Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã điều tra về những khiếu nại có liên quan đến các trường hợp gian lận và bất hợp lệ trong cuộc bỏ phiếu hôm 3 tháng 7 và đã hoãn việc chấp thuận thắng lợi của thủ lãnh 44 tuổi của đảng Pheu Thai, bà Yingluck Shinawatra.
Bà Yingluck, và người đương nhiệm bị thất cử, ông Abhisit Vejjajiva, nằm trong số hơn 140 ứng cử viên ra tranh 500 ghế Hạ viện mà chiến thắng chưa được xác nhận.
Các kết quả chưa chính thức cho thấy đảng của bà Yingluck thắng 265 ghế trong cuộc bỏ phiếu. Hôm nay bà nói bà vẫn tin tưởng là ủy ban sẽ ủng hộ việc bà đắc cử. Bà nói việc trì hoãn như thế là bình thường.
Thành quả của đảng Pheu Thai dựa vào các chính sách mị dân, trong đó có cam kết tăng gấp đôi mức lương tối thiểu lên đến 10 đôla một ngày, tăng giá gạo, tăng ngân quỹ dành cho các chương trình phát triển nông thôn, cung cấp chăm sóc y tế rẻ tiền, và máy điện toán xách tay cho học sinh.
Các chuyên gia phân tích chính trị cho rằng sự trì hoãn việc xác nhận chỉ là một trong nhiều thách thức đối với người nữ doanh gia chưa hề đảm nhận một chức vụ công cử nào trước đây.
Ông Surat Horachaikul, phó khoa trưởng khoa Khoa học Chính trị của trường Đại học Chulalongkorn, nói rằng vẫn còn có những nghi vấn về khả năng quản lý chính phủ của bà Yingluck, và vai trò của người anh bà là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawat.
Ông Surat nói: "Bà Yingluck sẽ cai trị đất nước ra sao? Liêu bà có xử lý quyền hành cùng với người anh là ông Thaksin hay không. Đây cũng là một câu hỏi lớn về cách thức bà sẽ xử lý ra sao. Bà sẽ giải quyết yêu sách của các nhóm khác nhau trong Phe Áo Đỏ ủng hộ bà ra sao? Chúng ta có thể thấy rằng về vấn đề lao động, ai muốn có 300 baht một ngày như mức lương tối thiểu...chắc chắn đó là một câu hỏi lớn về sự ủng hộ dành cho bà Yingluck.”
Người anh của bà đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006 và hiện đang sống lưu vong ở Dubai để tránh án tù về tội tham nhũng, nhưng ông này vẫn còn là một lực lượng bao trùm trong chính sự Thái.
Sau cuộc đảo chính, ông Thaksin đã giúp sáng lập Mặt trận Dân chủ Đoàn kết chống Độc tài tức là phong trào Áo Đỏ để ủng hộ các nỗ lực trở lại nắm quyền của ông.
Phe Áo Đỏ, được sự ủng hộ mạnh mẽ của công nhân có thu nhập thấp ở nông thông vùng đông bắc Thái Lan, đã tổ chức các cuộc biểu tình ồ ạt chống chính phủ vào năm 2010 gây tê liệt thủ đô Bangkok.
Ông Thitinan Pongsudhirak, một nhà khoa học chính trị của trường Đại học Chulalongkorn, cho rằng chính phủ của bà Yingluck phải tránh việc gây xa lánh phe Áo Đỏ.
Ông Thitinan nói: “Nếu đảng Pheu Thai không đi đủ xa hoặc không giải quyết đầy đủ các nguyện vọng và đau khổ của họ, ta có thể thấy phe Áo đỏ đi theo một hướng khác. Nếu họ không thành lập một chính đảng thì họ sẽ tiếp tục tổ chức từ cơ sở quần chúng, từ dưới lên, bằng những cách táp nham và có thể trở thành chống chính quyền, chống chính quyền kịch liệt, mà chung cuộc sẽ không lành mạnh.”
Nhưng giới sản xuất Thái Lan đã cảnh báo rằng kế hoạch tăng gấp đôi mức lương tối thiểu có thể gây ra tình trạng lạm phát, đẩy giá cả lên cao cho cả giới tiêu thụ trong nước lẫn các nhà xuất khẩu.
Ngay lúc này thì các chính trị gia đang chờ đợi ủy ban bầu cử xác nhận kết quả đầu phiếu.
Ủy ban phải chuẩn thuận ít nhất 475 trong số 500 ứng cử viên thì Quốc hội mới bắt đầu làm việc vào đầu tháng 8.
Nếu ủy ban không xác nhận thắng lợi của một ứng cử viên thì tòa án Hiến pháp sẽ quyết định liệu ứng cử viên đó có là bất hợp lệ hay không. Nhưng trước đây, thì ủy ban bầu cử chưa hề không xác nhận các ứng cử viên về đầu.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã đình hoãn việc xác nhận chiến thắng bầu cử của cả thủ tướng tân cử Yingluck Shinawatra lẫn nhà cựu lãnh đạo, ông Abhisit Vejjajiva, bởi vì ủy ban nói vẫn còn đang cứu xét những khiếu nại về các trường hợp bất hợp lệ trong cuộc bỏ phiếu. Bà Yingluck đang hạ giảm tầm quan trọng của quyết định này, nhưng đây chỉ là một trong nhiều thách thức mà bà phải đối đầu trước khi thành lập một chính phủ mới. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Ron Corben gửi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1