Bốn năm trước cựu tổng thống Đài Loan đe dọa chính thức tuyên bố Đài Loan độc lập tách khỏi Trung Quốc. Bắc Kinh cho hay họ sẽ sử dụng đến quân đội hùng mạnh của họ để tấn công đảo này nếu chuyện đó xảy ra, khiến các giới chức Hoa Kỳ phải cảnh giác, vì nước Mỹ hy vọng duy trì quan hệ với cả đôi bên.
Tổng thống Trần Thủy Biển đã rời nhiệm sở năm 2008. Người kế nhiệm ông, ông Mã Anh Cửu, đã khởi sự đối thoại với Trung Quốc về các vấn đề thương mại và kinh tế để giúp cho nền kinh tế địa phương và giúp giảm bớt căng thẳng quân sự.
Việc Tổng thống Mã tái đắc cử hôm thứ Bảy với 51% phiếu bầu được đưa ra cùng với lời cam kết sẽ củng cố sâu đậm thêm sự hợp tác với Trung Quốc, giúp giảm bớt thêm nữa nguy cơ xung đột quân sự.
Các giới chức Hoa Kỳ đã ca ngợi ông Mã Anh Cửu và chính phủ Trung Quốc, còn báo chí nhà nước Trung quốc thì ca ngợi kết quả bầu cử.
Tổng thống Mã Anh Cửu đã khẳng định rõ sứ mạng của ông trong bài diễn văn đọc lúc tuyên bố thắng cử .
Ông Mã Anh Cửu nói nhân dân Đài Loan muốn gạt sang một bên những tranh cãi với Trung Quốc và thay thế nguy cơ bằng các cơ hội kinh doanh.
Ông nói thêm, cuộc bầu cử khẳng định là nhân dân chấp thuận một chính sách đối ngoại đúng đắn và đem lại hiệu quả, được các quốc gia khác kính trọng và tạo được phẩm cách cho nhân dân Đài Loan.
Đài Loan đã tự trị kể từ khi Quốc Dân Đảng bị đánh bại trong cuộc nội chiến vào thập niên 1940 và đã chạy sang đảo này, cách Hoa lục 160 kilomét. Bắc kinh chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Đài Loan.
Khi Tổng thống Mã Anh Cửu nhậm chức lần đầu, Bắc Kinh bắt đầu các cuộc đối thoại giúp đưa đến 16 thỏa thuận và một thỏa thuận khung cho các cuộc đối thoại mà Bắc Kinh nói là họ hy vọng sẽ đưa đến thống nhất chính trị.
Các nhà phân tích thời cuộc cho rằng qua những điều kiện như vậy, Hoa Kỳ sẽ có thể chú trọng hơn vào các khu vực như Trung Đông và bán đảo Triều Tiên, mà không sợ một vụ xung đột về vấn đề Đài Loan.
Hoa Kỳ có nghĩa vụ phải bảo vệ Đài Loan. Hoa Kỳ cũng là quốc gia cung cấp vũ khí nhiều nhất và vẫn là một đồng minh mật thiết không chính thức của chính phủ dân chủ Đài Bắc, mặc dù có những quan hệ chính thức với Trung Quốc.
Nhưng một số các nhà phân tích cho rằng Washington không muốn Bắc Kinh và Đài Bắc theo đuổi việc thống nhất vì như vậy Bắc Kinh sẽ còn mở rộng thêm sức mạnh kinh tế đang tăng trưởng nhanh chóng và có thể sẽ hạn chế ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ ở Á châu.
Ông Bruce Jacobs là một chuyên gia nghiên cứu về Á châu tại đại học Monash của Australia. Ông nói:
”Ít ra nhiều phần trong chính phủ Mỹ sẽ rất hoan ngênh thắng lợi của ông Mã Anh Cửu, rất cảm kích sự kiện ông Mã Anh Cửu đã nỗ lực tìm cách tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp vơiù Trung Quốc, và rằng ít nhất người Trung Quốc, trong phương cách nào đó, đã đáp ứng lời kêu gọi của ông.”
Các nhà phân tích thời cuộc cho hay nhiều người Đài Loan, mặc dù không phải lúc nào cũng hài lòng với thái độ thân thiện của Tổng thống Mã Anh Cửu với Trung Quốc hay các chính sách kinh tế của ông, đã bỏ phiếu cho ông vì ông đã tạo được tình trạng ổn định được cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ hoan nghênh.
Nhà quản trị hành chính chuyên nghiệp 61 tuổi đã đánh bại bà Thái Anh Văn của đảng Dân Tiến DPP. Đảng của bà cổ vũ cho một nước Đài Loan chính thức độc lập tách khỏi Trung Quốc, và đã ủng hộ ông Trần Thủy Biển khi ông còn giữ chức vụ tổng thống.
Bà Thái Anh Văn muốn đối thoại với Trung Quốc, nhưng với điều kiện bà gọi là ”sự đồng thuận của Đài Loan”, một khung đối thoại mới được Quốc hội Đài Bắc chấp thuận.
Ketty Chen, ra đời tại Đài Loan, chuyên gia về khoa chính trị tại đại học Collin, bang Texas ở miền nam nước Mỹ, nói lập trường của ông Mã Anh Cửu rõ ràng hơn đối với cử tri:
”Đảng Dân Tiến đòi có sự đồng thuận của Đài Loan; một số người không thực sự hiểu rõ lập trường này. Họ có thể hiểu rõ lập trường ba không của ông Mã Anh Cửu: không độc lập, không thống nhất, và không sử dụng vũ lực.”
Lo sợ bất ổn là mối lo ngại lớn của nhiều người trong số hơn 13 triệu cử tri Đài Loan.
Bà Lee Tien-yu, một y tá 50 tuổi tại Đài Bắc, nói sự sống còn của Đài Loan tùy thuộc vào mối quan hệ với Trung quốc:
”Đài Loan là phần đất nhỏ bé và nhu cầu nội địa cũng nhỏ. Hầu hết người Đài Loan làm việc trong lãnh vực công nghệ hay ngành dịch vụ. Trung Quốc ở ngay kế bên với một thị trường khổng lồ. Chúng ta có thể sang đấy và nói cùng một thứ tiếng, thật tiện lợi.
Bà nói thêm, "Miễn là chúng ta không cạnh tranh với họ."
Nhiệm kỳ mới của Tổng thống Mã Anh Cửu sẽ kéo dài qua hết năm 2016.
Trước thời điểm đó, chính phủ của ông hy vọng ký được một hiệp định với Trung Quốc bảo đảm bảo vệ cho người đầu tư. Và Bắc Kinh và Đài Bắc cho hay họ sẽ làm việc để giảm bớt hàng ngàn loại thuế quan đánh trên các mặt hàng nhập khẩu trong việc buôn bán giữa đôi bên.
Các chuyên gia phân tích thời cuộc cho rằng có phần chắc Trung quốc sẽ tìm cách đạt được một hòa ước chính thức với Đài Loan và hợp thức hóa thỏa thuận khung đối thoại, mô tả đôi bên là một phần của một nước Trung Quốc duy nhất.
Theo các chuyên gia, việc tổng thống Mã Anh cửu tái đắc cử sẽ làm dịu bớt tình hình căng thẳng quân sự có từ lâu tại khu vực đông Á. Trung Quốc, từ lâu vẫn tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ, coi kết quả cuộc bầu cử hôm thứ Bảy là một cơ hội cho 4 năm thương thuyết nữa về mối quan hệ Bắc Kinh - Đài Bắc.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1