Trong đơn gởi Tòa án Quốc tế, Kampuchea yêu cầu diễn giải một phán quyết của tòa trước đây 50 năm giao ngôi đền xây dựng từ thế kỷ thứ 11 này cho Kampuchea.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Kampuchea, ông Koy Kuong, đã loan báo tin này hôm Thứ Sáu tại Phnom Penh. Ông nói:
“Kampuchea muốn tòa án giải thích về quyết định năm 1962 giao đền Preah Vihear cho Kampuchea, phán quyết đó dựa trên một bản đồ được cộng đồng quốc tế công nhận.”
Biên giới chung quanh ngôi đền, mang tên Preah Vihear ở Kampuchea và Phra Viharn ở Thái Lan, vẫn còn trong vòng tranh chấp mặc dầu có quyết định năm 1962. Ngôi đền này dễ tới nhất từ phần đất của Thái Lan, và chính phủ Bangkok nhận chủ quyền về khu vực đất đai gần đó.
Kampuchea loan báo khiếu tố của họ lên Tòa án Quốc tế vài giờ sau khi các cuộc giao tranh mới ở khu vực xa hơn, nằm dọc theo biên giới làm tan vỡ thoả thuận ngưng bắn.
Hai phía đổ lỗi cho nhau về vụ đụng độ mới này.
Thoả thuận ngưng bắn đạt được hôm thứ Năm nhằm chấm dứt một tuần lễ giao tranh khiến ít nhất 16 người thiệt mạng và buộc hằng chục ngàn dân làng gần biên giới của cả hai nước phải bỏ nhà đi lánh nạn.
Thái Lan nghĩ rằng những vụ đụng độ mới nhất có liên hệ tới hành động của Kampuchea khiếu tố lên Tòa án Quốc tế, như lời ông Thani Thongphakdi, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Thái Lan:
“Theo quan điểm của chúng tôi thì vụ tranh chấp này đã được giải quyết. Những gì phía Kampuchea làm đã gây ra các vụ xung đột dọc theo biên giới, họ đã tạo điều kiện để khiếu tố lên Tòa án Quốc tế.”
Hai nước đã giao tranh lẻ tẻ dọc theo biên giới từ năm 2008, khi Kampuchea nhận được quy chế Di Sản Thế Giới cho ngôi đền. Điều đó làm cho nhiều người Thái có tinh thần dân tộc tức giận, và cả hai phía đều gia tăng các cuộc tuần tra của quân đội dọc theo biên giới.
Hiện chưa rõ phe nào đã gây sự trước trong cuộc giao tranh mới nhất này. Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị trong vùng nói rằng, tình hình chính trị quốc nội của cả hai phía đã khiến khó giải quyết vụ tranh chấp này.
Các nhà phân tích nói rằng, tại Kampuchea, có vẻ như Thủ tướng Hun Sen muốn cho nhân dân thấy ông có thái độ cứng rắn đối với nước láng giềng lớn hơn này, và có thể là ông hy vọng rằng các cuộc bầu cử tại Thái Lan trong năm nay sẽ cho phép cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, một người bạn của ông, trở lại nắm quyền ở Thái Lan.
Ngược lại, các nhà phân tích nói rằng, về phía Thái Lan, các cấp chỉ huy quân đội nhiều thế lực có thể hy vọng rằng tình hình xáo trộn dọc theo biên giới sẽ cho họ một cái cớ để hoãn lại cuộc bầu cử và giữ cho chính phủ mới khỏi phải thay đổi các giới chức cao cấp.
Vấn đề biên giới dự trù sẽ được nêu lên tại hội nghị thượng đỉnh các nước ASEAN được tổ chức tại Jakarta vào tháng tới.
Thái Lan nói rằng hội nghị này có thể dẫn tới cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Abhisit Vejjajiva của Thái, và Thủ tướng Hun Sen của Kampuchea “nếu điều kiện cho phép.”
Kampuchea yêu cầu tòa án quốc tế phân xử vụ tranh chấp với Thái Lan
Kampuchea đã yêu cầu Tòa án Quốc tế duyệt xét lại phán quyết năm 1962 liên quan tới ngôi đền Preah Vihear có tranh chấp với Thái Lan. Hành động này tiếp theo sau cuộc giao tranh trở lại, làm tan vỡ cuộc ngưng bắn chỉ kéo dài vài giờ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1