Đường dẫn truy cập

Dạy ngôn ngữ thứ hai / ngôn ngữ cộng đồng lại càng khó


Dạy ngôn ngữ thứ hai / ngôn ngữ cộng đồng lại càng khó
Dạy ngôn ngữ thứ hai / ngôn ngữ cộng đồng lại càng khó

Lời tác giả: Việc dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai (cho trẻ em Việt Nam ở hải ngoại cũng như cho người ngoại quốc ở Việt Nam và hải ngoại) đang phát triển mạnh mẽ. Điều này gợi ra nhiều vấn đề liên quan đến phương pháp giảng dạy vốn còn rất mới với người Việt Nam. Bài viết này chỉ nhắm đến mục đích nêu lên một số cái khó để mọi người cùng quan tâm. Vì bài viết khá dài, tôi xin chia làm bốn phần:

1. Dạy ngôn ngữ thứ hai bao giờ cũng khó
2. Khi ngôn ngữ thứ hai là một ngôn ngữ cộng đồng lại càng khó.
3. Bản thân tiếng Việt rất khó (1)
4. Bản thân tiếng Việt rất khó (2)

NHQ

Dạy ngôn ngữ thứ hai: Khó. Khi ngôn ngữ thứ hai ấy lại là một ngôn ngữ cộng đồng: Lại càng khó.

Nói đến ngôn ngữ thứ hai là có ý phân biệt với ngôn ngữ thứ nhất. Ở đây, sự phân biệt chủ yếu căn cứ vào thời điểm bắt đầu học tập. Tiếng Việt, chẳng hạn, với trẻ em ở Việt Nam, là ngôn ngữ thứ nhất, được học ngay từ lúc sơ sinh, thậm chí, từ khi còn nằm trong bụng mẹ; nhưng với nhiều trẻ em ở ngoại quốc, lại là ngôn ngữ thứ hai, học sau khi đã bắt đầu học ngôn ngữ thứ nhất vốn là thứ tiếng chính ở quốc gia mình định cư.

Nói đến ngôn ngữ cộng đồng (community language) là nói đến phạm vi và giá trị sử dụng. Trước hết, nó đối lập với ngôn ngữ quốc gia (national language): Trong khi ngôn ngữ quốc gia được sử dụng chính thức ở mọi phạm vi và với mọi cấp độ trong cả nước, ngôn ngữ cộng đồng chỉ được sử dụng trong phạm vi một sắc tộc nhỏ. Ví dụ, ở Úc, tiếng Anh là ngôn ngữ quốc gia trong khi tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ cộng đồng được sử dụng bởi một khối người khá nhỏ, chỉ chiếm một phần trăm dân số nước Úc. Thứ hai, khái niệm ngôn ngữ cộng đồng còn được hình thành trên sự đối lập với ngôn ngữ thương mại (business language). Ở Việt Nam, chúng ta xem tiếng Chàm, tiếng Thái, tiếng Tày, tiếng Mường… là ngôn ngữ cộng đồng; nhưng tiếng Anh hay tiếng Pháp, chẳng hạn, lại không phải là ngôn ngữ cộng đồng: Chúng là ngôn ngữ thương mại. Ở Úc, cũng thế. Tiếng Việt, tiếng Miên, tiếng Lào… là ngôn ngữ cộng đồng; nhưng một số ngôn ngữ lớn như tiếng Nhật, tiếng Tàu, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Đức… thì lại vừa lại ngôn ngữ cộng đồng vừa là ngôn ngữ thương mại. Chúng là ngôn ngữ cộng đồng khi chúng được giảng dạy cho con cái những người di dân muốn bảo tồn tiếng mẹ đẻ. Nhưng dưới mắt xã hội, nói chung, chúng chủ yếu vẫn là ngôn ngữ thương mại vì, thứ nhất, chúng có những giá trị thực dụng mà các ngôn ngữ cộng đồng không có; thứ hai, chúng mở rộng cho tất cả mọi người, không nhất thiết chỉ dành cho những người bản ngữ hoặc con cháu của họ. Cuối cùng, thứ ba, còn một sự đối lập khác: với ngôn ngữ quốc tế (như tiếng Anh, chẳng hạn).

Từ những sự đối lập ấy, chúng ta dễ dàng nhận thấy một số đặc điểm chính của các ngôn ngữ cộng đồng và việc giảng dạy các ngôn ngữ cộng đồng.

Thứ nhất, chúng có ý nghĩa tình cảm hơn là về kinh tế. Người ta học các ngôn ngữ thương mại, trước hết, vì các lợi ích thiết thực, ví dụ vấn đề công ăn việc làm. Còn với các ngôn ngữ cộng đồng? Lợi ích về kinh tế, nếu có, chắc cũng không đáng kể. Hầu hết là vì lý do tình cảm. Ở cấp tiểu học và trung học, trẻ em Việt Nam học tiếng Việt vì lý do tình cảm, chủ yếu xuất phát từ cái nhìn của bố mẹ: họ muốn con cái họ duy trì tiếng Việt để, trước hết, có thể giao tiếp với gia đình và họ hàng vốn không phải ai cũng thông thạo tiếng Anh. Ở đại học, theo kinh nghiệm của tôi trong suốt hai chục năm qua, hầu hết người Úc, hoặc người ngoại quốc nói chung, cũng học tiếng Việt chủ yếu là vì lý do tình cảm: Có bạn hoặc người phối ngẫu là người Việt. Vậy thôi.

Thứ hai, vì không gắn liền với những lợi ích kinh tế cụ thể, sức hấp dẫn của việc học các ngôn ngữ cộng đồng, kể cả tiếng Việt, rất yếu, do đó, động cơ của người đi học cũng yếu theo. Điều này dẫn đến hậu quả là số người ghi danh học các ngôn ngữ cộng đồng ở bất cứ nơi nào cũng thường ít hơn hẳn so với các ngôn ngữ thương mại, và càng ít hơn hẳn ngôn ngữ quốc tế.

Thứ ba, vì ít người học nên các ngôn ngữ cộng đồng, kể cả tiếng Việt, lúc nào cũng ở trong tình trạng nghèo nàn về tài liệu giảng dạy. Đối với tiếng Việt, loại tài liệu công cụ càng ít. Một ví dụ: Tìm một cuốn sách ngữ pháp Việt Nam bằng tiếng Anh cho người mới học tiếng Việt không phải dễ, nếu không nói là vô vọng. Sách viết bằng tiếng Anh đã hiếm. Sách có tính chất thực dụng và thực hành thì hầu như không có. Cả thầy cô giáo lẫn học trò, khi muốn tìm tài liệu tham khảo, đành chịu bó tay.

Thứ tư, với riêng học sinh Việt Nam ở hải ngoại, liên quan đến tiếng Việt, còn vấp phải hai hạn chế khác. Một, thứ tiếng Việt họ quen sử dụng chỉ dừng lại ở phạm vi đời sống hàng ngày trong gia đình, chủ yếu tập trung ở hai kỹ năng nghe và nói. Hai kỹ năng khác, đọc và viết, rất ít có cơ hội để phát triển. Thứ hai, giờ giấc các lớp tiếng Việt cũng gây nhiều trở ngại: Hầu hết đều được tổ chức vào cuối tuần, Thứ bảy hoặc Chủ nhật, lúc đáng lẽ các em được nghỉ ngơi.

Tất cả những vấn đề nêu trên làm cho cả việc học lẫn việc dạy tiếng Việt ở hải ngoại đều trở thành khó khăn.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG