Quỹ châu Á, một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế có trụ sở tại San Francisco, Hoa Kỳ, cam kết cải thiện cuộc sống cho người dân ở nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Quỹ châu Á có văn phòng ở 18 quốc gia châu Á và một văn phòng ở thủ đô Washington, D.C. Văn phòng đại diện ở Hà Nội của Quỹ được mở năm 2000. Trong số nhiều chương trình mà Quỹ châu Á thực hiện ở Việt Nam, chương trình học bổng trung học cho nữ sinh nghèo học giỏi của Quỹ, được thành lập năm 2004, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được một trong những mục tiêu chính của quỹ là tạo điều kiện phát triển năng lực cho phụ nữ và những đối tượng dân số dễ bị tổn thương khác.
Nữ sinh Đặng Thị Anh Đào, một đại diện trong số hơn 1.000 em nữ sinh nhận được học bổng của chương trình nữ sinh nghèo học giỏi Việt Nam do Quỹ châu Á Asia Foundation có trụ sở tại San Francisco, Hoa Kỳ, thực hiện, chia sẻ trong một phóng sự:
"Dạ, hồi lúc em học lớp 5, ba em do làm việc quá sức nên thần kinh căng thẳng. Cái việc chạy chữa cũng tốn khá là nhiều tiền nên mọi chi tiêu trong gia đình kể cả thuốc men, học hành này kia v.v.. đều do mẹ em đảm nhiệm hết. Cho nên khó khăn lại càng thêm khó khăn. Trước đó em cũng có nhiều môn học yếu nhưng vì hoàn cảnh nên không thể đi học ở đâu hết, tự học là chính.”
Trao đổi với VOA Tiếng Việt qua Skype, cô Đinh Kiều Nhung, quản lý các chương trình giáo dục cho Quỹ châu Á ở Việt Nam cho biết:
“Ở Việt Nam, như bạn biết, kinh tế vẫn còn rất khó khăn. Với quan niệm của người Việt Nam thì mình vẫn còn chút phong kiến, trọng nam khinh nữ. Với các gia đình nghèo, khi kinh tế của họ quá khó khăn, nhiều gia đình ưu tiên con trai đi học và để các em gái ở nhà để hỗ trợ gia đình. Chúng tôi với mục đích hỗ trợ các em nữ sinh có hoàn cảnh thiệt thòi nhưng học giỏi nên chúng tôi đã bắt đầu chương trình ở Việt Nam từ năm 2004 với mục đích trước mắt là hỗ trợ các em nữ sinh học giỏi nhưng hoàn cảnh khó khăn hoàn thành bậc trung học của mình.”
Chương trình học bổng nữ sinh nghèo học giỏi Việt Nam được Quỹ châu Á phối hợp thực hiện với các đối tác từ trung ương tới địa phương. Thông qua trường học, các em học sinh có thể lên đăng ký và từ đó, trường sẽ dựa vào hồ sơ, hoàn cảnh gia đình, và học lực của em để chọn ra các em nhận học bổng theo đúng tiêu chí. Tính tới hiện tại, chương trình được thực hiện ở bốn tỉnh: Nam Định, Cần Thơ, An Giang và Hậu Giang.
Trong một báo cáo thống kê của Tổng cục Thống kê gần đây thì Quỹ châu Á nhận thấy rằng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những nơi có tỷ lệ học sinh đi học thấp nhất. Cô Kiều Nhung cho biết:
“Với rất nhiều người dân ở ĐBSCL, họ thường lên thành phố lớn làm người lao động ngoại tỉnh với hy vọng có thu nhập tốt hơn công việc làm nông của họ. Khi họ chuyển lên thành phố lớn để làm việc, họ đưa luôn cả gia đình của mình lên đó. Điều đó phản ánh tình hình kinh tế xã hội có nhiều biến động. Từ đó chúng tôi có quyết định làm chương trình ở tại khu vực ĐBSCL để hỗ trợ cho các em nữ sinh nghèo học giỏi.”
Việc các gia đình di chuyển nơi ở không chỉ là một tín hiệu của vấn đề biến động kinh tế xã hội mà nó còn đồng nghĩa với việc chuyện học hành của những em gái này cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Quỹ châu Á cũng ghi nhận nhiều hoàn cảnh khác như có em sinh ra trong những gia đình thuộc diện hộ nghèo hay cận nghèo, các em mồ côi bố mẹ, bố mẹ bị tàn tật, hay bản thân sống ở những vùng nghèo nhất ví dụ một số huyện nằm sát Campuchia rất nghèo. Theo lời người quản lý các chương trình giáo dục của Quỹ châu Á ở Việt Nam, đối với các em nữ sinh, khi các em không được học hành tốt thì các em có nguy cơ bị buôn bán và bị khai thác lao động.
Đã sát cánh cùng Quỹ châu Á được 15 năm kể từ khi tổ chức này thành lập văn phòng tại Việt Nam, cô Kiều Nhung cho biết Quỹ châu Á nhận thấy rằng giáo dục là một phương tiện rất quan trọng để giúp các em gái thoát nghèo. Trong suốt quá trình 10 năm thực hiện chương trình học bổng nữ sinh nghèo học giỏi Việt Nam, cô Nhung cho biết đã gặp nhiều các em cùng có hoàn cảnh khó khăn. Cho dù có xuất thân và hoàn cảnh khác nhau, nhưng các em gái này đều có hai điểm chung mà cô Kiều Nhung nhận thấy. Đầu tiên là ý thức, sự quyết tâm vươn lên của các em để xứng đáng với sự hỗ trợ của những nhà tài trợ đã giúp đỡ mình. Thứ hai, các em có mong muốn khát khao là có cuộc sống tốt hơn cha mẹ mình, giúp đỡ lại được cha mẹ mình, cộng đồng mình, xã hội mình. Cô Nhung kể lại một trường hợp về một nữ sinh giành học bổng của Quỹ châu Á và đã trúng tuyển đại học An Giang năm 2014:
“Trong rất nhiều hợp tôi có thể nêu ra trường hợp em Tô Nguyễn Xuân Tuyền, năm ngoái là học sinh lớp 12 ở An Giang. Cha em là thợ hồ nhưng công việc bấp bênh không ổn định. Mẹ em thì bị bệnh huyết áp cao và bệnh tim nên không thể lao động được. Cả gia đình dựa vào thu nhập của bố. Khi có việc anh cũng kiếm được khoảng 100.000VNĐ/ngày (xấp xỉ 5 đô la). Rất nhiều lúc anh không có việc nên phải đi làm tất cả các công việc anh được thuê mướn để trợ giúp gia đình. Bản thân em Tuyền bị bệnh suy thận, tháng nào cũng phải đi bệnh viện. Việc chữa bệnh của em rất tốn kém nhưng rất cần thiết để duy trì sự sống của mình. Tuy nhiên không ỷ lại việc sức khỏe không tốt, Tuyền luôn luôn cố gắng giúp đỡ cha mẹ mình bằng bất cứ giá nào. Em từng làm thêm ở quán cà phê để kiếm thu nhập phụ giúp gia đình. Có những thời gian vì kinh tế gia đình quá khó khăn, em đề nghị với cha mẹ cho mình bỏ học để có thể đi làm toàn thời gian hỗ trợ cho cha mẹ. Rất may mắn là cha mẹ em tuy là những người lao động khổ cực như vậy nhưng cũng nhận ra rằng giáo dục là cách duy nhất để giúp cho con họ có được cuộc sống khác đi của mình. Cha mẹ em đã động viên em học tập và may hơn nữa em được các thày cô, các bác ở hội khuyến học huyện, xã chọn vào chương trình học bổng Quỹ châu Á. Khi nhận được học bổng em đã rất xúc động và em đã hứa cố gắng học tập thật tốt để xứng đáng với sự hỗ trợ đó.”
Kể từ khi chương trình ra đời năm 2004, Quỹ châu Á nhận thấy tác động rõ rệt của chương trình đối với các em. Theo lời cô Kiều Nhung, các em trong chương trình của Quỹ châu Á có tỷ lệ bỏ học thấp, tiếp theo đó thành tích học tập của các em rất tốt, và cuối cùng tỷ lệ các em đỗ vào bậc đại học, trung cấp là rất cao. Trong một báo cáo mới đây của Quỹ Khuyến học tỉnh Nam Định, 46 em nhận học bổng của Quỹ châu Á tốt nghiệp tháng 6/2011 đã đỗ vào đại học và cao đẳng. Hai em trong số này được đi du học ở Nhật Bản và Hoa Kỳ. Còn theo Hội Khuyến học Thành phố Cần Thơ, hiện tại hội đang có hơn 10.000 suất học bổng mỗi năm từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng theo lời cô Kiều Nhung, trong số đó học bổng Quỹ châu Á hiệu quả nhất vì tính lâu dài của nó. Số học sinh các em nhận học bổng của Quỹ châu Á thì 100% các em tốt nghiệp PTTH. Năm 2011 có 80% trong số này đỗ vào đại học cao đẳng. Năm 2012, con số này là 85% và năm 2013 thì là 83%.
Tuy nhiên, trong cuộc trò chuyện với VOA Tiếng Việt qua Skype, ông Michael DiGregorio, Đại diện trưởng Quỹ châu Á ở Việt Nam, người mặc dù mới công tác tại Quỹ châu Á được hơn một năm nhưng đã có thâm niên sinh sống tại Việt Nam 22 năm, nhấn mạnh rằng dự án này của Quỹ châu Á không nhằm mục đích đưa ra các cải cách cho hệ thống giáo dục ở Việt Nam:
“Chúng tôi thực sự không phải đang cố gắng cải cách hệ thống giáo dục trong dự án này. Chúng tôi có những nhà hảo tâm khác, đặc biệt những nhà quyên góp lớn, làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mục tiêu của chúng tôi chỉ là cải thiện cuộc sống của một số các em gái rất nghèo ở nông thôn bởi vì điều mà chúng tôi hiểu là nếu chúng ta có thể cải thiện cuộc sống của một em gái, chúng ta có thể cải thiện được cuộc sống của cả gia đình.”
Để thực hiện được mục tiêu này, trong một email trao đổi với VOA Tiếng Việt, cô Eelynn Sim, phó giám đốc truyền thông cho Quỹ châu Á ở San Francisco, Mỹ, cho biết chương trình này được duy trì nhờ có sự tài trợ của nhiều nhà hảo tâm bao gồm sự đóng góp của ông bà Jerry và Thảo Dodson, công ty Estee Lauder, công ty Intel Semiconductor, và Quỹ Merali. Trong số này, cô Kiều Nhung cho biết thêm rằng ông bà Jerry và Thảo Dodson đã bắt đầu hỗ trợ cho tổ chức từ năm 2007 và đã quyết định đưa vào trong di chúc của mình tiếp tục hỗ trợ cho chương trình ngay cả sau khi ông bà mất vì trong khoảng thời gian gắn bó với chương trình, ông bà đã thấy được sự thành công của chương trình, thấy được sự đầu tư của mình vào chương trình có hiệu quả đến mức như thế nào, và điều đó đã và đang mang lại nhiều điều tốt đẹp cho các em nữ sinh ở Việt Nam.
Ngoài hỗ trợ cho các em gái học bổng, cô Kiều Nhung cho biết thêm về mục tiêu sau này mà Quỹ châu Á mong muốn thực hiện tại Việt Nam:
“Hiện tại tất nhiên mục đích ngắn hạn của chúng tôi là hỗ trợ học bổng cho các em nữ sinh nghèo nhưng học giỏi để các em có thể hoàn thành bậc PTTH. Nhưng mục tiêu lâu dài của chúng tôi là chúng tôi muốn nâng cao năng lực cho phụ nữ thiệt thòi có nguy cơ để họ có được nền giáo dục tốt hơn, công việc tốt hơn. Ngoài hỗ trợ các em học bổng, chúng tôi mong muốn hỗ trợ cho các em kỹ năng mềm khác. Ví dụ như các kỹ năng rất cần thiết cho các em khi đi làm sau này. Các kỹ năng giao tiếp, xin việc, hay định hướng nghề nghiệp, để làm sao giúp các em cho dù không học cao hơn nhưng cũng chọn ra một nghề nghiệp phù hợp với mình để có thể bảo đảm cho tương lai của mình tốt hơn. Ngoài giúp đỡ các em học bổng, với tất cả kinh nghiệm của mình, chúng tôi hỗ trợ các em để các em có hành trang tốt đi vào đời.”
Và không chỉ có thể thay đổi cuộc sống của bản thân, cô Đinh Kiều Nhung, người quản lý các chương trình giáo dục của Quỹ châu Á ở Việt Nam nói rằng cô và các đồng nghiệp luôn luôn nói với các em rằng nếu các em muốn có được cuộc sống khác hơn cha mẹ mình thì con đường duy nhất các em có thể làm là học. Bởi vì chỉ có học mới có thể giúp chính các em có được tương lai tươi sáng hơn cha mẹ mình và có thể quay trở lại hỗ trợ cha mẹ mình, hỗ trợ cho xã hội và cộng đồng của mình.
Nguồn: VOA, Asia Foundation