Những người ủng hộ phe Áo Đỏ vẫn kiêu hãnh gọi Udon Thani là thủ đô đỏ của Thái Lan. Thành phố này nằm giữa vùng nông thôn nghèo nàn miền đông bắc, là nơi có cao trào ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Đây cũng là một trong những thành phố miền Bắc đã bùng ra những lời phản kháng sau khi quân đội tràn vào doanh trại Áo Đỏ tuần trước trong vụ đàn áp của quân đội đã gây ra cái chết ít nhất của 50 người.
Tại Udon Thani, đám đông đã đốt phá các tòa nhà chính phủ, và thành phố này đã bị đặt trong tình trạng khẩn cấp, cũng như nhiều nơi khác.
Tuy nhiên, Udon Thani còn là quê hương của một nhóm nhỏ Áo Vàng, một phong trào đối kháng chủ trương các vụ xuống đường hồi năm 2006 đã nhanh chóng đưa đến cuộc chính biến lật đổ ông Thaksin. Họ cho biết đời sống của họ cùng với phe Áo Đỏ ở nơi này là một sự lẫn lộn giữa cuộc sống chung hoà bình và không khí ngờ vực diễn ra hàng ngày.
Nhóm Áo Vàng đa phần được hậu thuẫn của nhóm dân Thái trung lưu giàu có, và họ coi ông Thaksin là một người tham ô và chuyên quyền. Ông Rungsri Suprachaisakorn sở hữu một cơ sở bán xe hơi là một trong những người lãnh đạo Áo Vàng tại Udon Thani, ông nói:
“Thaksin là một người lãnh đạo tham ô mua chuộc dân địa phương bằng chương trình bảo hiểm y tế rẻ tiền và cho vay nhẹ lãi. Dân địa phương vốn tốt bụng và cả tin, nên đã bị Áo Đỏ lợi dụng.”
Ông cho biết là Áo Vàng mà sống trong môi trường Áo Đỏ là điều khó khăn, vì thường tại khu vực này lực lượng an ninh cũng như chính quyền đều thân với Áo Đỏ. Ông nói cách đây 2 năm, cảnh sát đã đứng bên lề khi Áo Đỏ tấn công một cuộc mít tinh Áo Vàng mà ông tổ chức. Khi đó ông đã bị gãy ngón tay cái và bị may 11 mũi trên đầu.
Tuy vậy trong cuộc sống thường ngày, những người Áo Vàng khác cho rằng mọi sự không đến nỗi căng thẳng lắm.
Tại tiệm hủ tíu mì thuộc trung tâm Udon Thani, ông chủ tiệm Prasert nói màu đỏ duy nhất là màu loại nước lèo của ông. Prasert là một thành viên Áo Vàng và ông cắt những hí họa chế riễu ông Thaksin dán đầy tường. Ông cho biết:
“Cả Áo Vàng lẫn Áo Đỏ đều đến ăn tiệm của tôi. Các bức biếm họa có gây ra tranh cãi, nhưng phần đông người ta chỉ cười. Thế nhưng, trong những va chạm thường ngày vẫn có sự phân hóa chính trị.”
Cô Nattaya Patoomtip là một người Áo Vàng từ Udon Thani tới dạy học tại vùng quê, cô cho biết gần như toàn bộ dân chúng tại đây ủng hộ Áo Đỏ. Cô cố gắng giữ những cuộc tranh cãi ở mức độ lịch sự, và cố gắng giáo dục dân Áo Đỏ, mà cô chê là không biết gì. Cô nói:
“Những người ủng hộ Áo Đỏ giống như những con trâu chẳng có đầu óc gì cả, và điều làm tôi khó chịu nhất là họ tỏ ra không tôn trọng nhà vua.”
Đại để những ngôn từ như vậy cho thấy sự phân hóa chính trị tại Thái Lan. Nhiều người dân thành thị thuộc giai cấp thượng lưu và trung lưu thường xuyên nói những điều xúc phạm đối với dân nông thôn. Ngược lại, dân Áo Đỏ cho biết những kiểu nói như vậy thường được dùng làm cái cớ để không cho cử tri vùng nông thôn và dân nghèo có quyền tham gia vào chính trường của Thái.
Ông Danuch Tanterdtid, một người lãnh đạo khác của Áo Vàng, thì tỏ ra ôn hòa hơn. Ông nói quan hệ giữa mọi người ở đây hãy còn tốt, và ông quyết định không dùng đến người bảo vệ, bất chấp tình trạng căng thẳng mới xảy ra tại Bangkok:
“Họ chống chính phủ, họ không xung đột với Áo Vàng, cho nên họ sẽ không làm hại người Áo Vàng. Họ đốt phá tòa đô chính, rồi họ đốt văn phòng tỉnh trưởng, sau đó thì họ tính chuyện chiếm ngân hàng Bangkok. Tôi hiểu tại sao phong trào Áo Đỏ thịnh hành như vậy. Lý do là vì ông Thaksin là lãnh đạo đầu tiên thật sự chịu lắng nghe người nghèo nông thôn vùng Đông Bắc, cho nên người ta hiểu vì sao họ trung thành với ông. Tuy vậy, nhóm Áo Đỏ đã sai lầm khi giao vận mệnh cho một cấp lãnh đạo tham ô.”
Phía Áo Đỏ lại cho rằng chính phủ đương quyền là không chính đáng, sau khi quân đội lật đổ ông Thaksin và tòa án còn truất bỏ hai chính phủ thân Thaksin được bầu ra. Và, tại những nơi như Udon Thani, phe Áo Đỏ rất giận dữ vì tuần qua quân đội đã đàn áp sự phản kháng của họ.
Vùng nông thôn nghèo nàn ở đông bắc Thái Lan là nơi tập trung sinh cư của những người biểu tình Áo Đỏ chống chính phủ đã chiếm đóng khu trung tâm Bangkok suốt 2 tháng, cho tới khi chính phủ phá vỡ doanh trại của họ tuần trước. Nhưng theo tường trình của Aubrey Belford từ Udon Thani, đây cũng là quê hương của một nhóm thiểu số Áo Vàng thân chính phủ, và họ đang sống chung một cách không mấy thoải mái với dân Áo Đỏ.