Các chuyên gia phân tích kỳ cựu ở Thái Lan nói nước này đang trải qua một sự chuyển biến đáng kể trong quan hệ ngoại giao, tiếp xúc với Trung Quốc, Nga và Nhật Bản vào thời điểm bang giao nguội dần với Hoa Kỳ vì Bangkok lơi là với chế độ dân chủ.
Kể từ khi quân đội Thái lên nắm quyền hồi tháng 5 năm ngoái, quan hệ của Thái Lan với các cường quốc Tây phương đã lạnh nhạt. Các tổ chức nhân quyền và các chính phủ Tây phương đã chỉ trích những vụ đàn áp tự do chính trị và trì hoãn chế độ dân chủ, và đã nhiều lần đề nghị mở các cuộc bầu cử mới.
Những lần quân đội can thiệp trước đây vào chính sự Thái Lan thường tiếp theo bằng việc nối lại tiến trình dân chủ và phục hồi quan hệ chính trị với những nước từng hậu thuẫn cho Thái Lan, như Hoa Kỳ.
Nhưng trong lúc không có cuộc bầu cử nào được hoạch định, các chuyên gia phân tích phát biểu gần đây tại câu lạc bộ ký giả nước ngoài ở Bangkok cho rằng nước này đang thăm dò các phương án ngoại giao mới tại châu Á.
Trợ lý chủ biên của Tâp đoàn Đa truyền thông Nation, ông Kavi Chongkittavorn nói Thái Lan tự coi mình như một “nhịp cầu” nối với Trung Quốc và phần còn lại của Đông Nam Á.
Ông nói trong năm vừa qua, các giới chức Thái Lan đã hợp tác với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á để nới lỏng căng thẳng với Trung Quốc về việc Bắc Kinh khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.
Ông Kavi nói Trung Quốc và Thái Lan có phần chắc sẽ thắt chặt quan hệ với nhau:
“Trong thời gian từ 5 đến 10 năm tới đây, đây chính xác là điều sẽ xảy ra, nhất là dưới quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, bởi vì Thái Lan nay đã gắn kết với toàn bộ kế hoạch chiến lược của Trung Quốc; Tôi nghĩ đây là một phần cấp thiết.”
Ông Kavi nói thêm rằng mối quan hệ của Trung Quốc với Thái Lan có tính chất nhất quán hơn so với mối quan hệ với Hoa Kỳ. Bắc Kinh trong thời gian qua hầu như không nói gì tới vụ đảo chính quân sự ở Thái Lan.
Chính phủ Thái Lan cũng tăng cường các mối quan hệ với Ấn Độ, Nhật Bản và Nga. Trong tuần này, Nga và Thái Lan đã loan báo tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương trước năm 2016 lên tới 10 tỷ đôla.
Mới đây, Thái Lan vừa tiếp một phái đoàn an ninh cao cấp của Ấn Độ, và Nhật Bản nóng lòng muốn đầu tư vào việc nâng cấp mạng lưới đường sắt toàn quốc của Thái Lan trị giá nhiều tỷ đôla.
Nhà khoa học chính trị của trường Đại học Chulalongkorn, ông Thitinan Pongsudhirak nói việc Hoa Kỳ chỉ trích chỉnh phủ quân nhân Thái Lan đã khiến họ tìm kiếm những lựa chọn mới về mặt ngoại giao:
“Quý vị biết là bang giao giữa Thái Lan và Hoa Kỳ bén rễ hồi Chiến tranh Lạnh sâu xa đến độ sau Chiến tranh Lạnh và bước vào Thế kỷ thứ 21, rất khó mà định hình lại, điều chỉnh lại, khác với Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và các cường quốc khác – ngay cả Nhật Bản nữa, là những nước không mang theo gánh nặng thời Chiến tranh Lạnh ấy. Cho nên, bây giờ quan hệ này đang bị bế tắc và đang phải tìm kiếm một sự điều chỉnh hay một sự tái cân bằng nào đó.”
Thái Lan cũng đang mưu tìm tăng cường quan hệ quốc phòng với Trung Quốc. Tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan đi thăm Trung Quốc cùng với một phái đoàn trong đó có Tư lệnh Hải quân Thái để thảo luận việc mua hai chiếc tàu ngầm chạy bằng diesel do Trung Quốc chế tạo.
Nhà khoa học chính trị Panitan Wattanayagorn, một cố vấn quốc phòng Thái, cho rằng những cuộc tiếp xúc lớn hơn nêu bật bầu không khí chiến lược đang thay đổi.
“Những điều mà chúng ta nhìn thấy là lần đầu tiên trong vòng nhiều thập niên hoàn cảnh đã cho phép Thái Lan điều chỉnh sự cân bằng chiến lược của mình vì có những sự thay đổi trong cục diện quốc tế ở khu vực này. Xét theo vị thế chiến lược của Thái Lan đối với những cường quốc này, cục diện hiện nay cho phép quân đội lần đầu tiên điều chỉnh quan hệ chiến lược của Thái Lan với các siêu cường.”
Nhưng ông Panitan nói bất chấp các mối quan hệ sách lược ngày càng tăng với Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, các giới chức Thái Lan có phần chắc sẽ ra sức duy trì bang giao với Washington, phản ánh đường lối ngoại giao thực tiễn lâu dài của chính phủ.