Đường dẫn truy cập

Tất cả chỉ vì chuyện chính trị


Mất điện tại Fort Worth, Texas, 20 tháng Hai.
Mất điện tại Fort Worth, Texas, 20 tháng Hai.

Nước Mỹ được coi là quốc gia tiến bộ nhất thế giới, ít nhất trên các mặt kinh tế, khoa học, nghệ thuật quản trị. Nền y tế với những bác sĩ giỏi nhất, các bệnh viên có dụng cụ mới nhất, phát minh những thứ thuốc hiệu quả cao nhất.

Nhưng trong năm qua hơn 500 ngàn người chết vì bệnh dịch Covid-19, một phần năm số nạn nhân cả thế giới, mặc dù chỉ chiếm 4.5 phần trăm dân số toàn cầu. Sinh viên khắp thế giới tìm đến Mỹ học MBA về quản trị. Quản trị là phải biết tiên liệu, lập kế hoạch đề phòng. Tuần trước, 3, 4 triệu người bị mất điện, ở một tiểu bang 29 triệu dân, rồi sau đó trong nhà không có nước dùng. Phải công nhận đó là những thất bại lớn.

Tại sao lại thất bại như vậy?

Cách trả lời giản dị nhất là đổ tại ông Trời. Bệnh dịch là một thiên tai, cả thế giới cùng chịu. Không khí lạnh từ Bắc cực đột ngột đổ xuống miền Nam nước Mỹ cũng là một thiên tai. Khi đã đưa ông Trời ra chịu tội thì không ai trách nhiệm hết.

Người Việt Nam đã có kinh nghiệm này: “Mất mùa là tại thiên tai; được mùa là tại thiên tài Đảng ta.”

Thiên tai không tránh được. Nhưng thường người ta đề phòng. Người dân không thể một mình lo đề phòng thiên tai. Đó là việc chung của cả nước. Nạn lụt làm mùa màng hư hại là một thiên tai. Từ thời Hùng Vương, người Việt Nam đã đắp đê, đào sông ngòi, đề phòng lũ lụt. Sâu bọ, côn trùng tấn công ăn lúa cũng là một thiên tai. Chính quyền phải có bộ phận diệt trừ sâu bọ, dự trữ các loại thuốc, người và máy sẵn sàng xịt thuốc. Hạn hán cũng là một thiên tai. Phải lo dự trữ, vận chuyển nước cứu hạn. Sau mấy ngàn năm người Việt đã biết cần đề phòng chống thiên tai như thế nào. Nếu người cầm quyền không lo, để thiên tai phá mùa màng thóc lúa, thì họ chịu trách nhiệm.

Loài người đã lo phòng đỡ bệnh dịch suốt lịch sử. Có những viện nghiên cứu về bệnh dịch, các chuyên viên y tế lo trị bệnh dịch. Trong thế kỷ vừa qua bệnh dịch vẫn nổ ra mấy lần. Mỗi lần loài người lại có cơ hội học hỏi, rút kinh nghiệm. Cho nên các nước văn minh đều biết cách đề phòng các bệnh dịch, với những kế hoạch sẵn sàng. Nếu không ngăn ngừa, kiềm chế được bệnh dịch, thì chính quyền chịu trách nhiệm.

Nước Mỹ là liên bang, nên gặp một trở ngại khi phòng chống Covid. Theo hiến pháp, chính quyền ở Washington chỉ được phép lo những gì có liên quan đến nhiều tiểu bang thôi. Hồi xưa chính phủ Mỹ không có các bộ y tế, bộ giáo dục. Các tiểu bang, ai cũng lo bảo vệ quyền hạn của mình. Có những luật lệ ở một tiểu bang khác hẳn luật tiểu bang bên cạnh, khác với luật liên bang. Có tiểu bang kiểm soát súng gắt gao, có nơi cho tự do. Có tiểu bang đánh thuế tiêu thụ nặng, có nơi không đánh thuế. Có tiểu bang ấn định lương tối thiểu $15 đô la, có nơi chỉ có $7.50 đô la một giờ. Vì giá sinh hoạt cao thấp mỗi nơi khác nhau. Bắt tất cả theo cùng một luật có thể sẽ chỉ gây xáo trộn. Tất nhiên, các tiểu bang cũng cạnh tranh với nhau để thu hút dân từ nơi khác di cư tới, thu hút các đại học, các cơ xưởng về mở cửa ở chỗ mình.

Cơ cấu chính trị này bất lợi khi một quốc gia phải chống lại bệnh dịch. Ngay thời gian Covid theo một kế hoạch chung. Đã có cảnh một tiểu bang đặt mua một số dụng cụ dùng cho bệnh viện của mình, rồi bị một tiểu bang khác trả giá cao hơn mua trước mất. Có tiểu bang ra lệnh cấm cung sớm, bị tiểu bang khác cười chế nhạo là nhát quá! Riêng một việc đeo mặt nạ che miệng, ai cũng biết là hiệu quả tốt, mỗi nơi theo một chính sách riêng. Người tiểu bang này nuôi vi khuẩn, mang sang tiểu bang khác một cách vô tư!

Nhưng các loại vi trùng và vi khuẩn gây bệnh dịch không biết có biên giới quốc gia; càng không biết gì đến ranh giới giữa các thị xã, các thành phố. Những nhà chuyên môn về y tế biết như vậy, dù các nhà chính trị có thể bỏ qua. Đầu năm 2020, khi nghe tin có loài vi khuẩn lạ gây bệnh ở Vũ Hán, một công ty của hai bác sĩ người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định ngưng ngay việc nghiên cứu đề phòng bệnh ung thư mà họ đã theo đuổi trong nhiều năm, để quay sang chế tạo vaccine cho bệnh dịch mới. Công ty BioNTech đã đi bước đầu, hợp tác với công ty Pfizer bên Mỹ làm thuốc chủng.

Bởi vì giới y khoa biết rằng trong thời đại máy bay, mỗi ngày hàng chục triệu người di chuyển từ nước này sang nước khác, thế nào bệnh dịch cũng lan khắp thế giới. Không thể chỉ cấm người Trung Quốc bay vào nước mình mà không cấm người Nhật Bản, Nam Hàn, người châu Âu, dân Phi châu hay Nam Mỹ, cùng một lúc. Vì máy bay đã chuyên chở các vi khuẩn đi khắp mọi nơi.

Việc ngăn ngừa bệnh dịch là công việc của cả loài người. Các chính phủ phải làm việc chung. Cả thế giới phải có một tổ chức y tế công cộng. Ngay cả khi hai quốc gia đang đánh nhau, có bệnh dịch cũng phải hợp tác với nhau trong việc phòng bệnh, trị bệnh. Không quốc gia nào có thể tự cô lập, chỉ biết đến mình, khi loài người cùng phòng chống bệnh dịch. Cũng không một tiểu bang nào có thể một mình chống bệnh dịch.

Một người bạn tôi ở Texas, một bác sĩ, nhà bị mất điện. Khi có điện rồi thì không có nước dùng vì ống dẫn nước bị bể khi nước đóng băng. Anh cũng than về thái độ tự cô lập của tiểu bang trong việc cung cấp điện cho dân dùng. Anh nhắc đến câu “Không ai có thể là một hòn đảo cô lâp.”

Người dân Texas rất hãnh diện về sức mạnh của mình. Texas là một tiểu bang “vĩ đại.” Texas là thủ phủ của công nghiệp năng lượng, lớn nhất nước Mỹ. Trước đây vài chục năm tôi đã dự cuộc hội thảo mấy ngày ở một đại học trong Texas. Một bữa ăn tối, bữa ăn do tiền thuế của người dân Texas đài thọ, ông giáo sư ngồi bên cạnh hỏi tôi: “Anh nghĩ thế nào về Texas?” Tôi nói ngay: “Vĩ Đại!” Ông bạn đồng nghiệp rất vui, cụng ly rồi rủ ra ngoài hút thuốc. Chỉ nhìn riêng miếng thịt bò trong đĩa trước mặt đã thấy nó vĩ đại thật.

Hệ thống điện chính ở Texas đứng tự lập. Với một dân số lớn, họ thấy đủ sức cáng đáng, cung cấp cho số người tiêu thụ đông đảo của mình. Mạng lưới chuyển điện của các tiểu bang chung quanh được nối vào với nhau, có thể san sẻ với nhau khi nhu cầu nơi này lên cao bất ngờ, nơi khác dư diện không dùng đến. Texas không cần phải liên kết với ai cả. Vì vậy, khi cả hệ thống bị cơn lạnh tấn công, cùng bị sập, thì các tiểu bang chung quanh không thể nào tiếp tế.

Nhưng đó chỉ là một vấn đề kỹ thuật. Điều sơ hở lớn, là các hệ thống sản xuất điện và hơi đốt của tiểu bang lâu nay vẫn không lo việc đề phòng khí hậu lạnh. Bởi vì ít khi họ bị lạnh đến như thế. Xưa tôi ở Canada, nghe ông bạn ở Washington D.C. than trời tuyết phải nằm nhà, đường trơn trượt và máy xe hơi không nổ! Hỏi thêm mới biết mưa tuyết chỉ có hơn một inches, dưới 4 cm. Tôi ngạc nhiên: Chúng tôi vẫn bị mưa tuyết, nhiều trận 10 cm, 15 cm, mà vẫn sinh hoạt bình thường! Ở Canada, các xe hơi thời đó thường gắn một điện trở bọc quanh động cơ, mùa Đông cắm điện cho bộ máy được sưởi ấm, gọi là Block-heater. Hỏi xe anh có cái đó không, ông bạn hỏi lại “Block-heater là cái gì?”

Dân ở phía Nam không có thói quen phòng chống lạnh. Không thể trách họ không đề phòng. Nhưng năm 2011 Texas đã bị một cơn lạnh dữ dằn làm sinh hoạt tê liệt vì mất điện. Lúc đó, một cuộc nghiên cứu đã khuyến cáo tiểu bang phải lo đề phòng, lần sau có thể lạnh hơn. Đề phòng nghĩa là phải tốn tiền. Nếu chính phủ không bắt buộc thì các công ty điện và hơi đốt không làm! Các công ty năng lượng vẫn đóng góp nhiều nhất vào quỹ tranh cử của các nhà chính trị tiểu bang. Hôm Thứ Ba, 23 tháng Hai, toàn bộ Hội đồng Quản trị của công ty điện đã từ chức.

Một điều các nhà chính trị để ý đến, là bản khuyến cáo kể trên do chính phủ liên bang đưa ra. Nói đến chính quyền liên bang thì ai cũng ghét! Chính quyền đó lại khuyên người dân đề phòng lạnh gắt do lời tiên đoán khí hậu sẽ trở nên bất thường, vì bầu khí quyển đang bị khí Các bon hâm nóng lên. Nói đến lý giải đó thì không thể lọt tai dân Texas! Không ai tin. Các hãng dầu khí vẫn nói ngược lại.

Cũng vì không muốn dính đến mấy ông bà ở liên bang cho nên hệ thống điện Texas không muốn nối kết với mạng lưới của các tiểu bang khác. Khi mấy tiểu bang nối điện với nhau là các ông bà liên bang có quyền xía vô! Cái gì mà chính quyền liên bang xía vô thì chỉ làm “rách việc!”

Cuối cùng, tất cả chỉ vì chuyện chính trị. Nước Mỹ có nền y khoa tiến bộ nhất, kỹ thuât năng lượng cao nhất, lại chuyên đi dạy người ta về phương pháp quản lý. Nhưng khi các nhà lãnh đạo chỉ lo chuyện chính trị, không lắng nghe các giới chuyên môn, thì rách việc thật!

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG