Tháng rồi, xuất khẩu Trung Quốc giảm mạnh 20%, làm tăng thêm quan ngại rằng Bắc Kinh có thể kéo kinh tế thế giới đi xuống nhanh hơn mức dự đoán trước đây. Các nhà kinh tế cho biết họ cũng lo lắng rằng Trung Quốc đang trì trệ nghị trình cải cách mà tập trung quá nhiều sự chú ý vào nhu cầu cấp thời phải đảm bảo công ăn việc làm và duy trì ổn định xã hội.
Các vấn đề này nổi lên hàng đầu nghị trình làm việc tuần này khi các giới chức ở Trung Quốc mở cuộc họp chính trị cao cấp ở Bắc Kinh. Dù chính thức nhìn thẳng sự thật về ‘cuộc chiến cam go’ mà Bắc Kinh đối diện, tâm điểm tập trung dường như vẫn nhắm vào các bước cẩn trọng để duy trì tăng trưởng kinh tế, theo đánh giá của giới phân tích.
Ông Julian Evans-Pritchard, một kinh tế gia Trung Quốc thuộc Capital Economics, nói ‘Lo lắng tức thời của giới lãnh đạo Trung Quốc là thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trong ngắn hạn.’ Vì vậy, vẫn theo lời ông, Bắc Kinh sẽ không tiến hành bất kỳ động thái tái cơ cấu lớn nào có thể gây ra tình trạng tinh giảm nhân công dẫn tới bất ổn xã hội.
Ông Julian nói ‘Chính phủ Trung Quốc thà duy trì các doanh nghiệp công làm ăn kém hiệu quả hơn là mạo hiểm gây ra tình trạng mất công ăn việc làm.’
Nguyên nhân trì trệ kinh tế
Trong báo cáo hôm qua, Ngân hàng Thế giới cho rằng tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc và tại các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á đang gây ra tình trạng suy thoái.
Bắc Kinh không đồng tình với quan điểm này. Trong diễn văn trước Quốc hội, Thủ tướng Lý Khắc Cường lập luận rằng chính tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm làm ảnh hưởng tới kinh tế Trung Quốc, chứ không phải là chiều ngược lại.
Ông Lý chỉ ra rằng Trung Quốc tiếp tục là một nước đóng góp quan trọng cho kinh tế thế giới và khẳng định kinh tế Trung Quốc sẽ không trượt dốc mạnh như các chuyên gia dự đoán. Ông Lý tuyên bố tăng trưởng kinh tế năm nay dự kiến từ 6,5% đến 7%.
Phát biểu này được xem như là một tín hiệu đối với các thị trường tài chính hiện đang hoang mang về một cú giảm mạnh của kinh tế Trung Quốc.