Đường dẫn truy cập

Thương binh VNCH: ‘chạnh lòng’ ngày 30/4, ‘khốn đốn’ vì Covid-19


Nghĩa trang của các binh sỹ Việt Nam Cộng hòa ở tỉnh Bình Dương
Nghĩa trang của các binh sỹ Việt Nam Cộng hòa ở tỉnh Bình Dương

Các thương phế binh của Việt Nam Cộng hòa nằm trong nhóm người dễ bị tổn thương nhất vì dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam trong khi họ gần như đã bị gạt ra bên lề sự phát triển của đất nước tròn 45 năm sau ngày hai miền được thống nhất, theo tìm hiểu của VOA.

Việt Nam vừa ra khỏi ba tuần cách ly xã hội kể từ ngày 1/4 để chống dịch Covid-19 và kỷ niệm ngày ‘Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước’ theo cách gọi của chính quyền trong nước vào ngày 30/4.

Trong khi đó, các thương phế binh của miền Nam trước đây, vốn bị tật nguyền, mất sức lao động và phải làm các công việc như bán vé số, đi bán dạo hay lượm ve chai, đang phải vật lộn vì mất kế sinh nhai trong mùa dịch.

‘Tủi thân’

Ông Trần Văn Tỷ, 69 tuổi, hiện đang thuê trọ ở đường Tôn Thất Thuyết, Quận 4, thành phố Hồ Chí Minh, là một trong số đó. Hiện ông đang đẩy xe bán bánh tiêu dạo để kiếm tiền sống qua ngày. Trước năm 1975, ông Tỷ thuộc Sư đoàn 18 Bộ binh, Trung đoàn 48, Tiểu đoàn 1 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Đôi chân ông trúng đạn bị thương hồi năm 1973 trong một trận đánh ở Cẩm Mỹ, Long Khánh, ông nói với VOA.

“Ngày 30/4 đối với tôi là một ngày buồn – ngày buồn của các chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa,” ông nói. “Thậm chí tôi không đi bán, tôi ở nhà buồn nguyên ngày.”

“45 năm qua nhiều khi tôi cảm thấy uất ức trong lòng: Tại sao mình đổ máu, hy sinh một phần thân thể mà bây giờ thành ra như vầy,” ông than thở.

Ông Tỷ nói ông thường lên mạng để tìm lại những ký ức ngày xưa của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, trong đó có cuộc diễn binh có sự tham gia của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

“Tôi coi trên mạng thấy diễn hành ngày trước có tất cả các binh chủng, từ thủy quân lục chiến cho đến bộ binh. Tôi coi mà nước mắt tôi chảy. Tại sao những anh em mình ngày xưa oai phong lẫm liệt mà giờ này tan rã hết trơn. Tôi đau không có cái gì mô tả được,” ông bày tỏ với VOA.

“Tại sao đạn không bắn trúng đầu cho tôi chết luôn đi mà trúng ngay giò,” ông nói thêm và khẳng định rằng ‘lễ 30/4 (của chính quyền) không liên can gì đến tôi’.

Theo lời ông thì do lệnh cách ly xã hội mấy tuần nay ông ở nhà nên ‘không biết năm nay họ có làm lễ ăn mừng không’.

“Mấy ngày nay tôi cũng hơi ngạc nhiên. Thường mấy năm trước còn chừng nửa tháng đến 30/4 bật vô tuyến lên thấy chiếu phim tài liệu của mấy ổng không hà. Từ ngày có dịch Covid-19 đến nay không thấy chiếu gì hết mà cũng ít có ai nhắc nhở về 30/4,” ông cho biết.

‘Cố gắng gồng gánh’

Về cuộc sống của vợ chồng ông trong mùa dịch bệnh, ông cho biết là ‘khó khăn lắm’. Ông nói mặc dù có lệnh cách ly xã hội, nhưng vẫn phải cố đẩy xe đi bán bánh vì ‘không đi bán thì không có tiền trả tiền nhà’.

Ông cho biết thêm là ông đang nợ 2 tháng tiền nhà, mỗi tháng trên 1 triệu, trong khi mấy tuần rồi đi bán rất ế ẩm vì ‘ai cũng ở trong nhà’.

“Hồi sớm mơi vợ chồng tôi ăn mì gói trừ cơm. Thỉnh thoảng cũng phải ăn bánh tiêu ế,” ông nói. “Cũng thèm ăn món này món kia nhưng không dám mua vì sợ thâm vào tiền trả tiền nhà.”

Theo lời ông Tỷ thì trước kia ông đi bán vé số nhưng nghề này đòi hỏi phải đi rất nhiều nên đôi chân ông ‘chịu không nổi’. Sau đó ông chuyển qua đẩy xe bánh tiêu đi bán – mặc dù có thu nhập ít hơn nhưng chân ông đỡ đau hơn.

“Tôi đi bán từ 6h sáng, đi đến chừng 12h trưa là về. Khi đó đuối sức rồi nên không đi bán nổi nữa,” ông nói thêm và cho biết vợ ông làm công nhân bên Quận 7 mỗi tháng được 4-5 triệu nhưng do ốm đau nên phải nghỉ thường xuyên.

Ông nói đi bán mùa dịch ông cũng sợ dính bệnh ‘nhưng vì miếng cơm manh áo nên mình phải liều gan’ và cho biết ông luôn luôn phải đeo khẩu trang khi đi bán.

Những khi xảy ra chuyện đột xuất như ốm đau thì ông Tỷ nói ‘ông vay mượn đầu này đắp đầu kia rồi mai mốt đi bán lấy tiền trả lại’ và rằng ông ‘còn mảnh đạn ở dưới chân nhưng phải chịu vì không có tiền mổ’.

Về sự giúp đỡ của những người xung quanh, ông nói ‘hai vợ chồng ông rất cô độc ở thành phố không có bà con, anh em, bạn bè gì hết nên phải tự thân mà sống’.

“Tôi và vợ tôi có đi nhà thờ Tin Lành. Bên đó họ có cho 10 kg gạo, 1kg đường, chai dầu ăn,” ông nói về sự giúp đỡ ông nhận được trong mùa dịch.

Còn về sự giúp đỡ của chính quyền, ông Tỷ nói ông ‘không nhận được một hạt gạo hay một đồng bạc nào. Những người có hoàn cảnh cơ nhỡ trong xóm ông ‘đều được tổ trưởng đến đưa giấy biểu ra phường nhận hỗ trợ’ nhưng người tổ trưởng đó ‘không kêu ông’.

“Cây ATM gạo tôi có nghe nói mà không biết chỗ nào. Tôi có nghe khách mua bánh nói là phải xếp hàng dài. Trong khi đó tôi bán bánh tiêu hổng lẽ tôi đẩy xe lại đó xếp hàng rồi xe bánh tiêu tôi để đâu? Nếu tôi chờ thì chờ biết chừng nào trong lúc mình bán buôn như vậy,” ông bày tỏ.

Tương tự, những hàng quán phát cơm từ thiện ông nói ông cũng không đến được vì không thể đứng xếp hàng với xe bánh tiêu.

“Ngay bữa bắt đầu cách ly có bà bán cà phê thấy tôi tội nghiệp sao hổng biết bả cho tôi được 10 gói mì. Tôi nhận được tôi mừng lắm,” ông kể.

Ông nói hy vọng lớn nhất giờ đây là chương trình trợ giúp của nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế mà ông đã từng được tham dự một lần chương trình ‘Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng hòa’. Tuy nhiên, ông nói ông bị ‘thiệt thòi’ vì biết được chương trình trợ giúp của nhà thờ này ‘quá muộn’ nhờ vào một người đi đường nói cho ông biết. Do đó, ông chỉ ‘hưởng được sự tri ân một lần duy nhất từ hồi 1975 đến giờ’.

“Tới giờ tôi biết nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế, chỗ phòng Công lý-Hòa bình (cũ) đã bị dời đi hết,” ông than thở.

‘Bị nhòm ngó’

Ông Tỷ nói mặc dù ông không bị chính quyền địa phương làm khó dễ gì trong cuộc sống nhưng ‘hàng xóm thì hay để ý’ vì biết ông là người của chế độ cũ.

“Hôm trước vui miệng tôi khoe mình được hưởng chương trình tri ân của nhà thờ, có người nói ‘ông coi chừng có ngày công an làm việc với ông này kia’,” ông kể và cho biết ông đi đâu ‘cũng bị để ý.’

“Họ ám chỉ tôi là thương phế binh chỉ chờ cơ hội biểu tình để quấy rối trật tự,” ông nói thêm.

Hoài niệm về thời kỳ của Việt Nam Cộng hòa, ông Tỷ kể ngày xưa ông vốn là ‘Việt kiều ở Campuchia được chính quyền miền Nam cho tàu qua rước về vào năm 1970 sau khi chính quyền Lon Nol đàn áp và giết hại người Việt’. Khi đó, cả gia đình ông được chính quyền cấp nhà, nuôi ăn, cung cấp thuốc men trong 18 tháng. Vì lẽ đó mà cả nhà ông đều tham gia quân lực Việt Nam Cộng hòa, ông cho biết.

“Tôi không bao giờ quên được thời kỳ đó. Đến ngày tôi đi lính cũng vậy. Tôi ăn cơm của nhà binh, sống nhờ lương của quân lực Việt Nam Cộng hòa,” ông nói thêm.

“Những năm qua tôi bật điện thoại lên thăm chừng hoài để coi ở hải ngoại mình có giữ được quân lực Việt Nam Cộng hòa đến đâu để mình thấy mình mừng,” ông chia sẻ.

Khi được hỏi so sánh cuộc sống bây giờ với trước kia, ông Tỷ nói: “Hồi đó có chiến tranh, nhà nước (Việt Nam Cộng hòa) không mấy lo cho dân đầy đủ. Bây giờ không có chiến tranh, nhà nước cũng có điều kiện lo cho người nghèo, người tàn tật. Nhưng không phải ai cũng được.”

“Sài Gòn bây giờ phồn hoa hơn ngày xưa nhưng cũng có nhiều giai cấp lắm,” ông cho biết. “Có người có vốn, có khả năng, có thân thích người ta làm giàu. Nhưng cũng có nhiều người tha phương cầu thực làm đủ thứ việc như phụ hồ, bán vé số, chạy xe ôm.”

‘Ngày đau buồn’

Từ Giáo xứ Thống Nhất thuộc xã Phú Cường, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Ngọc Tốt, 68 tuổi, nguyên là lính thủy quân lục chiến, nói với VOA rằng ngày 30/4 ‘gợi cho ông nhiều đau buồn’.

“Đã 45 năm rồi, ngày này đối với tôi vẫn là ngày mình bị mất nước – ngày đau buồn,” ông thổ lộ. “Còn người dân đâu có biết gì, họ vẫn vui vẻ ăn nhậu với nhau vào ngày này.”

Cũng giống như ông Tỷ, ông Tốt nói ông buồn vì ‘ngày xưa một thời oanh oanh liệt liệt mà bây giờ phải lâm cảnh ngộ như vầy’.

Tuy nhiên, ông Tốt, người từng tham gia các chiến trường miền Tây, Hạ Lào rồi Khe Sanh ở Quảng Trị vào năm 1972 và có mảnh pháo trong đầu, nói do năm nay trong nước không tổ chức rình rang ăn mừng ngày 30/4 nên ông cũng cảm thấy ‘bớt chạnh lòng’.

Ông cho biết ông ‘có cảm giác mặc cảm’ khi có người vẫn gọi ông là ‘ngụy quân, ngụy quyền’. “Nhưng tôi nói đất nước đã thống nhất rồi thì không có ngụy quân, ngụy quyền gì hết vì tất cả đã là anh em một nhà,” ông nói.

Hiện tại ông Tốt đi bán vé số kiếm sống. Tuy nhiên, do những ngày cách ly xã hội, vé số bị ngưng bán, ông phải ở nhà ‘sống cầm hơi’.

“Tôi không đi bán được, ở nhà có gạo với nước tương nấu ăn,” ông nói và cho biết cả vợ và người con trai của ông đều bệnh tật.

Ông cho biết khi chính quyền có chính sách hỗ trợ những hộ khó khăn vì dịch bệnh, trưởng ấp nơi ông ở có ‘đến nhà cho phiếu biểu ra xã lãnh đồ’. Khi đó, ông được cho ‘thùng mì gói, chục ký gạo, nước tương, bột ngọt, đường, dầu ăn’.

Ngoài ra, những người dân xung quanh ‘cũng cho gạo, cho đồ ăn, lâu lâu có người cho 100, 200 ngàn đồng’.

“Coi như gạo trong gia đình ăn có bao nhiêu đâu. Cô bác người ta cho đồ ăn, ngoài chợ người ta kêu cho cá, mắm các thứ,” ông nói.

Những lúc đi khám bệnh không có tiền ông nói ‘có khi phải mượn lối xóm nhưng có khi người ta không cho mượn mà cho luôn’.

Cũng giống như ông Tỷ, ông Tốt cũng có xuống nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế để nhận quà Tết và ‘khám bệnh từ thiện’.

Hiện ông Tốt đang ở nhà tình thương do Ủy ban xã cấp cho những hộ nghèo. Ông kể rằng chính quyền xuống thấy nhà ông nghèo, muốn sập nên mới đưa ông vô danh sách được cấp nhà tình thương.

Theo lời ông thì mặc dù vé số đã được phép bán lại từ ngày 29/4, nhưng ông đợi đến sau lễ mới đi bán lại vì ‘mấy ngày lễ không có khách nhiều’.

Ông cho biết đi bán vé số trong mùa dịch ông cũng ‘rất lo’ vì ‘lỡ mà dính bệnh một cái là thua luôn’.

Trong lúc chính quyền Việt Nam dồn sức chống dịch để làm nên ‘Chiến thắng mùa Xuân mới’, ông Tốt nói rằng ông sẽ ‘mừng’ nếu Việt Nam đẩy lui được dịch bệnh.

VOA Express

XS
SM
MD
LG