Thiện Ý
Hôm nay nhân dịp năm hết Tết đến, Năm Canh Tý sắp qua, năm Tân Sửu sắp đến, chạnh lòng tôi nghĩ đến thân phận những người đang bị cầm tù vì đấu tranh ôn hòa cho mục tiêu dân chủ hóa Việt Nam. Trong đó hàng đầu, điển hình mới đây nhất là nhà báo độc lập, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, và hai người khác trong Hội Nhà Báo độc lập do ông đồng sáng lập, vừa bị kết án nặng nề hàng chục năm tù.
Tôi không rõ nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng sau khi bị kết án có còn bị giam giữ ở trại tù số 4 Phan Đăng Lưu? Đã ở phòng biệt giam hay tập thể nào như tôi từng ở cách nay hơn 40 năm (1978-2021)?
Nhớ lại, sau khi gặp và làm việc lần đầu tiên với viên Đội trưởng chấp pháp T.A.N phụ trách điều tra xét hỏi vụ án phản động Mặt trận nhân quyền Việt Nam (MTNQVN), tôi đã đón mừng Giáng sinh đầu tiên trong bốn bức tường biệt giam số 6 nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu. Sau đó, vào khoảng tháng 1 năm 1979, tôi bị còng tay, bịt mắt đưa lên xe bịt bùng, chở qua một biệt giam mà sau đó được biết là biệt giam số 9 trại giam công an Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM).
Khu biệt giam là hai dãy biệt giam đối mặt cách nhau khoảng 3 mét, đánh số từ 1 đến 24, số lẻ bên phải, số chẵn bên trái. Tôi ở biệt giam số 9. Toàn khu biệt giam chìm trong bóng tối âm u, không có ánh mặt trời, chỉ có ánh sáng lờ mờ hắt ra từ những bóng đèn nhỏ trên trần bê tông cốt sắt, cạnh lỗ lưới thông hơi, đủ ánh sáng cho tù lao động đưa thức ăn hàng ngày cho tù nhân qua cửa gió, hay công an quản lý trại giam mở cửa sắt biệt giam dẫn tù đi gặp chấp pháp để làm việc (hỏi cung).
Tôi bị giam ở đây khoảng một tháng để làm việc với chấp pháp và đón Tết đầu tiên tại biệt giam số 9 trại giam công an TPHCM. Thực ra Tết đối với một người tù như tôi lúc đó, chỉ khác hơn ngày thường là nghe thấy tiếng pháo đón Giao thừa nổ đì đùng, gần xa. Gần nhất là tiếng pháo do công an nơi giam giữ tù nhân đốt và những bản nhạc “cách mạng (Đỏ)” ca ngợi Mùa Xuân nặng tính tuyên truyền như “Đảng đã cho ta mùa xuân” của Phạm Tuyên, con của Thượng Thư Phạm Quỳnh bị Việt Minh cộng sản thủ tiêu năm 1945 vì bị coi là “phản động”. Nhưng nay, người con làm nhạc ca ngợi kẻ đã giết cha mình vì “giác ngộ cách mạng” hay tìm cách ẩn mình tìm chốn an thân?
Mặt khác, Tết cũng có khác hơn ngày thường, là tù nhân trong ba ngày Tết, ngoài bo bo hay bánh bao (bột mì hấp không bột nổi, khô cứng) được thêm món ăn mặn như thịt (ít) kho mặn với củ cải (nhiều) và món rau muống hay cải xanh nấu canh hay xào với thịt heo (ít), tóp mỡ (nhiều)…
Điều đặc biệt khác nữa là tôi và có lẽ nhiều tù nhân khác, cận ngày Tết đã nhận được quà thăm nuôi để có được những món ăn ngày Tết như mứt, bánh chưng, bánh tét, thịt kho trứng nước dừa… Riêng tôi cho đến cái Tết đầu tiên trong tù này nhận được quà nuôi hàng tháng, song vẫn chưa được gặp mặt thăm của gia đình; tính ra đã khoảng 4 tháng kể từ ngày bị bắt. Phải đợi gần một năm sau mới được gặp mặt lần đầu, gồm Mẹ, vợ và hai con gái nhỏ, đứa bốn tuổi, đứa hai tuổi và một con trai mới chập chững biết đi. Vì khi tôi bị bắt (10-1978) cháu còn đang trong bụng mẹ. Đây cũng là lần thăm gặp mặt duy nhất trong suốt thời gian hai năm ngồi tù tại các trại giam Phan Đăng Lưu, công an TPHCM, Chí Hòa, trước khi đưa đi tù lao động cải tạo tại trại tù Z.30D, Hàm Tân, Thuận Hải. Nơi đây tôi “ăn” cái Tết thứ ba trong tù trước khi được trả tự do.
Sau khi ổn định chỗ ở tù, tôi bắt đầu được gọi đi làm việc liên tục mỗi ngày vào buổi sáng hay buổi chiều, đôi khi vào buổi tối. Hai công an chấp pháp thay nhau hỏi cung tôi đều là người Bắc, trạc tuổi tôi (lúc đó là 34 tuổi). Trong lần làm việc đầu tiên, một người tự giới thiệu tên Nguyễn Hy, dáng cao gầy, khuôn mặt xương xương, nước da trắng xanh như người bị bệnh sốt rét. Người kia tên Thái Hòa, tướng mập mạp, tầm thước, khuôn mặt đầy đặn, nước da bánh mật, sắc diện hồng hào. Sau phần tự khai lý lịch cá nhân, tự khai về vai trò và các hoạt động của tôi trong tổ chức MTNQVN, họ bắt đầu hỏi cung, đặt ra những câu hỏi chính yếu chỉ với mục đích qua lời khai của tôi, bắt thêm nhiều người đã tham gia MTNQVN. Tất nhiên, với kiến thức, kinh nghiệm của một luật sư, tôi đã làm thất bại ý đồ này của những chấp pháp mà tôi đánh giá ở trình độ học trò tôi về mặt nghiệp vụ điều tra tư pháp. Quả thật, tôi đã qua mặt được hai anh công an chấp pháp không mấy khó khăn.
1 - Câu hỏi liên quan đến những người tôi đã tiếp xúc, kết nạp vào tổ chức
Vì trước khi bị bắt, tôi đã nghi ngờ, tìm cách xác minh và biết rõ tổ chức đã bị công an gài người là Q.T., Ủy viên Tổ chức của MTNQVN. Tôi đã vượt biên đào thoát thất bại, bị bắt (22-10-1978). Do đó, tôi chỉ khai những người tôi liên hệ mà Q.T. cũng biết, như Chủ tịch MTNQVN (Gs Nguyễn Đình Phượng…) các Ủy viên trung ương từng họp chung. Tất cả để công an tin là tôi đã “thành thật khai báo”, để dễ che dấu những gì cần che dấu. Như để bảo vệ an toàn cho những người do tôi trực tiếp xây dựng cơ sở, mà đã không báo cáo cho Ủy viên Tổ chức MTNQVN là Q.T. nằm vùng biết. Nghĩa là đường dây của tôi vẫn an toàn, ngoài tôi bị bắt, chỉ có một người khác cũng bị bắt. Sau tôi được biết, gặp lại trong tù khi đi lao động, cùng Đội 34, là anh Trịnh Hồng Thanh (có gặp lại anh ở Houston cách nay khá lâu). Anh Thanh do tôi giới thiệu tham gia nhiệm vụ Ủy viên Trung Ương đặc trách liên lạc tôn giáo, mà Q.T. cũng biết vì đi họp chung.
2 - Những tài liệu của MTNQVN do tôi viết có ai cùng viết hay gợi ý, góp ý?
Tôi khai với chấp pháp tất cả tài liệu do một mình tôi viết cho MTNQVN như (1) Tuyên ngôn Nhân Quyền Việt Nam 1977; (2) Chính cương và sách lược đấu tranh của MTNQVN; (3). Điều lệ Nội quy hoạt động của MTNQVN; (4) Tài liệu nghiên cứu lý luận: Thế chiến lược toàn cầu mới của các cường quốc cực (Sau này đến Mỹ ấn hành lần đầu 1995 thành cuốn “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc tế mới của các cường quốc cực”)
Sau khi nghe nhìn nhận tất cả tài liệu trên đều do tôi viết, không có ai gợi ý, góp ý, chấp pháp đã yêu cầu tôi viết lại toàn bộ các tài liệu này. Người chấp pháp thứ ba làm việc với tôi sau đó, tên Quyết, trẻ hơn tôi, khoảng dưới 30 tuổi, người gốc Miền Nam. Nhưng anh này chỉ có nhiệm vụ hàng ngày đem giấy bút cho tôi ngồi viết lại tài liệu. Tôi đã viết lại một cách say sưa quên thời gian, đến độ có lúc anh công an chấp pháp tên Quyết phải nhắc nhở: “Tôi thấy anh làm việc căng quá. Thôi anh nghĩ viết đi và trao đổi với tôi một chút cho thư giãn…”
3 - Ai đánh máy tài liệu cho anh?
Sự thực là vợ tôi đã đánh máy các tài liệu tôi viết. Vì nhà ở chung cư, nên tiếng máy đánh chữ các nhà lân cận tầng trên, tầng dưới đều nghe thấy hết. Do đó thỉnh thoảng tôi phải làm bộ đọc lớn tiếng một đoạn giáo án dạy học để người nào nghe được sẽ nghĩ rằng vợ tôi đang dánh giáo án cho tôi. Nhưng tôi đã khai là tất cả tài liệu tôi viết đều nhờ thầy tôi là luật sư Trần Tân Thái, nhà ở cư xá Lê Đại Hành, gần trường đua ngựa Phú Thọ, đánh máy dùm. Tôi khai như vậy, vì trước khi vào tù tôi đã biết rõ “Maitre” Thái đã vượt biên thoát cùng với gia đình Ls Nguyễn Đình Phương (hiện ở California).
Như vậy là cả ba loại câu hỏi chính yếu trên tôi đều qua mặt được hai công an chấp pháp. Đúng như sau này, khi kết thúc hồ sơ điều tra xét hỏi toàn vụ án MTNQVN, viên Đội trưởng chấp pháp tên T.A.N. nói với tôi:
- Khi mới bắt anh, phân công cho các đồng chí làm việc với anh, có đồng chí đã tránh né, không muốn làm việc với anh.
- Tại sao vậy? Tôi hỏi lại.
- Vì họ biết anh từng là luật sư trong chế độ Sài Gòn, nên họ ngại.
Cuộc trao đổi có vẻ thân tình trên là vào thời điểm sau khi đã kết thúc điều tra toàn bộ vụ án MTNQVN. Nhưng là hệ quả do trước đó đã có những biến chuyển tình cảm khó tin mà có thật xảy ra giữa tôi, một tên tù phản động, với viên Đội trưởng công an làm nhiệm vụ chấp pháp. Người mà trong niềm tin tôn giáo tôi nghĩ là một ân nhân mà Chúa quan phòng đã gửi đến để cứu tôi. Vì sau khi hồ sơ vụ án kết thúc khoảng 2 năm sau ngày bị bắt, tôi được đưa từ nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu trở lại công an TPHCM lần thứ hai. Lần này tôi không bị còng tay và bịt mắt, được xe La Dalat chở đưa vào phòng giam tập thể, ở chung với một số khoảng 5 người tù, gốc cán bộ đảng viên bị tù vì tham ô. Điều lạ là họ cũng như tôi được ăn cơm, thức ăn lấy từ nhà ăn tập thể, thay vì bo bo hay bánh bao, canh rau muống vốn là đồ ăn phổ biến của tù. Thỉnh thoảng tôi lại nhận được đường, sữa, trái cây nói là của bạn gửi cho.
Lúc đó tôi nghĩ có lẽ là của N.C.D, người bạn thân đảng viên cộng sản con nhà nòi mà tình bạn kết thân từ thời sinh viên mà tôi đã đề cập trong một bài viết trước đây trên diễn đàn này của VOA (Thư Xuân viết về và viết cho người bạn thân, một đảng viên cộng sản chân chính), gởi cho.
Sau một tháng ăn bồi dưỡng, tôi được dẫn đến phòng làm việc gặp Đội trưởng chấp pháp T.A.N. Anh nói cho biết tội của tôi nếu đem ra tòa xét xử thì ít nhất cũng 10 năm tù. Nhưng xét lý lịch tốt, có cha đi kháng chiến chống pháp, trở về thành ở lại Miền Nam sau Hiệp định Genève 1954, nhưng không cộng tác với địch. Bản thân thuộc thành phần lao động nghèo phấn đấu vương lên. Sau 1975 công tác có thành tích tốt trong ngành giáo dục, được xây dựng tạo điều kiện cho vào Đảng nhưng đã đánh mất cơ hội, lại dại dột sai lầm chống lại Đảng; gia cảnh một mẹ già, vợ trẻ và đàn con nhỏ dại… nên lãnh đạo quyết định áp dụng biện pháp hành chánh với tôi; là tập trung lao động cải tạo 3 năm, tính từ ngày bị bắt. Đội trưởng chấp pháp nói “Tôi đưa anh về đây bồi dưỡng một tháng tính chuẩn bị cho anh về sớm. Vì tôi có đề nghị lên trên cho anh về sớm trước một năm. Nhưng lãnh đạo không đồng ý. Vậy anh gắng đi lao động cải tạo thêm một thời gian. Hãy cố gắng lao động học tập tốt. Tôi sẽ tìm cách thả cho anh sớm về đoàn tụ với gia đình, nếu có cơ hội…”
Nghe viên Đội trưởng chấp pháp nói vậy, tôi rất vui và có phần ngạc nhiên. Tôi không rõ do động lực gì mà viên Đội trưởng này làm như vậy. Sau khi ra tù vợ tôi cho hay có lần anh T.A.N đến thăm có nói “Tôi thương anh Thắng lắm, vì anh cùng cảnh ngộ như tôi.” Đến lúc này tôi vẫn không biết cảnh ngộ đó là gì. Nhớ lại, trước đó có đôi lần viên Đội trưởng này cho gọi tôi đến gặp làm việc. Nhưng không hỏi gì về vụ án mà chỉ hỏi thăm sức khỏe của tôi và cuộc sống trong tù. Anh cho biết có đến thăm gia đình tôi và cho tin mẹ, vợ con tôi vẫn khỏe; rồi khuyên tôi cứ an tâm cải tạo cho tốt để được xét khoan hồng cho về sớm. Sau mỗi lần gặp, anh đều cho tôi viết thư cho gia đình để anh chuyển trực tiếp, không qua trại giam. Tôi nhớ một lần, sau khi hỏi thăm tình hình sức khỏe, cuộc sống nơi trại giam như thường lệ, anh tâm sự: “Anh có biết tôi có được chỗ ngồi như hôm nay là đã phải trải qua biết bao sự cay đắng không?”
Tôi hơi ngạc nhiên, thận trọng, hoài nghi, đề phòng cái bẫy hỏi cung để khai thác ở tôi điều gì đây. Tôi cố giữ bình thản nhìn thẳng vào mắt anh như chờ đợi một lời giải thích hơn là dám góp ý bàn thêm theo chiều hướng nói xấu chế độ mà anh vừa gợi ý. Sau một lúc im lặng, nghiêng mặt đi hướng khác, tránh cái nhìn thẳng vào mắt anh của tôi, anh nói như giải thích: “Chỉ vì vợ tôi là con địa chủ mà tôi đã bị trù dập”.
“Anh tưởng tôi có chỗ ngồi thế này là vợ con tôi ở ngoài Bắc sướng lắm à? - Vợ con tôi phải mặc quần vá mo vá đụp”. Rồi anh tự giải thích: “Anh nghĩ xem, mỗi năm cấp cho tem phiếu chỉ cho mua ba bốn mét vải thì làm sao không mặc quần vá mo vá đụp…”
Sau lần đưa tôi trở lại công an TPHCM lần thứ hai, được bồi dưỡng một tháng tính thả theo đề nghị của Đội trưởng chấp pháp T.A.N không thành, tôi được đưa trở về nhà tù số 4 Phan Đăng lưu, ở phòng tập thể số 5 Khu C.2, đối diện với dãy biệt giam nơi tôi đã sống nhiều ngày tháng tai biệt giam số 6.
Nhớ lại, khi mở khóa cửa sắt buồng giam tập thể số 5 đưa tôi vào, anh em tù bu quanh hỏi dồn dập “mới bị bắt, mới bị bắt à? Tội gì vậy, tội gì vậy?". Tôi thản nhiên, vui vẻ trả lời:
- “ 17 tháng 20 ngày biệt giam, tội phản động…”.
- Sao còn tươi thế” (vì thấy tôi vẫn nụ cười trên môi, như bạn bè thường nói thấy tôi là thấy nụ cười)
- Vào đây không tươi thì héo à? (Tôi đáp lại).
Vì vào tù tôi đã chấp nhận như một cuộc sống mới. Tôi vẫn cố gắng sống theo định thức luyện ý chí từ thuở thiếu thời: “Hãy sống tích cực với hiện tại, để không bao giờ phải ân hận với quá khứ, luôn luôn lạc quan tin tưởng hướng về tương lai”. Tôi đã sống tích cực với hiện tại trong nhà tù như một giai đoạn cuộc đời; bằng một lịch sinh hoạt phù hợp trong một ngày, một tháng và cả năm thế nào cho hết thời gian trong 4 bức tường biệt giam một cách hữu ích cho sức khỏe, tinh thần, ý chí nghị lực..
Tôi đã sống trong buồng giam tập thể số 5 ít tháng, ăn cái Tết thứ hai trong tù. Sau đó được chuyển qua trại giam Chí Hòa, cùng một số anh em bạn tù khác, trong đó có linh mục Nguyễn Văn Vàng bị án chung thân vì tham gia thành lập và hoạt động trong Mặt Trận Liên Tôn, với căn cứ Phụng Thiên ở Long Khánh và được suy tôn là Quốc Trưởng Việt Nam lâm thời. Còn bào đệ của Cha Vàng là Thiếu tá Dù Nguyễn Văn Viên thì lãnh án tử hình vì được tổ chức đề cử Thủ tướng Chính phủ quốc gia lâm thời. Chúng tôi sống chung với Cha Vàng ở Phòng 11 Khu F, nhà tù Chí Hòa khoảng một tháng thì được xe tải chở cùng nhiều anh em tù nhân khác, trong đó có anh Trịnh Hồng Thanh cùng chung vụ án MTNQVN với tôi, đến trại tù lao động cải tạo Z.30D, Hàm Tân, Thuận Hải. Nơi đây tôi ăn Tết thứ ba trong tù trước khi được thả vào cuối năm 1981.