Sau 7 ngày giao tranh bằng trọng pháo, các viên chức Kampuchea nói các cấp chỉ huy quân đội tại chiến trường đã đạt được một thỏa thuận ngưng bắn.
Thượng tướng Chhum Socheat, một Phát ngôn viên của Bộ quốc phòng Kampuchea hôm thứ Năm cho biết thỏa thuận gồm có một số yếu tố gồm việc để cho dân làng dọc theo biên giới trở về nhà và mở lại các cửa khẩu biên giới.
Tướng Chhum Socheat nói ngưng bắn đã bắt đầu và thỏa thuận gồm cả việc binh sĩ hai bên vẫn còn đóng tại căn cứ. Thêm vào đó tướng Socheat nói thỏa thuận nhằm khuyến khích các cấp chỉ huy tại chiến trường xây dựng mối liên hệ giúp có thể trao đổi thông tin một khi có vấn đề xảy ra.
Tuy nhiên tại Bangkok, Phát ngôn viên quân đội Thái Lan, Ðại tá Sansern Kaewkamnerd nói bất cứ thỏa thuận nào do các cấp chỉ huy tại mặt trận đạt được phải được sự đồng ý ở mức cao nhất của mỗi chính phủ trước khi được chính thức hóa.
Đại tá Kaewkamnerd nói chưa có loan báo chính thức nhưng tất cả binh lính Thái Lan hiện đang đóng trên lãnh thổ trong vòng chủ quyền của nước họ.
Từ hai năm nay, thỉnh thoảng vẫn xảy ra những trận đụng độ giữa hai nước láng giềng về vùng biên giới không được phân định rõ ràng. Bên nọ đổ lỗi cho bên kia đã gây hấn trước trong những cuộc xung đột trong tháng này.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa, trong vai trò là chủ tịch ASEAN, đã thương thuyết về một cuộc ngưng bắn giữa hai nước láng giềng vào tháng Hai, lần cuối cùng hai bên giao tranh.
Sau khi họp hôm thứ Năm với Bộ trưởng ngoại giao Thái Lan Kasit Piromya, ông Natalegawa nói cả hai bên đều không còn lòng tin cậy nữa.
Ông Natalegawa nói: “Trên căn bản, hai bên phải tự chế, bởi vì chúng ta hiện nay đang ở trong vòng luẩn quẩn, bên này nói một đằng, bên kia nói một nẻo. Đổ lỗi và buộc tội lẫn nhau. Nói một cách chính xác, đây là một vòng luẩn quẩn đầy oán cừu mà chúng tôi đang nỗ lực đảo ngược.”
Ông nói thêm là nếu quả thật tin về ngưng bắn là đúng thì thực rất khích lệ và hai bên cần phải nhận thức được rằng chỉ có con đường duy nhất giải quyết cuộc tranh chấp này là qua đường lối ngoại giao.
Bộ trưởng Ngoại giao Natalegawa nói: “Chúng ta cần xây dựng lại lòng tin, gây dựng lại sự tin tưởng nhưng một câu hỏi đơn giản là giải pháp khác là gì? Hai bên muốn tiến xa đến đâu? Sẽ còn tranh chấp thêm bao nhiêu ngày nữa? Bao nhiêu người nữa sẽ bị giết, bị mất mạng?"
Cuộc ngưng bắn mới nhất kêu gọi bố trí những quan sát viên Indonesia dọc theo biên giới nhưng quân đội Thái Lan bác bỏ ý kiến này.
Ông Natalegawa nói Thái Lan cần phải cho phép các quan sát viên đến để đảm bảo hòa bình.
Đây là cuộc tranh chấp nghiêm trọng nhất giữa các nước thành viên ASEAN trong nhiều thập niên qua. Hai quốc gia từ lâu tranh chấp về những phần đất biên giới không được phân ranh rõ ràng và nhiều nơi tại vùng này đầy dẫy mìn bẫy còn sót lại từ cuộc chiến tranh Đông Dương trong những năm 1960.
Căng thẳng dâng cao từ năm 2008 sau khi Kampuchea nhận được qui chế Di sản Thế giới của Liên Hiệp Quốc dành cho một ngôi đền cổ Ấn Độ giáo ở ngay bên biên giới nước này.
Thái Lan và Kampuchea tranh chấp về quyền kiểm soát một vài dải đất chung quanh khu đền và những người theo chủ nghĩa dân tộc của cả hai bên hối thúc chính phủ họ có những hành động cứng rắn hơn đối với phía bên kia.
Tuy nhiên hiện chưa rõ nguyên nhân nào đã khiến giao tranh xảy ra vào trước đây trong tháng này.
Kampuchea và Thái Lan tiến gần đến việc chấm dứt giao tranh trên vùng biên giới 2 nước với tin đã có một thỏa thuận ngưng bắn. Thông Tín Viên Brian Padden tường trình từ Jakarta nơi các giới chức Indonesia đang làm trung gian hòa giải cuộc tranh chấp đã khiến ít nhất 15 người chết và hàng ngàn người ở hai bên biên giới phải rời bỏ nhà cửa.