Ngày Thứ Hai 19 tháng Bảy, Bộ Tư pháp Mỹ truy tố ba nhân viên Bộ Công An Cộng sản đã ăn cắp (hacking) các thông tin thương mại và tài sản tri thức của các công ty Mỹ từ năm 2011 đến 2018 để cung cấp cho các xí nghiệp bên Trung Quốc. Trong cùng ngày, ba cơ quan an ninh Mỹ cùng công khai trình bày 50 chiến thuật và kỹ thuật của các tin tặc do chính quyền Trung Cộng sử dụng.
Cơ quan An ninh Quốc gia, Cơ quan Điều tra Liên bang và Cơ quan An ninh Mạng và Hạ tầng Cơ sở tiết lộ rằng tin tặc Trung Cộng là thủ phạm vụ tấn công trên máy chủ cùng các nhu liệu dùng cho email của công ty Microsoft hồi tháng Ba năm nay. Nhân viên Bộ Công an Trung Cộng ở đảo Hải Nam đã lập ra một công ty “an ninh mạng” với mục đích ăn cắp trong hệ thống vi tính, nhắm vào hàng chục mục tiêu gồm các xí nghiệp, trường học, và cơ quan ở Mỹ, Áo (Austria), Cam Pu Chia (Cambodia) và nhiều nước khác. Trong số đó có các viện nghiên cứu ở California và Florida đang tìm tòi về thuốc chủng (vaccines) và thuốc trị bệnh Covid-19; một Đại học ở Pennsylvania đang nghiên cứu về máy tự động (robotics); Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH); một công ty hóa học ở Thụy Sĩ và hai bộ trong chính phủ Saudi Arabia!
Trước đó, ngày 3 tháng Sáu, Tổng thống Biden ký một nghị định (executive order) bổ túc một quyết định cựu Tổng thống Donald Trump ban hành tháng Mười Một năm ngoái. Các nghị định này kiểm soát việc công dân Mỹ mua chứng khoán của các công ty Trung Cộng liên hệ với các bộ quốc phòng, an ninh và quân đội Trung Cộng. Nghị định mới đặc biệt ghi thêm các công ty chuyên về kỹ thuật theo dõi và kiểm soát dân chúng, được dùng để đàn áp dân thiểu số ở Tây Tạng và Tân Cương.
Hai hành động trên đây được báo đài loan tin sôi nổi nhưng không ảnh hưởng bao nhiêu trên kinh tế Trung Cộng. Nước Mỹ cần một chiến lược toàn diện trong cuộc chạy đua kinh tế với Trung Cộng.
Từ khi nhậm chức, ông Joe Biden đã nhắc lại nhiều lần rằng cuộc tranh hùng giữa Mỹ và Trung Cộng mang tính cách ý thức hệ. Hai nước theo hai mô hình xã hội đối nghịch, Dân chủ và Độc tài Đảng trị. Cả hai đang chứng minh cho cả thế giới thấy hệ thống chính trị nào mang lại hạnh phúc cho người dân nhiều hơn.
Nhưng trong sáu tháng qua, chính phủ Biden mới chỉ thi thố những đòn kinh tế nhỏ. Ông Biden không bãi bỏ các sắc thuế mà ông Trump đã đánh trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc. Các món thuế này thực ra chỉ khiến dân Mỹ phải chịu giá cao hơn nhưng không gây hậu quả nào đáng kể trên cán cân mậu dịch của Mỹ hay Trung Cộng. Nhưng Bà Catherine Tai (Đới Kỳ), đóng vai chính về ngoại thương, giải thích rằng đó là một đòn bẩy để sử dụng khi cần, không nên bỏ!
Ông Biden vẫn giữ nguyên các chính sách ngăn chặn Trung Cộng của ông Trump cũng vì dư luận đại đa số dân chúng Mỹ hoàn toàn chống Trung Cộng. Các nhà chính trị chiều theo ý dân, không những qua những lời tuyên bố mà còn thi triển trong các hành động, dù hậu quả không lớn.
Quốc hội Mỹ cũng dẫn đầu cuộc tấn công Trung Cộng về mặt kinh tế. Trong tuần trước, Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Mỹ thông qua dự thảo “Luật Diều Hâu” (Eagle Act) nhắm trừng phạt Trung Cộng vì đàn áp dân Uygur; có thể đưa đến việc cấm không được nhập cảng các thứ hàng hóa phát xuất từ tỉnh Tân Cương. Dự luật này yêu cầu chính phủ Mỹ tăng gia quan hệ với Đài Loan, và yêu cầu các viên chức không đi dự Thế Vận Hội năm 2022 ở Bắc Kinh.
Ngày hôm trước, Thượng viện Mỹ đồng thanh thông qua dự luật “Ngăn chặn Cưỡng bách Lao động người Uygur” (Uygur Forced Labour Prevention Act). Dự luật này coi tất cả các thứ hàng sản xuất ở Tân Cương đều dính líu đến chủ trương cưỡng bách lao động. Tất cả bị cấm đem vào Mỹ, trừ khi các công ty nhập cảng chứng minh được điều ngược lại.
Bên cạnh những cuộc tấn công nhỏ về kinh tế, chính quyền Biden đang mở một mặt trận lớn liên kết với các nước đồng minh. Các nước trong Liên hiệp Âu châu (EU) và nước Anh đều kết án tin tặc Trung Cộng tấn công hệ thống email của công ty Microsoft mà hàng trăm ngàn các công ty nhỏ khắp thế giới đang sử dụng. Trong ngày Thứ Hai, khối NATO đồng ý với bản lên án tin tặc Trung Cộng của Mỹ.
Một nỗ lực ngoại giao của chính phủ Mỹ là liên kết các quốc gia Á châu và Thái Bình Dương đang bị Trung Cộng nhòm ngó. Hành động mới nhất là thiết lập các quy tắc khi các dữ kiện điện tử, tin học được mua bán giữa các quốc gia (digital trade). Năm ngoái, các nước Singapore, New Zealand và Chile ký một thỏa ước (Digital Economy Partnership Agreement) về vấn đề này, bao gồm các quy tắc bảo mật, dòng chuyển dữ kiện, và thủ tục trả tiền khi mua bán. Các nước Nam Hàn và Canada đang chuẩn bị tham dự.
Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) đang đề nghị các nước đồng minh ở Á châu và Thái Bình Dương cùng ký kết một thỏa ước như trên, nhưng không mời Trung Cộng. Ông Kurt Campbell thuộc NSC nói rằng nước Mỹ phải tái lập vai trò lãnh đạo ở Á châu để qua thỏa ước này ấn định các tiêu chuẩn quốc tế trong các lãnh vực dữ liệu tin học và trí khôn nhân tạo. Trong thỏa ước sẽ có những điều khoản giống như trong hiệp ước Mỹ đã ký với Canada và Mexico, trong đó một chương liên quan đến tin học. Chính quyền Trung Cộng sẽ bị cô lập vì chế độ độc tài đảng trị không thể nào chấp nhận các quy tắc bảo đảm tự do trong một thỏa ước như thế.
Đây sẽ là bước tiến liên kết các nước Á châu và Thái Bình Dương, giống như thỏa ước TPP (Trans-Pacific Partnership) trước đây. Sau khi Tổng thống Donald Trump rút ra khỏi thỏa ước này, 11 quốc gia khác vẫn ký kết với nhau dưới tên gọi khác. Trong tuần qua, bà Jacinda Ardern, thủ tướng New Zealand, đã yêu cầu Mỹ quay trở lại với TPP nhưng chắc chắn các nghị sĩ Cộng Hòa trong Thượng viện sẽ ngăn cản việc này.
Ngoài các nước Á châu, chính phủ Biden cũng liên kết lại với các đồng minh Âu châu để củng cố mặt trận chống Trung Cộng. Mỹ đã chấm dứt cuộc tranh chấp kéo dài 17 năm với các nước Âu châu, xóa bỏ các sắc thuế đánh trên máy bay Airbus,. Ông Biden cũng chiều ý chính phủ Đức, ngưng chống đối việc xây dựng ống dẫn dầu khí Stream 2 đưa khí đốt từ Nga qua Đức. Việc chống đối cũng vô ích vì dự án đã hoàn tất 95%.
Những nhượng bộ tượng trưng này vẫn có kết quả. Nghị viện Âu châu đã ngưng không phê chuẩn bản hiệp ước về đầu tư với Trung Cộng. Tháng Ba vừa qua, lần đầu tiên Liên hiệp châu Âu, Anh quốc, Canada cùng ban hành lệnh cấm vận trên các viên chức Trung Cộng vì chính sách cưỡng bức lao động ở Tân Cương. Các nước trong khối G-7 và NATO cùng tuyên bố Trung Cộng là mối đe dọa cho cả thế giới. Cả Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in cũng nhượng bộ Mỹ khi chịu nêu vấn đề an ninh của Đài Loan trong một bản thông cáo chung, sau khi Mỹ đồng ý đóng góp vào việc chỉnh trang căn cứ quân đội Mỹ ở Seoul.
Mỹ vẫn tiếp tục đánh vào lãnh vực yếu nhất của Trung Cộng, là các chất bán dẫn nhập cảng, đặc biệt là những thứ chíp tân tiến mà họ vẫn phải đi mua.
Trong tuần trước, chính phủ Anh quốc ngăn cản Nexperia, một công ty Trung Cộng, không cho mua công ty Newport Wafer Fab ở Wales. Đó là công ty làm chất bán dẫn, một thứ phụ phẩm hiện đang khan hiếm nhưng cần thiết trong tất cả các thứ dụng cụ, máy móc, xe cộ có bộ phận vi tính. Nhiều người Anh phản đối lệnh cấm này, vì công ty Newport Wafer chỉ chế tạo những thứ chip rẻ tiền và dễ làm nhất; đồng thời các chủ nhân công ty hiện không thấy một đồng lời nào cả. Nhưng dưới áp lực của dư luận chống Trung Cộng, Thủ tướng Boris Johnson đã yêu cầu xét lại vụ mua bán này, dựa trên bộ luật mới ban hành về “Luật An ninh Quốc gia và Đầu tư” nhắm không cho các nước độc tài đầu tư vào một số ngành tại Anh quốc.
Chính phủ Biden đã yêu cầu Hòa Lan không cho phép bán cho Bắc Kinh bộ máy dùng để sản xuất những loại chíp cao cấp có khả năng mạnh gấp vạn, gấp triệu lần các con chíp thông dụng gắn trong các máy điện thoại hoặc tủ lạnh cho đến xe hơi. Ngày 18 tháng Bảy, Phó giám đốc An ninh Quốc gia Charles Kupperman đã gặp Thủ tướng Hòa Lan Mark Rutte, trình bày các bản phúc trình của tình báo Mỹ về những nguy hiểm nếu Trung Cộng nắm được kỹ thuật của loại máy do Công ty ASML sản xuất.
Bộ máy nặng 180 tấn, giá $150 triệu đô la, Intel, Samsung, Apple, TSMC của Đài Loan, vân vân, đều mua dùng. Trong năm nay ASML sản xuất 42 bộ máy, sang năm sẽ làm thêm 55 bộ nữa. Nhưng cho tới nay, Trung Cộng chưa được mua một bộ máy tối tân nào, mặc dù vẫn được mua các loại máy loại cũ, tổng cộng bằng 17% số thương vụ của ASML trong năm 2020.
Kỹ thuật đặc biệt của ASML là dùng các tia “tử ngoại cùng cực” (Extreme ultraviolet, EUV). Nhưng muốn hoàn thành bộ máy tối tân, họ vẫn phải mua các bộ phận và bản quyền sáng chế từ các công ty Mỹ, Đức, Nhật Bản, vân vân. Đó là lý do ông Biden có thể tạo áp lực trên chính phủ Hòa Lan không cho chuyển hàng qua Trung Quốc.
Đây cũng chỉ là một cuộc tấn công nho nhỏ gây khó khăn cho Tập Cận Bình. Nhưng tích tiểu thành đại, các nước khác sẽ thấy sức mạnh kinh tế của Trung Cộng không “vĩ đại” như họ tuyên truyền, kể cả khi kinh tế Trung Quốc thành lớn nhất thế giới, trong 10, 15 năm nữa. Mục tiêu quan trọng nhất hiện nay vẫn là thiết lập một mạng lưới các nước tự do dân chủ cùng đối phó với những chế độ độc tài ở Nga và Trung Quốc.