Xin lỗi, tôi lại khoe sách mới. Hơi hơi kỳ cục, nhưng không khoe không được. Bởi cuốn sách mới này là một sự tập hợp các bài viết đã từng đăng trên blog: Chúng được viết, trước hết, cho những người đọc blog này.
Nói là tập hợp, thật ra, không đúng lắm. Trước khi tập hợp là động tác loại trừ: Tôi chỉ chọn một số, không phải tất cả, các bài đã đăng trên blog, từ giữa năm 2009 đến đầu năm 2011. Chọn lựa xong, tôi sắp xếp và sửa chữa. Sửa khá nhiều. Hầu như bài nào cũng sửa. Bình thường, tôi vẫn hay sửa những gì mình viết. Nhưng với các bài trên blog thì việc sửa chữa thường nhiều hơn hẳn. Lý do là với quan niệm xem blog là một loại hình nhật ký cá nhân, tôi thường viết rất nhanh. Mỗi tuần tôi thường bỏ hẳn ra một ngày để viết ba hoặc bốn bài, sau đó, gửi cho Ban biên tập để họ đăng dần; còn tôi thì quay sang làm các việc khác, từ việc dạy học đến việc nghiên cứu trong một dự án chung với các đồng nghiệp ở đại học hoặc cho một cuốn sách nào đó mình ấp ủ. Viết nhanh như thế nên khó tránh được một số lỗi sai, ngay cả một số lỗi căn bản nhất trong chính tả và cách diễn đạt. Xuất hiện dưới hình thức sách in, tất cả đều cần được sửa chữa kỹ lưỡng. Từng dấu chấm. Từng dấu phẩy. Không phải chỉ để cho đúng ngữ pháp mà còn để nhịp điệu câu văn hòa theo được với nhịp thở của mình khi viết và, hy vọng, với cả nhịp thở của độc giả, khi đọc.
Nhưng loay hoay nhất là việc sắp xếp. Tôi không thích in một cuốn sách với những bài viết ngăn ngắn, nho nhỏ, lụn vụn, rời rạc. Tôi thích các bài viết ấy phải được xâu chuỗi lại trong một cấu trúc thống nhất, ít nhất trong từng chương. Để bài này hòa điệu được với bài kia. Để tất cả đứng chung với nhau tạo thành một độ sâu nào đó. Tuy nhiên, thoạt đầu, kéo dài cả mấy tháng, tôi chưa biết sắp xếp theo kiểu gì. Tình cờ, một lần, trước khi đi Mỹ, ghé Sydney, đến nhà một người bạn, tôi thấy cuốn The Curtain: An Essay in Seven Parts của Milan Kundera trên bàn. Cầm đọc, thấy thích, tôi mượn mang theo để đọc trên chuyến bay lòng vòng dài trên 13 tiếng. Cuốn sách khá mỏng, chưa tới 200 trang, được viết một cách gọn gàng và nhẹ nhàng, tôi chỉ đọc vèo một thoáng là hết. Nhưng sau đó, cầm cuốn sách đã gấp trên tay, tôi cứ bâng khuâng nghĩ ngợi về điều này điều nọ. Chủ yếu là từ những vấn đề liên quan đến tiểu thuyết. Tôi rất thích các ý nghĩ về tiểu thuyết của Kundera. Trong các thể loại văn học, về thơ cũng như về kịch, trên thế giới từ xưa đến nay có nhiều lý thuyết gia giỏi, cực giỏi. Có người, như Aristotle hay Horace, có ảnh hưởng kéo dài cả hàng ngàn năm. Nhưng với tiểu thuyết, dù, từ giữa thế kỷ 20 đến nay, đang là thể loại thống trị trong văn học, số lý thuyết gia vẫn rất ít. Cực ít. Trong số lý thuyết gia ít ỏi ấy, Kundera là một trong những người viết nhiều và viết hay nhất. Hay ở cả tầm sâu của tư tưởng lẫn ở cách thức diễn đạt: câu văn của ông gọn và sắc. Nhiều câu như châm ngôn.
Một lúc nào đó, tôi bỗng nhiên nghĩ đến cách kết cấu của cuốn sách. Đó là một cuốn tiểu luận với bảy phần châu tuần chung quanh một đề tài duy nhất: tiểu thuyết. Từng phần lại chứa đựng nhiều mảnh văn ngăn ngắn, độ năm bảy trăm từ, ngắn hơn cả các bài viết trên blog này. Mỗi mảnh có một đầu đề riêng. Nếu tách ra, mỗi mảnh có thể được xem như một bài báo độc lập. Nhưng khi đứng xếp lại thành một hàng dài, chúng lại giống như một đội quân đang di chuyển đến một mục tiêu duy nhất. Trên một trận địa duy nhất.
A! Tại sao mình lại không mô phỏng cách sắp xếp ấy cho các bài viết trên blog? Tôi chợt nghĩ. Ý nghĩ ấy làm tôi sung sướng vô hạn. Sau đó, tôi ngồi ráp nối các bài viết lại với nhau thành sáu phần:
1. Blog, cuộc khởi nghĩa của đám đông
2. Về chính trị
3. Về giáo dục
4. Về văn hóa
5. “Người Việt xấu xí”
6. Thế nào là yêu nước?
Mỗi phần có nhiều bài. Tôi cố gắng để các bài ấy liên tục và hô ứng với nhau. Để thành một chương khá chặt chẽ.
Xong, tôi gửi cho nhà xuất bản. Từ giữa năm 2011. Tiếc, nhà xuất bản đang gặp một số khó khăn nên việc in kéo dài. Gần một năm trời. Đến bây giờ nó mới thực sự ra mắt người đọc. Cầm cuốn sách trên tay, tôi có cảm giác như đang bế đứa con bị chửa trâu.
Dù sinh thiếu tháng hay quá tháng, con cũng vẫn là con. Có khi càng bất thường lại càng thương. Huống gì đứa-con-sách này lại khá đặc biệt: trong số mười mấy cuốn sách đã xuất bản của tôi, nó là “đứa” đầu tiên, vượt ra ngoài phạm trù văn chương, bàn đến chuyện chính trị. Với những trăn trở, thao thức và đau đáu hàng ngày trước vận phận cũng như thực trạng của đất nước.
Một đất nước ở xa. Và mịt mùng trong bóng tối.
***
NHẮN:
Với những độc giả muốn mua sách, xin liên lạc thẳng với nhà xuất bản:
Văn Mới
P.O.Box 287
Gardena CA 90248
USA
Điện thoại: (310) 366 6867
Email: kimanquan@yahoo.com
Hoặc nhà sách Tự Lực ở California (có nhận bán qua internet):
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Nói là tập hợp, thật ra, không đúng lắm. Trước khi tập hợp là động tác loại trừ: Tôi chỉ chọn một số, không phải tất cả, các bài đã đăng trên blog, từ giữa năm 2009 đến đầu năm 2011. Chọn lựa xong, tôi sắp xếp và sửa chữa. Sửa khá nhiều. Hầu như bài nào cũng sửa. Bình thường, tôi vẫn hay sửa những gì mình viết. Nhưng với các bài trên blog thì việc sửa chữa thường nhiều hơn hẳn. Lý do là với quan niệm xem blog là một loại hình nhật ký cá nhân, tôi thường viết rất nhanh. Mỗi tuần tôi thường bỏ hẳn ra một ngày để viết ba hoặc bốn bài, sau đó, gửi cho Ban biên tập để họ đăng dần; còn tôi thì quay sang làm các việc khác, từ việc dạy học đến việc nghiên cứu trong một dự án chung với các đồng nghiệp ở đại học hoặc cho một cuốn sách nào đó mình ấp ủ. Viết nhanh như thế nên khó tránh được một số lỗi sai, ngay cả một số lỗi căn bản nhất trong chính tả và cách diễn đạt. Xuất hiện dưới hình thức sách in, tất cả đều cần được sửa chữa kỹ lưỡng. Từng dấu chấm. Từng dấu phẩy. Không phải chỉ để cho đúng ngữ pháp mà còn để nhịp điệu câu văn hòa theo được với nhịp thở của mình khi viết và, hy vọng, với cả nhịp thở của độc giả, khi đọc.
Nhưng loay hoay nhất là việc sắp xếp. Tôi không thích in một cuốn sách với những bài viết ngăn ngắn, nho nhỏ, lụn vụn, rời rạc. Tôi thích các bài viết ấy phải được xâu chuỗi lại trong một cấu trúc thống nhất, ít nhất trong từng chương. Để bài này hòa điệu được với bài kia. Để tất cả đứng chung với nhau tạo thành một độ sâu nào đó. Tuy nhiên, thoạt đầu, kéo dài cả mấy tháng, tôi chưa biết sắp xếp theo kiểu gì. Tình cờ, một lần, trước khi đi Mỹ, ghé Sydney, đến nhà một người bạn, tôi thấy cuốn The Curtain: An Essay in Seven Parts của Milan Kundera trên bàn. Cầm đọc, thấy thích, tôi mượn mang theo để đọc trên chuyến bay lòng vòng dài trên 13 tiếng. Cuốn sách khá mỏng, chưa tới 200 trang, được viết một cách gọn gàng và nhẹ nhàng, tôi chỉ đọc vèo một thoáng là hết. Nhưng sau đó, cầm cuốn sách đã gấp trên tay, tôi cứ bâng khuâng nghĩ ngợi về điều này điều nọ. Chủ yếu là từ những vấn đề liên quan đến tiểu thuyết. Tôi rất thích các ý nghĩ về tiểu thuyết của Kundera. Trong các thể loại văn học, về thơ cũng như về kịch, trên thế giới từ xưa đến nay có nhiều lý thuyết gia giỏi, cực giỏi. Có người, như Aristotle hay Horace, có ảnh hưởng kéo dài cả hàng ngàn năm. Nhưng với tiểu thuyết, dù, từ giữa thế kỷ 20 đến nay, đang là thể loại thống trị trong văn học, số lý thuyết gia vẫn rất ít. Cực ít. Trong số lý thuyết gia ít ỏi ấy, Kundera là một trong những người viết nhiều và viết hay nhất. Hay ở cả tầm sâu của tư tưởng lẫn ở cách thức diễn đạt: câu văn của ông gọn và sắc. Nhiều câu như châm ngôn.
Một lúc nào đó, tôi bỗng nhiên nghĩ đến cách kết cấu của cuốn sách. Đó là một cuốn tiểu luận với bảy phần châu tuần chung quanh một đề tài duy nhất: tiểu thuyết. Từng phần lại chứa đựng nhiều mảnh văn ngăn ngắn, độ năm bảy trăm từ, ngắn hơn cả các bài viết trên blog này. Mỗi mảnh có một đầu đề riêng. Nếu tách ra, mỗi mảnh có thể được xem như một bài báo độc lập. Nhưng khi đứng xếp lại thành một hàng dài, chúng lại giống như một đội quân đang di chuyển đến một mục tiêu duy nhất. Trên một trận địa duy nhất.
A! Tại sao mình lại không mô phỏng cách sắp xếp ấy cho các bài viết trên blog? Tôi chợt nghĩ. Ý nghĩ ấy làm tôi sung sướng vô hạn. Sau đó, tôi ngồi ráp nối các bài viết lại với nhau thành sáu phần:
1. Blog, cuộc khởi nghĩa của đám đông
2. Về chính trị
3. Về giáo dục
4. Về văn hóa
5. “Người Việt xấu xí”
6. Thế nào là yêu nước?
Mỗi phần có nhiều bài. Tôi cố gắng để các bài ấy liên tục và hô ứng với nhau. Để thành một chương khá chặt chẽ.
Xong, tôi gửi cho nhà xuất bản. Từ giữa năm 2011. Tiếc, nhà xuất bản đang gặp một số khó khăn nên việc in kéo dài. Gần một năm trời. Đến bây giờ nó mới thực sự ra mắt người đọc. Cầm cuốn sách trên tay, tôi có cảm giác như đang bế đứa con bị chửa trâu.
Dù sinh thiếu tháng hay quá tháng, con cũng vẫn là con. Có khi càng bất thường lại càng thương. Huống gì đứa-con-sách này lại khá đặc biệt: trong số mười mấy cuốn sách đã xuất bản của tôi, nó là “đứa” đầu tiên, vượt ra ngoài phạm trù văn chương, bàn đến chuyện chính trị. Với những trăn trở, thao thức và đau đáu hàng ngày trước vận phận cũng như thực trạng của đất nước.
Một đất nước ở xa. Và mịt mùng trong bóng tối.
***
NHẮN:
Với những độc giả muốn mua sách, xin liên lạc thẳng với nhà xuất bản:
Văn Mới
P.O.Box 287
Gardena CA 90248
USA
Điện thoại: (310) 366 6867
Email: kimanquan@yahoo.com
Hoặc nhà sách Tự Lực ở California (có nhận bán qua internet):
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.