Có quá nhiều người thiệt mạng trong thảm kịch đêm Halloween ở Seoul, Hàn Quốc, là do khi có những người ở phía trước bị ngã xuống, dòng người phía sau vẫn dồn đến, tiếp tục đổ đè lên, chất chồng thành nhiều lớp, một người Việt sống sót trong thảm họa nói với VOA.
Vụ việc xảy ra vào đêm 29/10 tại một con hẻm nhỏ và dốc nối giữa hai con đường lớn ở khu Itaewon, khu vui chơi nổi tiếng ở Hàn Quốc, khi cả trăm ngàn người, chủ yếu là thanh thiếu niên, đổ ra đường chơi Halloween sau hai năm bị áp đặt các hạn chế chống dịch COVID-19.
Đã có 154 người chết và gần 150 người bị thương, trong đó có một nữ du học sinh người Việt 21 tuổi, trong thảm họa chết chóc nhất ở Hàn Quốc kể từ vụ chìm phà Sewol hồi năm 2014. Vào lúc này, giới chức Hàn Quốc đã hoàn thành xác định danh tính các nạn nhân và đang điều tra nguyên nhân vụ việc.
‘Bị cuốn vào con hẻm’
May mắn thoát nạn trở về nhà, anh Phạm Minh Trung, 33 tuổi, kỹ sư Công nghệ thông tin đã làm việc ở Seoul được 4 năm, đã kể với VOA những gì mà anh đã trải qua khi anh bị mắc kẹt giữa đám đông khổng lồ trong con hẻm nhỏ chỉ có 4 mét bề ngang và dài vài chục mét.
Anh cho biết đây là lần thứ ba anh đi chơi Halloween ở Itaewon vì mấy năm trước đi rất vui. “Tôi chỉ định đến xem mọi người hóa trang, ngắm đường ngắm phố. Chỉ nghĩ như thế thôi chứ đâu có ngờ xảy ra thảm họa”.
Khi bước ra phố Itaewon, anh Trung nói anh thấy người đi chơi ‘đông hơn những năm trước rất nhiều’. Tuy nhiên, anh cảm thấy bình thường vì ‘ngày xưa ở Việt Nam đi xem pháo hoa cũng đông như thế’.
“Tôi cứ đi từ từ, người ta đi thế nào thì mình đi thế ấy”, anh kể. Tuy nhiên, mọi việc đột ngột trở nên xấu đi khi anh tới khúc ngã ba từ đường Itaewon rẽ vào con hẻm nhỏ bên hông khách sạn Hamilton.
Theo lời anh, lúc đầu anh ‘không hề có ý định đi vào cái hẻm ấy’. Nhưng đúng lúc anh tới ngã ba thì anh bị kẹt ở giữa hai dòng người ngược chiều nhau từ con hẻm nên anh không thể đi tiếp được nữa mà bị dòng người cuốn vào hẻm.
“Lúc tôi ở ngã ba đấy tôi không hiểu sao đám đông đẩy rất mạnh, như làn sóng luôn. Sau này tôi có nghe nói hình như có một DJ (tay chỉnh nhạc) nổi tiếng đến một quán bar chơi nên mọi người cố tình chen lấn, đổ xô nhau đi đến quán bar đó”, anh Trung kể.
‘Bị ép như giấy’
Anh cho biết anh từ đầu hẻm đi vào 2-3 mét thì ‘vẫn đi được bình thường, dù có chen chúc nhưng vẫn có thể cử động được nhẹ nhàng’. Nhưng càng vào sâu trong hẻm thì dòng người càng đẩy mạnh lên.
Tuy nhiên, điều may là anh bị đẩy sát vào sát mé tường bên trái. Khi đó anh thấy một bậc thềm cao khoảng 15cm mở ra khoảng không gian dài 1 mét, rộng chừng nửa mét và bị chắn lại ở phía trước bằng một cánh cửa sắt. Nhờ vậy những người đứng trên bậc thềm không ngã chúi về phía trước như những người đi trên lòng hẻm. Anh Trung bước lên bậc thềm và bị kẹt cứng ở đó trong vòng nửa tiếng. Từ chỗ anh đứng đến chỗ cuối con hẻm dốc nơi thảm họa xảy ra chỉ cách có vài ba mét, anh thuật lại.
Lúc đó, theo lời anh kể, anh bị đám đông ép với sức nén rất lớn nên bị ‘tức ngực và khó thở’.
“Cảm giác lúc đấy như là xương cốt các thứ bị gãy luôn. Chỉ cần ép thêm khoảng 30 phút nữa thôi thì chắc tôi sẽ có cảm giác như chết luôn”, anh nói.
“Chân tay tôi bị tê liệt, không thể cử động tay, không thể nhấc chân lên, máu không thể lưu thông”, anh nói thêm. “Tôi chỉ biết cầu nguyện cho cảnh sát tới sớm”.
Lúc đó anh chỉ còn đầu là có thể cử động được nên anh cố gắng quay sang hướng có thể thở được. “Tôi cao trên 1 mét 8 lại còn đứng trên bục nữa nên cao hơn các bạn khác xung quanh, nhất là các bạn nữ. Các bạn nữ không đủ chiều cao để hít thở không khí bên trên nên bị ngất nhiều lắm”, anh Trung kể.
Trong suốt thời gian anh bị kẹt thì cứ mỗi 1-2 phút dòng người từ đầu hẻm tiếp tục đẩy xuống, đẩy anh lao về phía trước và ‘bị ép như tờ giấy’. “Cảm giác như người này chồng lên người kia, không còn một chút khoảng trống nào”, anh nói.
Anh cho biết có người đứng gần anh cầu cứu xin được nắm lấy áo anh để không bị đẩy xuống lòng hẻm vì ‘nếu chẳng may bị đẩy xuống là có thể bị đè đến chết’.
“Mọi người la hét nhiều lắm. Họ chửi rủa cảnh sát sao giờ này chưa thấy đến. Có người kêu khóc là đừng đẩy nữa, có người chết rồi”, anh kể. “Tôi bị ép đau quá nên cũng la lên cứu tôi với, có ai đó gọi cảnh sát đi. Mọi người còn đồng thanh hô lớn nhưng không có tác dụng gì”.
‘Bị đè nhiều lớp’
Từ chỗ anh đứng, anh Trung có thể thấy dòng người dưới lòng hẻm ‘bị chèn ép tứ phía’. Thảm họa xảy ra khi ở cuối con dốc có người bị ngã, bị dòng người phía sau đẩy tới đè lên. Cứ đè như thế làm thành 4-5 lớp người đè lên nhau, anh cho biết.
“Hàng thứ hai chồng lên hàng thứ nhất, hàng thứ ba chồng lên hàng thứ hai… những người ở dưới cùng bị đè lên đến chết. Dòng người bị chặn lại không thể di chuyển được mà ở phía sau họ không biết có người bị ngã nên cứ tiếp tục đẩy tới”, anh kể và khẳng định nếu không có người bị ngã, dòng người vẫn lưu thông ‘thì đã không xảy ra thảm họa’.
Phải mất 30 phút sau khi bị kẹt thì anh Trung mới thấy cảnh sát đến. Anh nói anh thấy cảnh sát cố hết sức kéo những người bị đè ở dưới cùng. “Tôi thấy những cánh tay cảnh sát kéo mãi đến 10-15 phút cũng không kéo ra được vì số người đè ở trên quá lớn.”
Sau đó, cảnh sát mới đi vòng ra phía sau ở đầu con hẻm ‘để gỡ từng lớp người từ phía sau cho đến những người bị đè ở hàng đầu tiên’, cũng theo lời người kỹ sư công nghệ thông tin này.
Sau khoảng 20-30 phút thì đám đông được giải tỏa. Đối với những người thoát ra được, cảnh sát yêu cầu họ nhanh chóng rời khỏi hiện trường để cảnh sát tiếp tục gỡ những người ở phía trước. “Lúc đi ra tôi thấy có nhiều người được cảnh sát đem ra chỗ thông thoáng để họ nằm đấy, chủ yếu là các bạn nữ”, anh kể.
Khi về đến nhà, xem lại các hình ảnh mà người khác quay lại và biết được những bạn nữ được đưa ra ngoài đã chết, anh Trung nói anh ‘đã khóc’ vì ‘thấy thương cho họ và biết rằng họ đã trải qua cảm giác rất kinh khủng như tôi đã trải qua’.
Theo thông tin từ giới chức Hàn Quốc, gần 2/3 số nạn nhân tử vong là nữ trong độ tuổi 20. Anh Trung nói bản thân anh cảm thấy may mắn vì đã bước lên được bậc thềm và nếu như anh bị đẩy vào hẻm sớm hơn khoảng vài phút thì anh ‘đã ở hàng đầu lúc có người bị ngã’.
Anh nói sau lần thoát chết này thì trong tương lai chắc chắn anh ‘sẽ không đến những chỗ nào quá đông như thế’ nhất là những đám đông không có ai điều phối.
Ngoài ra, điều mà anh cho là bài học quan trọng là ‘tránh bị đám đông đẩy vào những chỗ trũng hay nằm dưới con dốc. “Phải tìm cách bám víu vào cái gì đấy để trụ lại”, anh khuyên.
“Tại vì khi mình di chuyển xuống dốc chỉ cần họ đẩy thôi thì trạng thái cơ thể mình không giữ được thăng bằng rất dễ bị ngã. Hiệu ứng domino sẽ khiến mọi người đổ dồn về phía trước khiến người ở trước không thoát ra được”, anh giải thích.
Diễn đàn