Tôi đã đi khá nhiều nơi, nhưng có lẽ không có nơi nào trên thế giới khiến tôi nhớ đến Việt Nam như là khu phi quân sự ngăn cách giữa Nam Hàn và Bắc Hàn.
Buổi sáng, tôi đến tầng 6 khách sạn Lotte để làm thủ tục. Đó cũng là địa điểm tập trung của mọi du khách muốn đi thăm khu phi quân sự. Ở Nam Hàn, có vô số công ty du lịch, nhưng chỉ có ba công ty được phép tổ chức các chuyến tham quan biên giới. Và không phải ai cũng được phép tham dự. Trước hết, công dân Nam Hàn hầu như bị cấm. Lý do: nguy hiểm. Với khách ngoại quốc, tôi có cảm tưởng cách đối xử cũng có khác nhau. Hôm tôi đăng ký chuyến tham quan ở một công ty du lịch, một nhân viên hỏi tôi có phải là người Trung Quốc không. Tôi đáp: Không, tôi có quốc tịch Úc. Nhân viên ấy cho biết : “Vậy thì dễ”. Tôi ngạc nhiên, hỏi lại: Dễ là sao? Người ấy mới giải thích: Nếu là công dân Trung Quốc thì phải chờ bảy ngày; còn công dân các nước khác thì chỉ chờ hai ngày. Sau, tôi tiếc là đã không hỏi thử nếu tôi mang quốc tịch Việt Nam thì sao?
Hôm đó, tại khách sạn Lotte, có nhiều chuyến tham quan với những lộ trình khác nhau. Trên chiếc xe buýt tôi đi, có lẽ khoảng một nửa là người Nhật; còn lại là những người đến từ các quốc gia khác, phần lớn là Tây phương. Từ thủ đô Seoul đến Panmunjeom, khu phi quân sự, chỉ khoảng 60 cây số; xe buýt chạy gần một tiếng rưỡi. Hơn một tiếng đầu, tôi vừa lơ đễnh nghe hướng dẫn viên giới thiệu về khu phi quân sự cũng như cuộc chiến giữa hai miền Nam và Bắc Hàn vào đầu thập niên 1950 vừa nhìn cảnh bên ngoài. Cũng chẳng có gì đặc biệt. Thì cũng xa lộ, cũng phố xá, cũng những đồi núi hay đồng cỏ bạt ngàn. Như mọi nơi khác ở Nam Hàn.
Nhưng đến khúc cuối cuộc hành trình, mọi thứ dường như đổi khác. Thứ nhất là giọng của người hướng dẫn tự dưng có vẻ nghiêm túc hẳn. Bà dặn dò mọi người một số việc mà bà nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại là cực kỳ quan trọng: một, phải luôn luôn đi sát theo bà; hai, chỉ được chụp hình khi nào bà nói là được phép; ba, không được chỉ tay về hướng Bắc Hàn hoặc có bất cứ cử chỉ nào có thể bị hiểu là khiêu khích. Thứ hai là các khu dân cư càng lúc càng thưa thớt rồi tự dưng biến mất. Thay vào đó là đồi núi hoặc những cánh đồng hoang vu kéo dài. Rồi, người hướng dẫn la lên: “Nhìn sang bên trái”. Mọi người ngó sang. Bên trái là một dòng sông, dọc theo bờ sông là dãy hàng rào thép gai chằng chịt và một số vọng gác. Trong khi đó, bên phải là đồng ruộng. A! Lại là ruộng lúa. Cuối tháng 9, lúa đang vàng ruộm. Cánh đồng này nối tiếp cánh đồng khác, chỉ bị ngắt quãng bởi một số quả đồi hay một số căn cứ quân sự.
Nhìn những đồng lúa, dây thép gai và vọng gác, tôi bỗng bồn chồn nhớ Việt Nam. Nhớ câu thơ “Con cò trên ruộng cánh phân vân” của Xuân Diệu. Nhớ hình ảnh “dây thép gai đâm nát trời chiều” của Nguyễn Đình Thi. Tôi lớn lên với những cánh đồng, dây thép gai và vọng gác như thế. Tôi mơ ước được đi thăm cầu Hiền Lương vắt ngang sông Bến Hải. Trước năm 1975, tôi không được đến đó, đã đành. Sau này, tôi cũng không đến được. Những lần về nước lúc trước, do bận bịu công việc liên quan đến gia đình và nghề nghiệp, tôi chỉ ghé lại ở hai nơi là Hà Nội và Sài Gòn. Tất cả những gì tôi biết về chiếc cầu ấy chỉ là qua sách vở. Đại khái, cầu gồm bảy nhịp, dài 178 mét; chia làm đôi, mỗi bên 89 mét, ngăn cách bởi một lằn sơn trắng. Nhà văn Nguyễn Tuân còn đếm kỹ từng thanh ván cầu: phía Bắc có 450 tấm, phía Nam có 444 tấm. Khi biết mình sắp đi Hàn Quốc, một trong những ý nghĩ đầu tiên lóe lên trong đầu tôi là: Phải đi thăm khu biên giới giữa hai miền.
Thật ra, biên giới giữa Nam Hàn và Bắc Hàn rất dài, đến 240 cây số. Nhưng tâm điểm là vùng An Ninh Chung (Joint Security Area) cách thủ đô Seoul 60 cây số. Với đường kính khoảng 600 mét, đây là một khu vực rất nhỏ, nằm dưới quyền kiểm soát của Liên Hiệp Quốc. Đây cũng là nơi duy nhất lính Nam Hàn và Bắc Hàn nhìn thấy nhau hàng ngày dù không bao giờ mở miệng chào hỏi nhau cả. Đây cũng là điểm giao thoa cuối cùng giữa hai thế lực thù nghịch thời chiến tranh lạnh còn lại. Và cũng là vùng giáp ranh được xem là nguy hiểm nhất trên khắp thế giới.
Xe đến cổng trại Bonifas thì dừng lại. Có một người lính đến xét hộ chiếu của từng người. Không khí trong xe im phăng phắc. Nhìn ra cửa kính: tôi chỉ thấy lính. Sau đó, mỗi người được phát một tấm giấy phép ghi rõ là khách của Ủy ban đình chiến Liên Hiệp Quốc (UNCMAC guest) được bọc nhựa để đeo trước ngực. Tấm giấy phép của tôi được đánh số 0299. Chiếc xe trườn vào trong. Mọi người được yêu cầu để hết hành lý trên xe rồi vào một thính đường nghe thuyết giảng về lịch sử chiến tranh Nam Bắc Hàn và vùng phi quân sự. Ra ngoài, tôi thấy có mấy người lính Nam Hàn đang khám xét chiếc xe buýt. Không ai được lên chiếc xe buýt ấy nữa. Mọi người lên một chiếc xe buýt quân sự do một người lính lái và một lính khác đứng bên cạnh tài xế, mặt quay về phía hành khách. Cả hai đều là lính Nam Hàn và đều còn rất trẻ. Người lính làm nhiệm vụ quan sát chỉ nhìn thẳng, như một nghi thức, chứ không tập trung theo dõi bất cứ người nào. Người hướng dẫn viên tiếp tục dặn dò: Không được chụp hình!
Chiếc xe quân sự tiếp tục chạy chầm chậm trên những con đường ngoằn ngoèo. Người hướng dẫn viên tiếp tục chỉ chỏ và giải thích: Đây là ngôi làng Tự Do của Nam Hàn, còn phía bên kia là ngôi làng Tuyên truyền của Bắc Hàn; đây là chiếc cầu bất khả khứ hồi (Bridge of No Return); còn đây là nơi xảy ra biến cố lính Bắc Hàn dùng búa tấn công một số lính Mỹ đang đốn cây làm cả hàng chục người bị thương (cả hai bên).
Điểm đích của chuyến tham quan là ngôi nhà Tự Do (Freedom House) được chính phủ Nam Hàn xây cất, với sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc, để chào đón ngày đất nước được thống nhất. Đối diện với ngôi nhà Tự Do của Nam Hàn là ngôi nhà Panmungak của Bắc Hàn. Hai ngôi nhà chỉ cách nhau khoảng bốn năm trăm mét nhưng là hai thế giới bất khả xâm phạm. Giữa hai ngôi nhà là hai con đường; giữa hai con đường là mấy ngôi nhà nhỏ; trong đó, có ba ngôi nhà chính, sơn màu xanh, là quan trọng nhất: một ngôi nhà dành cho các nhân viên liên lạc giữa hai bên (Joint Duty Officer, thường được gọi tắt là JDO), một ngôi khác dành cho ủy ban giám sát (Neutral Nations Supervisory Commission, NNSC) và ngôi chính giữa là phòng Hội nghị (MAC conference room).
Chúng tôi được vào phòng hội nghị thường dùng làm phòng họp khi cần giải quyết những xung đột quan trọng. Căn phòng khá hẹp, có lẽ chỉ đủ chứa vài ba chục người. Trước khi vào phòng, hướng dẫn viên du lịch lại dặn dò là tuyệt đối không được hỏi chuyện, thậm chí, không nên nhìn thẳng vào mấy người lính Bắc Hàn. Giữa căn phòng là một chiếc bàn dài, đặt ngang; trên bàn có máy thu âm. Nửa bàn bên kia là lãnh thổ của Bắc Hàn; trong khi nửa bàn bên này là lãnh thổ của Nam Hàn. Ở một đầu bàn, có một người lính Bắc Hàn đứng nghiêm. Cuối phòng, cũng phía Bắc Hàn, có một người khác, cũng đứng nghiêm. Cả hai đều cao lớn, mặt mày nghiêm nghị, mắt nhìn thẳng, không hề chú ý đến đám du khách đáng lố nhố chung quanh. Nhiều người đến đứng bên cạnh họ chụp hình để làm kỷ niệm, họ vẫn đứng yên. Không hề nhúc nhích.
Nhìn họ, rồi nhìn những người lính khác, từ cả hai phía, Nam và Bắc Hàn, lúc nào cũng nghiêm nghị và căng thẳng, tự dưng tôi cũng thấy căng thẳng theo. Người hướng dẫn viên càng làm không khí căng thẳng thêm khi nhắc nhở: Thỉnh thoảng hai bên chĩa súng bắn nhau, dù, trên nguyên tắc, đó là vùng phi quân sự.
Đến lúc xe đã về tận Seoul, ngồi uống cà phê ở một quán Starbucks, tôi vẫn còn thấy nặng nề.
Về lại Úc, ngồi trong văn phòng ở đại học, viết bài này, tôi cũng vẫn thấy nặng nề.
Cái nặng nề của sự phi lý.
Hình: Ba người lính Nam Hàn đứng nhìn sang tòa nhà Panmungak của Bắc Hàn