Đường dẫn truy cập

Mức tăng GDP thời ông Nguyễn Phú Trọng đứng ở giữa trong 5 đời tổng bí thư từ 1986


Biểu đồ của Ngân hàng Thế giới (WB) về tăng trưởng của Việt Nam từ 1985-2023.
Biểu đồ của Ngân hàng Thế giới (WB) về tăng trưởng của Việt Nam từ 1985-2023.

Trong 3 nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người mới qua đời hôm 19/7, tốc độ tăng trưởng Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Việt Nam kém thời hai vị tiền nhiệm là Đỗ Mười và Nông Đức Mạnh, nhưng tốt hơn thời của hai ông Lê Khả Phiêu và Nguyễn Văn Linh.

Việt Nam bắt đầu chính sách cải cách nền kinh tế và mở cửa đất nước với các đối tác bên ngoài khối cộng sản từ năm 1986, thường được gọi là công cuộc “Đổi Mới”.

Kể từ đó đến nay, đất nước nơi đảng cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo đã có 5 vị tổng bí thư khác nhau gồm các ông Nguyễn Văn Linh từ tháng 12/1986 đến tháng 6/1991, Đỗ Mười 6/1991-12/1997, Lê Khả Phiêu 12/1997-4/2001, Nông Đức Mạnh 4/2001-1/2011 và Nguyễn Phú Trọng 1/2011-7/2024.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy trong 13 năm ông Trọng là người đứng đầu đảng cộng sản, nắm quyền quyết sách, không kể các tháng trong năm 2024 cho đến khi ông qua đời, tỷ lệ tăng GDP của Việt Nam ghi nhận các mức thấp nhất là 2,6% hồi năm 2021 do Đại dịch COVID-19, cao nhất là 7,5% vào năm 2018 và trung bình là 6% cho cả giai đoạn 2011-2023.

Mức trung bình đó thấp hơn so với tỷ lệ bình quân thời hai Tổng Bí thư Đỗ Mười và Nông Đức Mạnh.

Việt Nam đạt tăng trưởng GDP trung bình lên tới 8,75% khi ông Đỗ Mười nắm quyền, đây cũng là mức cao nhất trong 5 đời tổng bí thư trong giai đoạn Đổi Mới. Từ 1992 đến 1997, tốc độ phát triển kinh tế đều cao hơn 8,1%, đặc biệt là năm 1995 ghi nhận mức tăng 9,5%, cao nhất so với mọi thời đại.

Trong nhiệm kỳ của ông Nông Đức Mạnh, tỷ lệ tăng GDP của Việt Nam đạt bình quân là 6,6%, bao gồm cao nhất là 7,5% vào năm 2004 và mức thấp nhất là 5,4% trong năm 2009.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng chung trong thời ông Nguyễn Phú Trọng cao hơn những nhiệm kỳ của hai ông Lê Khả Phiêu và Nguyễn Văn Linh.

Khi ông Phiêu cầm quyền chỉ kéo dài chưa đến 3 năm rưỡi, GDP của Việt Nam có các mức tăng từ 4,8%-6,8% và trung bình là 5,8%. Giai đoạn này, Việt Nam bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Về nhiệm kỳ của ông Linh, vị tổng bí thư trong những năm đầu của Đổi Mới, do xuất phát điểm của kinh tế Việt Nam rất thấp sau những năm tháng chiến tranh, có nhiều sai lầm trong điều hành kinh tế của hàng chục năm trước đó, và độ mở cửa của đất nước chưa rộng rãi, nên tỷ lệ tăng GDP trung bình chỉ là 5,44%, bao gồm mức thấp nhất là 3,6% của năm 1987 và cao nhất là 7,4% hồi năm 1989.

Đánh giá về tốc độ tăng GDP của Việt Nam không mấy mạnh mẽ trong 3 nhiệm kỳ tổng bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước đăng trên báo chí Việt Nam nói rằng đất nước đã chuyển sang giai đoạn còn ít dư địa để phát triển nhanh, có nguy cơ bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình, đòi hỏi phải cải cách thể chế, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, cũng như phải chuyển sang tăng trưởng dựa trên đổi mới-sáng tạo.

Một báo cáo của 3 bên gồm Việt Nam, Australia và Ngân hàng Thế giới đưa ra hồi tháng 12/2023 viết rằng tăng trưởng dựa trên giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đã đến điểm bão hòa. Việt Nam giờ đây mất dần lợi thế so sánh về chi phí lao động thấp và phân khúc giá trị thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Vẫn báo cáo nói rằng độ mở nền kinh tế lớn khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước chiến tranh thương mại và bảo hộ tại các thị trường trọng điểm của Việt Nam. Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số sẽ khiến lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề do mất việc làm, là hệ quả của sự xuất hiện công nghệ tiết kiệm sức lao động.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG