Đường dẫn truy cập

Thái Lan phê chuẩn hiến pháp được quân đội hậu thuẫn


Cử tri Thái Lan được yêu cầu trả lời hai câu hỏi – có hay không – để ủng hộ dự thảo hiến pháp.
Cử tri Thái Lan được yêu cầu trả lời hai câu hỏi – có hay không – để ủng hộ dự thảo hiến pháp.

Hôm 7/8, dân chúng Thái Lan đã biểu quyết chấp thuận một hiến pháp được tập đoàn cầm quyền hậu thuẫn mà các nhà lãnh đạo quân sự nói sẽ mở đường cho các cuộc bầu cử mới, nhưng giới chỉ trích coi như là một cách hợp thức hóa vai trò của quân đội trong chính phủ trong nhiều năm sắp tới.

Phải nhiều ngày nữa mới có kết quả chung quyết, nhưng kết quả sơ khởi hôm 7/8 cho thấy 62 phần trăm cử tri chấp thuận bản hiến pháp.

Cử tri được yêu cầu trả lời hai câu hỏi – có hay không – để ủng hộ dự thảo hiến pháp và cũng cho phép việc bầu ra một vị thủ tướng mới thông qua một Thượng viện 250 thành viên được bổ nhiệm và một Hạ viện với 500 thành viên được bầu lên.

Giới chỉ trích cho rằng một phiên họp chung để bầu ra một nhà lãnh đạo mới mở đường cho một vị thủ tướng không do dân bầu trong một chính phủ sau này.

Cuộc tranh luận được chính phủ kiểm soát chặt chẽ trước khi bỏ phiếu dẫn tới việc bắt giữ hàng chục nhà vận động và sinh viên, được sự hỗ trợ của các luật lệ và hình phạt gắt gao với những án tù lên tới 10 năm.

Tổ chức Ân xá Quốc tế nói cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh “những vụ vi phạm nhân quyền phổ biến,” tạo ra “một bầu không khí ghê rợn.”

Cử tri chỉ trích tình trạng thiếu thông tin và thảo luận về hiến chương dẫn tới tỷ lệ cao các cử tri “do dự” trong các cuộc thăm dò công luận trước bầu cử.

Trong một thông cáo xế ngày hôm 7/8, văn phòng thủ tướng Prayuth Chan-ocha nói cuộc trưng cầu dân ý “đã được tiến hành với sự minh bạch và cởi mở ở mức độ cao về phía chính phủ.”

Tại một trạm bỏ phiếu ở Bangkok, ông Yosporn Limpaphan nói ông ủng hộ hiến chương bởi vì ông muốn nhìn thấy đất nước đi tới.

“Tôi đến đây hôm nay để bỏ phiếu chấp nhận dự thảo hiến pháp ngõ hầu đất nước không quay trở lại tình trạng giống như trước đây. Nếu dự thảo hiến pháp được thông qua, tôi sẽ yêu cầu thủ tướng ở lại nắm quyền để có thể thúc đẩy đất nước đi tới.”

Nhiều người Thái sinh sống ở các thành phố chính trở về các thị trấn và làng mạc ở tỉnh để bỏ phiếu tại một trong 95 ngàn trạm bỏ phiếu khắp nước, với khoảng 50 triệu cử tri hội đủ điều kiện đi bầu.

Xáo trộn chính trị

Nếu được thông qua, đây sẽ là hiến pháp thứ 20 kể từ khi Thái Lan trở thành một nước quân chủ lập hiến vào năm 1932, và là kết cục của một thập niên xáo trộn chính trị.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ mới nhất, phản đối chính phủ của thủ tướng Yingluck Shinawatra được bầu lên vào năm 2013, đã dẫn tới cuộc đảo chính quân đội vào tháng 5 năm 2014 do tư lệnh quân đội và hiện là thủ tướng Prayut Chan-ocha cầm đầu, cũng là người đứng đầu tập đoàn cầm quyền, gọi là Hội đồng Hòa bình Trật tự Toàn quốc, tên tắt là NCPO.

Kể từ khi lên cầm quyền, NCPO đã siết chặt vòng kiểm soát, dẫn tới những lời chỉ trích về thành tích nhân quyền và hạn chế các quyền tự do chính trị.

Bà Noi, một giới chức chính phủ yêu cầu không nêu tên đầy đủ, nói bà muốn nhìn thấy ông Prayut ở lại trong chính quyền cho đến khi bầu cử dự kiến vào năm 2017.

“Tôi thích ông Prayut Chan-ocha vì thế tôi đồng ý với ông. Đất nước cần đến ông trong một thời gian. Sau khi ông đã hoàn tất mọi việc một cách hoàn hảo, chúng ta có thể tổ chức bầu cử.”

Kết quả sơ khởi hôm 7/8 cho thấy 62 phần trăm cử tri chấp thuận bản hiến pháp.
Kết quả sơ khởi hôm 7/8 cho thấy 62 phần trăm cử tri chấp thuận bản hiến pháp.

Nhắm mục tiêu vào tham nhũng

Tawan Laopeth, một người dân tại thành phố Chiang Mai miền bắc, bày tỏ hy vọng bản hiến pháp mới sẽ nhắm mục tiêu vào các vấn đề như tham nhũng.

“Ai cũng muốn nhìn thấy Thái Lan phát triển trong mọi hướng về kinh tế, xã hội, và chính trị. Chúng ta không muốn nhìn thấy đất nước đi giật lùi trở về thời kỳ đen tối với sự tham nhũng và dân chúng chống lại nhau.”

Các cử tri khác, như diễn viên nổi tiếng Willy Mcintosh, nói có sự lo ngại về triển vọng chính trị.

“Hiện nay, chúng ta mất đi đất nước của những nụ cười vì có vấn đề về tham nhũng không thể giải quyết được và nhiều thứ khác, và dân chúng mất tin tưởng vào chính quyền.”

Những người ủng hộ thủ tướng Yingluck bị lật đổ dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Thống nhất Dân chủ chống Độc tài UDD – còn được gọi là phe áo đỏ, nằm trong số những người vận động bỏ phiếu “không đồng ý.” Các chính đảng lớn, trong đó có đảng Pheu Thai của bà Yingluck và nhà lãnh đạo đảng Dân chủ ông Abhisit Vejjijiva, cũng ủng hộ lá phiếu “không.”

Theo hiến chương mới, các chính đảng lớn sẽ có một vai trò bị giảm thiểu, mở đường cho các chính phủ liên minh yếu và nhỏ hơn.

Lãnh tụ UDD Tida Thavornseth nói số cử tri đi bỏ phiếu dưới mức 80 phần trăm mà giới hữu trách bầu cử đã hy vọng, và các giới chức an ninh hô hào dân chúng ủng hộ hiến chương.

“Tại nhiều trạm bầu cử, chỉ có vài người đến bỏ phiếu, rất ít. Nhưng ở một vài nơi, một số lớn quân nhân đến bỏ phiếu. Song tôi e là con số dân chúng đến bỏ phiếu hôm nay có thể khoảng 50 phần trăm – tôi cũng không rõ – trung bình khoảng 50 phần trăm.”

Nhưng ông Titpol Phakeewanich, một nhà khoa học chính trị ở đại học tỉnh Ubon Ratchathani miền tây bắc, nói một số người ủng hộ phe áo đỏ sẽ bỏ phiếu “ủng hộ” vì bất mãn trước việc NCPO ở lại nắm quyền và trông đợi các cuộc bầu cử mới. Ông nói:

“Có cơ hội lớn là cuộc trưng cầu dân ý sẽ được thông qua bởi vì nhiều người trong phe áo đỏ mà tôi đã nói chuyện, một số nói họ sẽ bỏ phiếu đồng ý. Nhưng tôi không nói ‘đồng ý’ là một hình thức ủng hộ NCPO nhưng một sự ‘đồng ý’ của phe áo đỏ chỉ là một khát vọng trở lại thể chế dân chủ bởi lẽ chính phủ và NCPO đã tìm cách thuyết phục rằng nếu bỏ phiếu ‘đồng ý’ là chúng ta đang quay trở lại với thể chế dân chủ.”

Quân đội từng tuyên bố nếu hiến chương mới nhất bị bác bỏ thì họ sẽ tìm cách phác thảo một hiến chương mới, mà không tranh luận, và tiến tới các cuộc bầu cử mới vào năm tới.

Các nhà khoa học chính trị cho rằng việc quân đội kiểm soát một Thượng viện được bổ nhiệm và một quốc hội yếu hơn có thể dẫn tới tình trạng quân đội bành trướng ảnh hưởng trong ít nhất 5 năm, theo các điều khoản chuyển tiếp.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG