Đường dẫn truy cập

Giới hoạt động: Thái Lan cần có trách nhiệm hơn về nhân quyền


Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra xem các xiềng xích trưng bày tại nhà tù Bang Kwan trong tỉnh Nonthaburi, ngoại ô Bangkok. Thái Lan loan báo ngưng dùng xiềng đối với tù nhân, 15/5/13
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra xem các xiềng xích trưng bày tại nhà tù Bang Kwan trong tỉnh Nonthaburi, ngoại ô Bangkok. Thái Lan loan báo ngưng dùng xiềng đối với tù nhân, 15/5/13
Các nhà hoạt động nhân quyền và Ủy ban Thẩm phán Quốc tế nói Thái Lan cần phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về thành tích nhân quyền, nhất là trong những trường hợp xảy ra các vụ mất tích cưỡng bức và ngược đãi phi pháp.

Các luật sư nhân quyền nói Thái Lan phải chịu trách nhiệm về thành tích nhân quyền của họ vì nước này xin giữ các chức vụ quan trọng trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc và trong tư cách một thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an.

Các tố cáo vi phạm nhân quyền gồm các hành động của lực lượng an ninh trong tình hình bạo lực liên tục ở nam bộ Thái Lan, đã làm hơn 5000 người thiệt mạng từ năm 2004, cùng với những vụ bị cáo giác là cưỡng bức mất tích, sát hại, tra tấn, và ngược đãi các nghi can tội phạm.

Một báo cáo của tổ chức Human Rights Watch có trụ sở ở Hoa Kỳ nêu ra sự kiện chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinwatra không nhận lãnh trách nhiệm về những vụ ngược đãi trước đây, vốn là yếu tố chính làm bùng ra những vụ biểu tình chống chính phủ ở Bangkok đã làm hơn 20 người thiệt mạng.

Các vụ biểu tình diễn ra tiếp theo một luật ân xá được chính phủ hậu thuẫn có liên quan đến các hành vi bạo lực, ngược đãi và tham nhũng. Dự luật này được coi là thiên vị người anh của bà Yingluck, cựu thủ tướng Thaksin Shinawat, hiện đang sống ở nước ngoài để tránh một án tù vì tội tham nhũng.

Nhà nghiên cứu cấp cao của Human Rights Watch Sunai Phasuk nói Thái Lan phải giải quyết thành tích nhân quyền của mình trước khi được ủng hộ vào các chức vụ quan trọng của Liên Hiệp Quốc. Ông nói:

“Thái Lan đang xin một ghế trong hội đồng nhân quyền. Tôi không nghĩ rằng nước Thái Lan này xứng đáng được vị thế đó chút nào cả, nếu cứ tiếp tục tin vào sự vô luật pháp, nếu tiếp tục tin vào việc không bị trừng phạt, thay vì công lý, trách nhiệm và tôn trọng nhân quyền.”

Chính phủ Thái đã liên tục biện hộ tại các diễn đàn quốc tế và Liên Hiệp Quốc rằng họ tôn trọng các tiêu chuẩn nhân quyền.

Những quan ngại được bày tỏ trong lúc gia đình của luật sư nhân quyền Somchai Neelapaichit đánh dấu 10 năm ngày ông bị bắt cóc ở Bangkok vào tháng 3 năm 2004 và e là đã bị sát hại.

Các viên chức cảnh sát cấp cao ban đầu đã bị bắt vì vụ bắt cóc ông Somchai. Nhưng các vị thẩm phán đã bãi bỏ phần lớn các cáo trạng đối với các nghi can vì thiếu bằng chứng. Một nghi can được tại ngoại hầu tra sau đó đã mất tích.

Vợ ông Somchai, bà Angkhana Neelapaichit, kể cho các phóng viên bà đã tiếp tục tranh đấu ra sao để tìm ra những kẻ chịu trách nhiệm về việc chồng bà mất tích. Bà nói:

“Mặc dù tiến trình công lý có thể không làm ông sống lại, nhưng không nên để cho có sự trốn trách nhiệm trong việc đem lại công lý cho ông Somchai. Trong 10 năm qua, tôi đã cố gắng hết sức để đạt được công lý. Chính phủ Yingluck đã bồi thường cho tôi, nhưng tiền bạc không thể phục hồi được phẩm giá của nạn nhân.”

Một người con gái của ông Somchai là Pratubjit Neelapaichit, một luật sư và một nhà tranh đấu, cho biết cô vẫn hy vọng vụ này sẽ được giải quyết bởi lẽ cha cô luôn luôn đặt tin tưởng vào “sự thật và công lý.”

“Trong tư cách là những người hoạt động cho nhân quyền, chúng tôi phải lạc quan có phải không ạ? Chúng tôi luôn tin tưởng và luôn hy vọng, chúng tôi tin là sức mạnh của dân chúng mỗi ngày một tăng. Chúng tôi tin rằng một ngày nào đó có thể tìm ra công lý và sự thật về vụ này.”

Giám đốc khu vực châu Á Thái Bình dương của Uỷ ban Luật gia Quốc tế, ông Sam Zarifi, nói trường hợp của ông Somchai làm nổi bật những mối quan ngại quốc tế về những vụ mất tích cưỡng bức.

Trường hợp của ông Somchai đã trở thành một biểu tượng của vấn đề mất tích cưỡng bức, không chỉ riêng ở Thái Lan hay Đông nam châu Á, mà thực ra là trên toàn thế giới. Vào thời điểm này, đây là một trong những trường hợp tiêu biểu nhất của nạn mất tích cưỡng bức trên thế giới.”

Thái Lan đã đồng ý thừa nhận Công ước Liên Hiệp Quốc về những vụ cưỡng bách mất tích, nhưng chưa ký hiệp ước. Ông Sam Zarifi của Uûy ban Luật gia Quốc tế nói một khi hiệp định được ký, Thái Lan sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về thành tích nhân quyền của mình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG