọi việc ngăn chận hay phát hiện tham nhũng đều thuộc vấn đề nội bộ của đảng, được quyết định trong các cuộc họp kín. Ở đó, các “đồng chí” sẽ làm việc với nhau. Dân chúng trong cả nước chỉ biết được các kết luận cuối cùng được thông báo một cách vắn tắt. Cho đến nay, nội dung các thông báo ấy phần lớn đều giống nhau: “Không đủ chứng cứ!”
Hơn nữa, vấn đề không phải chỉ là tham nhũng. Còn nghiêm trọng hơn cả tham nhũng là việc lợi dụng các đặc quyền của mình. Đây chính là nguồn lợi lớn nhất của các cán bộ cao cấp. Có quyền, người ta tha hồ buôn bán đất đai. Có quyền, người ta tha hồ phân phát quyền và lợi cho người thân, từ vợ con đến anh em và họ hàng. Cứ thế, có thể không cần tham nhũng, tiền bạc vẫn cứ ào ào chảy vào túi họ. Và thân nhân của họ. Cứ nhìn vào chuyện cô con gái 24 tuổi của Tô Huy Rứa được làm chủ tịch Hội đồng quản trị công ty xây dựng Vinaconex với gần 2000 cán bộ hay cái dinh thự được xem là “siêu sang” với khu vườn rộng hơn 4.000 thước vuông đầy cây quý và hiếm của người con trai bí thư Tỉnh ủy Hải Dương thì đủ biết.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.