Trong quá trình tìm nguồn đầu tư kéo dài gần 10 năm để làm phim Tam Chỉ Hổ (The Paper Tigers), đoàn phim người Mỹ gốc Á, trong đó đạo diễn và một trong những nhà sản xuất chính là người gốc Việt, phải từ chối đề nghị đầu tư và đòi hỏi của Hollywood để duy trì cách nhìn và hướng đi đúng với tiếng nói của chính mình.
Trần Quốc Bảo, đạo diễn phim Tam Chỉ Hổ tiết lộ với VOA Tiếng Việt: “Các công ty đầu tư sản xuất phim thường có một danh sách tài tử mà họ cho là an toàn, là hễ có tên những người này thì bảo đảm phim sẽ có một thu nhập tối thiểu trên toàn cầu, không cần biết phim hay hay dở. Họ nghĩ phim thu nhập cao hay thấy tùy vào những gì họ có thể cho lên áp phích quảng cáo để khán giả nhận ra ai đóng trong phim.”
The Paper Tigers là phim hành động võ thuật có tính nhân văn và các yếu tố gia đình hài hước, một tác phẩm kết hợp thể phim võ thuật Hồng Kông với cấu trúc câu chuyện thường thấy ở các phim Hollywood. Thêm vào đó là những chi tiết gây cười thoải mái rất thật và gần gũi trong đời sống hàng ngày của người Mỹ da màu. Những chi tiết mà nếu vai chính là một diễn viên da trắng thì toàn bộ phim xem như đã “thay đổi linh hồn.”
“Thành thử chúng tôi nghĩ phim có thể làm được nếu chúng tôi tiết giảm chi tiêu và có ngân sách vừa phải. Với lại phim sẽ không bị lỗ nếu không có tài tử nổi tiếng và đoàn phim sẽ làm chủ được sáng tạo của mình. Làm phim độc lập có rất nhiều nguy hiểm,” đạo diễn Trần Quốc Bảo nói với VOA Tiếng Việt.
Nhưng sau nhiều cuộc họp với các công ty đầu tư sản xuất phim ở Los Angeles và Hollywood, Trần Quốc Bảo cùng đoàn phim, trong đó có Al’n Đường, một trong những nhà sản xuất chính của Tam Chỉ Hổ, nhận ra rằng suy nghĩ của họ khác với Hollywood. “Họ muốn chúng tôi đổi các vai diễn thành người da trắng,” Bảo nói. Một nhà sản xuất yêu cầu, “Nếu để Bruce Willis đóng trong phim thì phim của anh không những được bán ngay, mà chúng tôi có thể đưa anh $4 triệu đô la dễ dàng.” Hoặc là, “anh có thể nào viết cho Nicolas Cage một vai không?”
“Ngân sách của phim khoảng một triệu đô la lúc đầu,” Bảo tiết lộ với VOA.
Phim kể về ba môn đệ của sư phụ Cheung (Roger Yuan), người chỉ truyền môn cho một học trò xứng đáng duy nhất là Danny (Alain Uy). Sau nhiềm năm thầy trò không liên lạc nhau vì xích mích về một chuyện của hơn 20 năm trước, “tam hổ” Danny, Hing (Ron Yuan) và Jim (Mykel Shannon Jenkins) hợp lại để quyết tìm cho ra nguyên nhân cái chết của sư phụ.
Mất hơn hai năm để viết kịch bản, hơn bốn năm nữa để tìm nguồn đầu tư ở Hollywood, và sau khi tham dự liên hoan phim Cannes ở Pháp để kết nối tìm nguồn sản xuất, Trần Quốc Bảo và đoàn làm phim quyết định quay về Seattle, tổ chức quyên góp tiền từ cộng đồng qua trang mạng Kickstarter. “Căn bản là chúng tôi muốn mọi người hiểu chúng tôi đang cố gắng làm gì, chúng tôi là ai, và chúng tôi muốn kể chuyện gì,” Bảo tâm sự trong cuộc phỏng vấn với VOA Tiếng Việt.
“Rất nhiều nhà hảo tâm từ cộng đồng ủng hộ. Họ là những nhà địa ốc, bác sĩ, luật sư… Họ chỉ muốn thấy người Mỹ gốc Á trên màn ảnh. Nhất là lúc quay phim ở China Town, mấy bác cô chú cho chúng tôi ăn. Rồi trung tâm cộng đồng của China Town cho chúng tôi chỗ để tập dợt, còn cho chúng tôi ăn trưa nữa. Và sau đó thì chúng tôi có đủ tiền để làm phim,” Bảo tiết lộ thêm.
Điều này không có nghĩa Tam Chỉ Hổ chỉ có diễn viên Mỹ gốc Á như vai chính Danny (gốc Philippines), Hing and Cheung (gốc Trung Hoa), vai vợ cũ của Danny (Jae Suh Park, gốc Hàn Quốc), vai phản diện Zhen Fan (Ken Quitugua, gốc Chamorro và Philippines), vai các thiếu niên ham luyện võ (Phillip Đặng, Andy Lê và Brian Lê, gốc Việt) hay một trong những nhà sản xuất trong vai hầu bàn (Yuji Okumoto (gốc Nhật Bản). Một trong tam hổ, Jim (Mykel Shannon Jenkins), là người Mỹ da đen. Một vai phản diện chính, Carter (Matthew Page) là người Mỹ da trắng. Carter thật sự đem lại nhiều tràn cười vang cho khán giả vì vai “hài lộ” của anh.
Mặc dù Hollywood cương quyết đòi chuyển màu da của linh hồn Tam Chỉ Hổ, nhưng không vì thế mà Tam Chỉ Hổ muốn làm thay đổi màu da của người khác. Nó chỉ đơn giản muốn giữ đúng bản chất màu da của nó.
Cân nhắc giữa thu nhập và ý nguyện giữ đúng bản chất là một thách thức lớn đối với các diễn viên da màu đang tìm cơ hội ở Hollywood. Ngay cả vai chính Danny (Alain Uy), người có nhiều vai trong các phim tập của hãng phim Marvel như Helstrom cũng tỏ ra e ngại khi tham dự đóng phim. Anh không muốn đóng phim chỉ chuyên về võ thuật vì như vậy anh sẽ chỉ được biết đến với các vai võ thuật, và cơ hội việc làm sẽ hiếm có hơn.
Nhưng Tam Chỉ Hổ không đơn thuần là một phim võ thuật. Sự linh động hài hòa giữa các diễn viên nhiều sắc tộc trong phim là năng lượng đưa phim đến cuộc đấu căng thẳng đến ngợp thở đầy bất ngờ phút cuối.
“Sự tồn tại của Tam Chỉ Hổ là một xác nhận về sức mạnh và sáng tạo của người Mỹ gốc da màu. Một cách có thể tạo ra sự đổi thay [trong xã hội] là đứng ở vị trí của người có thế lực, và không phải đợi người khác tạo ra sự thay đổi cho mình,” nhà sản xuất Al’n Đường nói với VOA khi được hỏi về sự kỳ thị chủng tộc ở Mỹ và làm cách nào để ứng xử với tình trạng thù ghét đang xảy ra với cộng đồng người Mỹ da màu.
Đạo diễn Trần Quốc Bảo cảm nhận: “Rất quan trọng là khi bạn tin tưởng vào chính mình, nhưng bạn cũng phải biết khi nào bạn nên thay đổi chính bạn để làm được việc bạn mong muốn. Bạn học cách uyển chuyển, giống như cây tre vậy, bạn có thể uống cong nhưng đừng để nó gãy. Nhiều lúc có nhiều cơ hội tốt nhưng về lâu dài lại không tốt, nhưng nhiều lúc có cơ hội tốt nhưng bạn phải biết thay đổi, biết linh động để cơ hội đó có thể thực hiện được. Hãy tự tin để giữ vững lập trường nhưng cũng phải biết uyển chuyển và sẵn sàng thay đổi để thực hiện mơ ước của mình.”
“Be Water,” Bảo nói, hàm ý đến triết lý của Bruce Lee – Lý Tiểu Long - về sự uyển chuyển trong võ thuật và đời sống.