Năm 1967 nhà văn Nguyễn Tuân được thấy tuyết rơi lần đầu tiên trong đời; ông kể trong bài “Lê Nin Gờ Rát Tuyết Đầu Mùa.” Đặt tựa rồi, Nguyễn Tuân không viết tên “Lê Nin Gờ Rát” nữa mà gọi là Léningrad, theo chữ Pháp. Đó là lần thứ nhì ông đến Léningrad; nhưng lần đầu thấy tuyết rơi. Nguyễn Tuân mô tả tuyết đẹp trong nửa trang: “Cứ đứng ngây ra mà nhìn xuống … Và trong tuyết Léningrad đang ủ những mầm ấm của mùa xuân nhân loại.” Còn 7, 8 trang khác phần lớn chỉ viết để ca ngợi cuộc chiến đấu can trường của dân Thành phố Lénin trong ba năm bị Đức Quốc Xã bao vây (1941-43).
Nguyễn Tuân dành đoạn chót trong bài “Lê Nin Gờ Rát …” để làm tròn bổn phận của một đảng viên cộng sản: Ca ngợi Liên Xô, nhân dịp 50 năm Cách mạng Tháng Mười. Ông viết về lửa.
“Tất cả những gì có thể thắp sáng, cháy tỏ được trong ngày vui lớn mừng thọ Cách mạng Tháng Mười, tất cả những gì có thể nổi lửa được lên trên đất nước Liên bang Xô viết đã điện khí hóa, thì rồi bừng bừng rừng rực như chưa bao giờ được cháy sáng đến thế trong các hội hoa đăng lớn của nhân loại mỗi ngày mỗi rời xa bóng tối…” Đoạn văn xuôi này có thể đem ra chạy đua với thơ Tố Hữu ca tụng Cách mạng Tháng Mười: “Từ khi anh đứng dậy – Trái đất bắt đầu cười – Và loài người từ đó – Ca bài ca Tháng Mười!”
Câu chót trong bài ký Lê Nin Gờ Rát là những ước mơ: “Tôi muốn tôi được hóa thân làm một ngòi pháo cây bông lửa màu soi mình trong suốt đêm thâu đó trên pha lê tuyết ngần của Mạc Tư Khoa tôi hằng yêu mến, của Léningrad tôi hằng nhớ thương.”
Chắc Nguyễn Tuân yêu mến Mạc Tư Khoa, nhớ thương Léningrad thật tình. Bởi vì tất cả những gì ông đọc về Liên bang Xô viết, về Cách mạng Tháng Mười bằng chữ Việt hay chữ Pháp đều khiến ông phải yêu thương. Không ai nói đến bốn triệu người Ukraine chết đói vì tập sản hóa ruộng đất. Không sách nào kể chuyện Stalin giết gần hết các đồng chí trong Trung Ương Đảng để củng cố địa vị. Không ai biết trong các sách lịch sử, những tấm hình chụp Lenin giữa đám đông thì cái mặt của Trotsky đã bị xóa. Hình các ông tướng bị Stalin ghét vì giỏi hơn mình cũng biến mất.
Các đảng cộng sản kiểm duyệt quá khứ, thay đổi sách lịch sử. Người dân bình thường như Nguyễn Tuân làm sao biết được!
Chính sách sửa chữa lịch sử không phải chỉ ở Nga thời Stalin mới thi hành. Mao Trạch Đông ở bên Trung Quốc đã noi gương. Sau khi Lâm Bưu đảo chính hụt bay đi trốn rồi chết, Lâm, người được Mao chỉ định thừa kế mình, đã biến mất trong tất cả các bức hình chụp Mao cùng các cận thần.
Thời Tập Cận Bình vẫn đang áp dụng đường lối sửa lịch sử! Tháng 11 năm ngoái, Viện Sử Học ở Bắc Kinh đã cải chính một sự kiện về Mao Ngạn Anh (毛岸英, Máo Ànyīng), con trai lớn của Mao Trạch Đông, năm 1950 đã chết trong cuộc chiến tranh Nam Bắc Hàn.
Lúc đó Ngạn Anh làm thông dịch viên tiếng Nga kiêm thư ký cho Bành Đức Hoài, vị tướng tổng chỉ huy một triệu “quân tình nguyện” Trung Cộng sang cứu chế độ Kim Nhật Thành. Làm việc ngay ở bộ tổng chỉ huy là an toàn, bớt lo sinh mạng. Năm 2003, một sĩ quan Hồng Quân viết hồi ký, kể rằng Mao Ngạn Anh chết trong lúc chiên cơm với trứng, máy bay của đạo quân Liên Hiệp Quốc nhìn thấy khói lửa khi tới oanh kích. Một máy bay A-26 của Nam Phi thả bốn trái bom napalm, một trái rớt trúng nơi Mao Ngạn Anh và một sĩ quan khác đang chiên cơm! Cậu vương tôn 28 tuổi đã vi phạm quân lệnh nhưng trở thành anh hùng.
Viện Sử Học Trung Cộng nói câu chuyện trên là bịa đặt. Họ công bố trên mạng xã hội các tin tức khác, nói rằng vị trí bộ tổng chỉ huy của Bành Đức Hoài bị khám phá vì phía Mỹ bắt được các làn sóng vô tuyến điện từ đó phát ra. “Những tin đồn độc ác nói rằng Mao Ngạn Anh chết vì đang chiên cơm với trứng làm giảm bớt hình ảnh hy sinh anh hùng của Mao Ngạn Anh.” Viện Sử Học chỉ quên không cho độc giả biết rằng cuốn hồi ký kể trên do Nhà Xuất Bản Hồng Quân in.
Tại sao Tập Cận Bình phải ra lệnh viết lại về nguyên nhân cái chết của Mao Ngạn Anh? Vì Tháng Bảy năm nay Trung Cộng sẽ tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc. Sang năm Tập Cận Bình sẽ mãn 2 nhiệm kỳ làm chủ tịch đảng và chủ tịch nước Trung Quốc. Khác với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào trước đây, mỗi người đều về hưu sau 10 năm giữ chức, Bình muốn tiếp tục ngồi những cái ghế đó mãi mãi, sẽ phá kỷ lục của Vladimir Putin hiện nay đã lên 20 năm. Bình cần tô hồng cho bộ mặt của Mao Trạch Đông, chỉ vì muốn chính mình sẽ đóng vai kế nghiệp Mao, sẽ được thần thánh hóa như Mao ngày xưa.
Trong 10 năm qua Tập Cận Bình đã thay đổi cương lĩnh đảng và hiến pháp để có thể được ứng cử dài dài, không giới hạn. Bình đã được tấn phong với rất nhiều danh hiệu. Không hài lòng với chức vụ tổng bí thư, phải là chủ tịch đảng, chủ tịch nhà nước. Cấp dưới suy tôn là Lãnh tụ, là Tư lệnh Tối cao Hồng quân, chủ tịch Quân Ủy trung ương. Ông lập ra một Nhóm Lãnh tụ Trung tâm mà ông đứng đầu.
Đại hội đảng năm 2016 còn nhất trí tấn phong ông là Lãnh Tụ Hạt Nhân, một danh hiệu Mao Trạch Đông cũng chưa dùng. Tập Cận Bình còn xuất bản các bài diễn văn làm lý thuyết mới cho đảng Cộng sản trong thế kỷ 21. Lý thuyết Tập Cận Bình được đại hội đảng đặt ngang hàng với Tư tưởng Mao Trạch Đông, Chủ thuyết Đặng Tiểu Bình.
Một cuốn sách “Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc” đang lưu hành, dầy 532 trang, đã dành một phần tư chỉ viết về các chính sách và thành tích của Tập Cận Bình. Hãy thử đọc một câu này: “Trong số vạn đại sơn chắc chắn có một đỉnh cao vượt lên trên tất cả.” Đỉnh Cao đó, tất nhiên là Lãnh Tụ Hạt Nhân Tập Cận Bình.
Trung Cộng đang bắt học sinh, sinh viên “học tập lịch sử đảng” trước ngày kỷ niệm 100 năm, để “nuôi hạt giống đỏ.” Bài thi vào các trường đại học có những câu hỏi về lịch sử đảng. Nhưng trên các mạng xã hội đã bùng ra một cuộc bàn cãi sôi nổi, vì một nhà văn có ý kiến “trái chiều.”
Nhà văn Hồng Chấn Khoái (Hong Zhenkuai 洪振快)đã nói ngược sách vở của đảng về một sự kiện lịch sử, gọi tên là “Năm anh hùng Núi Nanh Sói” (Lang Nha San Ngũ Tráng Sĩ, 狼牙山五壯士). Học sinh ở Trung Quốc vẫn được dạy rằng 5 chiến sĩ Hồng Quân đã nhảy xuống vực tự sát khi bị quân Nhật vây hãm. Hồng Chấn Khoái nói không phải như vậy. Các chiến sĩ bị té xuống vực chết. Ông dẫn người đến tận núi Lang Nha, quay phim, đưa lên mạng, biện hộ cho giả thuyết của mình. Đầu Tháng Sáu vừa rồi, ông bị tòa án ở Bắc Kinh kết tội mạ lỵ! Ông đã từng làm việc ở tạp chí lịch sử Viêm Hoàng Xuân Thu (炎黄春秋), ban giám đốc tờ báo cũng bị cảnh cáo.
Tập Cận Bình tìm cách tô điểm cho lịch sử đảng cộng sản Trung Quốc, đó là chuyện của người Trung Quốc. Nhưng một chuyện khác có thể liên quan đến dân Việt mình. Đó là chính sách của Trung Cộng tuyên truyền trong các cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á. Họ sẽ truyền bá lịch sử để khơi động lòng “yêu nước” của Hoa kiều hải ngoại.
Năm 2015, đại sứ Trung Cộng đã đọc một bài diễn văn ở khu China Town thủ đô Kuala Lumpur, kêu gọi người Malaysia gốc Hoa hãy đứng lên phản đối chính sách kỳ thị của nước này. Ông nhắc nhở họ hãy luôn luôn nhớ “Nước Mẹ” Trung Quốc! Chính phủ Mã Lai phản đối, nhưng Bắc Kinh đã “hối lộ” bằng viện trợ dồi dào nên ông đại sứ ngồi tiếp 2 năm nữa.
Đây là một dấu hiệu đáng lo, cho thấy Trung Cộng đang thay đổi chính sách Kiều vận. Từ Chu Ân Lai đến Đặng Tiểu Bình, các chính quyền cộng sản vẫn khuyên dân Trung Quốc ở nước nào hãy hội nhập với dân nước đó, theo châm ngôn Lạc địa sanh căn (落地生根), xuống đất thì mọc rễ. Hiện nay khẩu hiệu “Thao Quang Dưỡng Hối” của Đặng Tiểu Bình, khuyên các lãnh tụ Trung Cộng hãy khiêm tốn nhẫn nại, không còn được nhắc đến nữa. Tập Cận Bình đưa ra khẩu hiệu mới, khuyên các Hoa kiều hãy “Lá rụng trở về rễ” (Lạc diệp quy căn, 落叶归根), và kêu gọi người Hoa ở các nước Đông Nam Á ủng hộ chương trình “Nhất Đới Nhất Lộ” (Một vòng đai, một con đường). Việc sửa đổi và tô hồng lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ hỗ trợ chiến dịch chiêu mộ Hoa kiều.
Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đề cao chủ nghĩa Mác Lê và Tư tưởng Mao Trạch Đông. Ông Nguyễn Phú Trọng mới viết một bài tràng giang hứa hẹn tiến đến chủ nghĩa xã hội. Coi chừng, đừng để cho người dân Việt bị đánh lừa lần nữa, như Nguyễn Tuân trước đây nửa thế kỷ!