Sau khi 4 triệu gia đình ở Texas bị mất điện nhiều ngày, nhiều người kết luận: Thị trường đã thất bại. Tôi không đồng ý. Thị trường không có tội. Các nhà chính trị đã không để cho thị trường hoạt động đúng, gây nên tai họa này.
Trước đây 20 năm ở Texas điện do các công ty độc quyền cung cấp, dưới sự giám sát của chính quyền. Năm 1999, do áp lực của giới tư doanh, nghị viện tiểu bang mở cửa cho thị trường tự do. Thống đốc George W. Bush tuyên bố: “Tự do cạnh tranh sẽ giúp dân Texas vì giảm tiền điện hàng tháng.”
Trong tháng rồi, nhiều người dân Texas “chết đứng” khi nhìn hóa đơn tiền điện. Bà Katrina Tanner, ở Nevada, Texas, phải trả $6,200 đô la, gấp 5 lần tiền điện cho cả năm 2020. Bà cho phép công ty điện rút tiền tự động, cho nên bà chỉ còn $200 trong ngân hàng. Bà Melissa Rogers, 36 tuổi, ở Fort Worth, thấy trương mục ngân hàng của mình chỉ còn $80 đô la, sau khi công ty bán điện rút tự động $6,000 – tiền lương của ông chồng mới ký thác bị vét sạch. Ông Scott Willoughby, 63 tuổi, ở ngoại ô Dallas, phải tút tiền tiết kiệm để trả $16,752.
Tai họa của những người trên là do những người lãnh đạo tiểu bang không tính toán trước tương lai bất trắc. Họ chỉ nhìn trước mắt. Mà trước mắt cũng chỉ thấy nhu cầu tranh cử của mình. Phần lớn quỹ tranh cử của họ do các công ty năng lượng, xăng, dầu khí, điện lực đóng góp. Tốt nhất là không làm phiền các thân chủ chính trị của họ.
Sau vụ mất điện toàn diện năm 2011, cũng vì khí lạnh từ Bắc cực đổ xuống bất ngờ, một bản phúc trình của liên bang đã đề nghị cả hệ thống điện ở Texas phải được tu chỉnh, giữ ấm để phòng những cơn lạnh khác. Năm 2014, một cơn lạnh khác tới, nhẹ hơn. Nhưng Tổ chức ERCOT của các nhà cung cấp điện, họ mua điện của các công ty sản xuất rồi bán lại cho người tiêu thụ, cũng không bắt các nhà máy sản xuất điện làm gì cả, chỉ đưa ra một bản khuyến cáo. Thực ra, họ cũng không có quyền hành nào để ra lệnh cho các công ty sản xuất. Chính quyền không can thiệp vào vụ này. Không có luật lệ nào buộc các nhà máy phải thi hành các lời khuyến cáo, không ai có thể bị phạt. Ủy ban điện lực tiểu bang không cử người đi thanh tra các nhà máy điện để coi có đề phòng hay không.
Sau tai nạn mất điện tháng trước, Thống đốc Greg Abbott nói sẽ yêu cầu nghị viện làm luật bắt các nhà máy điện phải tu bổ để phòng khí lạnh mùa đông. Tiểu bang sẽ trợ cấp – tức là người dân đóng thuế sẽ chi tiền. Đây là một thí dụ tiêu biểu cho câu: “Tư nhân hưởng lời, xã hội chịu lỗ” (privatizing the gains and socializing the losses). Có thể coi đó là “định hướng xã hội chủ nghĩa,” không phải là kinh tế thị trường!
Xin đừng đổ tiếng oan cho kinh tế thị trường. Thị trường lúc nào cũng đặt dưới quyền giám sát của chính phủ. Bởi vì chính phủ chịu trách nhiệm lớn hơn, vượt trên lãnh vực kinh tế. Chính phủ quy định các luật lệ kinh tế. Một quy tắc căn bản của kinh tế thị trường là sử dụng “động cơ thích hợp” (incentive compatibility). Người ta làm hay không làm việc gì vì có động cơ. Luật lệ của nhà nước phải tạo ra những động cơ khiến người tham dự trong thị trường hành động đúng với ích lợi chung. Texas đã bỏ qua. Một phần vì họ không tiên liệu những hoàn cảnh xấu có thể xảy ra gây thiệt hại cho dân.
Các chính phủ đều phải tiên liệu, phải chuẩn bị đối phó với thiên tai bất trắc. Người Việt Nam vẫn nhớ câu: “Tích cốc phòng cơ; tích ý phòng hàn,” Trữ lúa phòng khi đói, trữ áo phòng trời lạnh. Loài chim, những con sóc, đều biết chuẩn bị lo mùa đông giá rét. Từ năm 1980 khí hậu bất thường gây thiệt hại lớn ở nước Mỹ đã xảy ra 285 lần. Tổn thất tổng cộng $1,875 tỷ đô la. Chuẩn bị đề phòng các tai biến đó là trách nhiệm của các nhà chính trị, thị trường sẽ phải theo.
Các nhà máy điện ở miền Đông, miền Bắc nước Mỹ đều đề phòng khí lạnh. Chi phí đầu tư được tính cho người tiêu thụ trả, trải ra hàng chục năm, không ai than vãn. Texas không làm, vì lý do chính trị: Vì chính quyền không can thiệp vào cuộc trao đổi giữa người bán với người mua năng lượng. Mạng điện các tiểu bang đều nối kết với nhau, khi nơi này thiếu thì nơi khác tiếp tế. Đó là một phương pháp đề phòng giản dị và hữu hiệu. Các người lãnh đạo Texas muốn đứng một mình, khi mất điện không ai có thể giúp, cũng vì lý do chính trị. Nếu dính tới các tiểu bang khác thì sẽ phải theo một số luật của liên bang. Năm 2012 khi trận bão Sandy tấn công New York, đại biểu Texas ở Quốc hội đã phản đối việc cứu trợ; cũng vì triết lý chính trị đó.
Nhưng Texas cũng đặt ra nhiều cơ quan giám sát trên hệ thống sản xuất và phân phối năng lượng. Nhật báo Wall Street Journal gọi đó là một “nồi canh các chữ abc” (alphabet soup). Tờ báo cho rằng chính vì thế mà không ai hành động (resulted in inaction). Không biết ai chịu trách nhiệm!
Chính quyền thường không tích cực lo đề phòng bất trắc; vì những việc đề phòng thường không hấp dẫn (sexy), không được ai chú ý. Đề phòng những bất trắc khí hậu, hay đề phòng bệnh dịch, cũng giống như cha mẹ khuyên các con phải rửa tay sạch để tránh bệnh. Công việc chậm chạp, lâu dài. Không thấy kết quả hiển nhiên hoặc tức khắc. Khó đo lường hiệu quả nếu không xảy ra tai biến. Lúc bình thường không thấy kết quả nào nổi bật lên để trưng ra làm thành tích khi tranh cử. Trong khi đó ngân sách vẫn chịu tốn kém.
Bình thường, khi không có bệnh dịch, không ai để ý tới vai trò của các chuyên gia y tế công cộng. Cả đời một người Mỹ có thể không biết có cơ quan CDC, lo phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm cho toàn dân. Có cha mẹ nào vui mừng khi nghe con nói sẽ đi học làm bác sĩ chuyên về y tế công cộng, về bệnh truyền nhiễm? Cũng thế, năm, mười năm mới bị mất điện vì khí lạnh. Lúc gánh tai họa người dân mới biết mình quên không lo đề phòng. Chính quyền của mình cũng không lo đề phòng.
Không riêng gì Texas. California biết phải đề phòng, chuẩn bị các công tác cứu cấp nếu động đất. Nhưng chưa thấy một chính sách nào lo đối phó trước nạn thiếu nước sau khi động đất. Tất cả hệ thống nước dùng ở phía Nam California đều dẫn từ các tiểu bang ở phía Đông. Đường dẫn nước phải đi qua vùng sa mạc nằm ngay trên Đường Nứt San Andreas. Chưa thấy California có một chương trình bảo vệ hệ thống dẫn nước đó khi dải San Andreas bị động đất lớn. Nếu đường dẫn nước bị hủy hoại, phải mất 18 tháng mới sửa chữa xong.
Tất cả những công tác đề phòng phải thực hiện trong một thời gian dài, được thi hành một cách âm thầm, giống như các chuyên viên hóa trang làm trong phim trường! Các chính trị gia không muốn đóng vai trò đó.
Khi những người lãnh đạo chỉ quan tâm đến chính trị thì hỏng. Chính trị bóp méo mọi chuyện, cùng một sự thật khách quan mà mọi người không thể nhìn giống nhau.
Trong mấy năm gần đây, ở Mỹ chuyện gì cũng bị chính trị hóa. Từ chuyện chúc mừng Lễ Giáng Sinh (phải tránh chữ Christmas, vì Christ nghĩa là Chúa Ky Tô), chuyện gọi một người da đen là da đen (phải gọi là người gốc châu Phi), cho đến chuyện có nên đeo mặt nạ che miệng để tránh truyền bệnh cho nhau hay không. Không ai có thể suy nghĩ và nói năng giản dị, thẳng tuột với nhau nữa vì nói gì, làm gì cũng có thể bị hiểu là có dụng ý chính trị!
Moshe Halbertal, một giáo sư triết học Hebrew University, nói rằng, “Một hệ thống chính trị muốn phát triển lành mạnh thì phải sử dụng những điểm quy chiếu từ bên ngoài.” Phải đồng ý có những thứ gọi là sự thật mà ai cũng công nhận. Phải cùng thẩm lượng cái gì đúng, là sai, là tốt hay xấu, theo những mục tiêu chung, những giá trị mà ai cũng đồng ý.
Hiện tượng nguy hiểm nhất là khi đã gắn cho ai một nhãn hiệu chính trị rồi, thì sẽ xét đoán người đó theo nhãn hiệu được gắn. Lúc nào cũng chia thế giới thành hai phe, phe mình và phe chúng nó! Phe mình nói gì cũng đúng; chúng nó làm gì cũng bậy. Rồi coi ai bất đồng ý kiến với mình là kẻ thù. Gán cho họ những tội lỗi tầy đình mà không cần đưa bằng chứng. Người ta mất thói quen kính trọng lẫn nhau. Sẵn sàng gắn cho “kẻ địch” những danh hiệu nhơ bẩn. Thay vì bắt mọi người phải suy nghĩ các vấn đề thực tế, người ta chỉ hô các khẩu hiệu được nhiều người tin theo.
Sau cơn bệnh dịch làm hơn 500 ngàn người chết (cao hơn số binh sĩ hy sinh trong các cuộc chiến tranh thế kỷ trước); sau khi 4 triệu gia đình mất điện rồi không có nước dùng, liệu các nhà chính trị có thay đổi hay không? Chắc là khó lắm. Chỉ người dân dùng lá phiếu mới có thể bắt họ thay đổi. Người dân có thể nhìn vào thực tế và đòi hỏi các nhà chính trị hãy đưa ra những giải pháp thực tế. Đừng chỉ hô khẩu hiệu suông và phỉ báng các đối thủ của mình. Tức là bớt làm chính trị.
Khi các nhà chính trị bớt “làm chính trị” thì họ sẽ thấy kinh tế thị trường rất ích lợi khi cần đối phó với những bất trắc. Nhiệm vụ của chính quyền là tiên liệu những tình huống khi bất trắc xảy ra, như một bệnh dịch, một cơn động đất, hay khí lạnh tràn về. Đặt ra luật lệ để tạo động cơ thích hợp, gồm những thưởng phạt, cho giới kinh doanh theo đó hành động. Đó là lo việc quản trị cuộc sống chung, như dân chúng đã ủy nhiệm cho họ.