Đường dẫn truy cập

Đài Loan trông đợi Trung Quốc thúc đẩy kinh tế ồ ạt sau cuộc bầu cử


Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã thực hiện một số biện pháp quan trọng để xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã thực hiện một số biện pháp quan trọng để xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc

Tại Đài Loan, việc tái đắc cử của một vị tổng thống nổi tiếng là xoa dịu căng thẳng với nước kình địch lâu đời Trung Quốc có nghĩa là một cuộc ngụp lặn mới vào các cuộc đàm phán kinh tế với Bắc Kinh. Trong khi Đài Loan vẫn tránh né việc đối phó với các vấn đề chính trị gai góc với Trung Quốc, cả hai bên đều theo đuổi các thỏa thuận thương mại và tài chính sẽ dành cho Trung Quốc một vai trò to lớn trong nền kinh tế Đài Loan. Từ Đài Bắc, thông tín viên VOA Ralph Jennings ghi nhận về cách thức các cuộc đầu tư đó có thể đóng một vai trò chủ chốt như thế nào trong một nền kinh tế đang chật vật cạnh tranh với các nước bạn công nghiệp hóa ở châu Á.

Tổng thống Mã Anh Cửu của Đài Loan đã thực hiện một số biện pháp quan trọng để xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của ông và tiếp theo việc tái đắc cử của ông hồi tháng giêng, Đài Bắc và Bắc Kinh đã cam kết xúc tiến các thỏa thuận kinh doanh mới trong những năm sắp tới.

Nghị trình sắp tới của tổng thống đề nghị thuế thấp hơn cho hàng ngàn mặt hàng nhập khẩu, các quy định lỏng lẻo hơn cho các nhà đầu tư của lục địa Trung Quốc tại Đài Loan và biện pháp bảo vệ pháp lý mới cho các quyền lợi của họ.

Ông Lương Vĩ Hào, một nhà kinh tế khu vực làm việc cho cơ quan Barclay’s Capital, nhìn thấy biến chuyển quan trọng tiếp theo các thỏa thuận bảo vệ đầu tư mà Đài Laong trông đợi sẽ được ký kết trước tháng 7.

Chuyên gia kinh tế này cho biết đã nhìn thấy một số người đi lại, việc nới lỏng các hạn chế thương mại, và một cuộc đối thoại ở cả hai bên. Một chiều thứ tư hiện còn chưa thấy là luồng đầu tư, và ông cho rằng đạo luật về bảo vệ đầu tư sẽ là một tác nhân mạnh trong việc thúc đẩy luồng đầu tư từ Trung Quốc vào Đài Loan.

Các thỏa thuận bảo vệ đầu tư sẽ cung cấp các đường hướng chỉ đạo để giải quyết những vụ tranh chấp pháp lý giữa doanh nhân ở cả hai bên. Sự kiện này sẽ dành cho các công ty lục địa Trung Quốc – nằm trong số những công ty giàu nhất thế giới ngày nay – thêm sự tin tưởng để mua cổ phần trong các công ty Đài Loan được niêm yết. Các kinh tế gia tin rằng Đài Loan muốn dành cho Trung Quốc một vai trò lớn hơn; hiện Đài Loan đã cho phép người lục địa Trung Quốc mua tới 10% cổ phần trong công ty của Đài Loan mà không cần xin phép chính phủ.

Đài Loan dự trù sẽ để cho Trung Quốc đầu tư trực tiếp nhiều hơn vào 247 khu vực hiện mở cửa cho nước này và có lẽ còn mở rộng thêm danh sách. Kể từ năm 2009, các số liệu chính thức cho thấy người ở lục địa Trung Quốc đã đầu tư con số tương đương với 170 triệu đôla tại Đài Loan dưới nhiều hình thức. Ông Lương nói các công ty Trung Quốc chung cuộc sẽ nắm toàn quyền kiểm soát các công ty Đài Loan.

Theo ông Lương, việc bãi bỏ các hạn chế về đầu tư hiện ở mức khoảng 10% cho đa số các ngành công nghiệp có thể được tăng lên một mức đáng kể hơn, và ông cho rằng sự kiện này mở đường cho việc sát nhập và mua đứt sẽ diễn ra từ phía Trung Quốc.

Hiện nay, Đài Loan xét duyệt gắt các đơn của Trung Quốc xin sát nhập hay mua đứt các công ty có giá trị cao, nhất là những công nghiệp có tính trôi nổi hay quan trọng về mặt chính trị. Nhà kiến tạo chính sách về Trung Quốc hàng đầu, bà Lại Hạnh Viên cho biết các cơ quan chính phủ ở Đài Bắc đang nghiên cứu các phương sách nới lỏng các quy định, nhưng không nên trông đợi một quyết định mau chóng.

Bà Lại nói chính phủ của bà thường cứu xét các quy định đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, và khi các điều kiện đã chín muồi, các hàng rào về đầu tư tư nhân có thể nới lỏng từng chút một. Bà không ước lượng khi nào sự chín muồi đó sẽ xảy tới, nhưng nói rằng vốn không phải là một vấn đề lúc này. Bà nói thêm rằng các nhà kinh doanh đang trông đợi nhiều hơn vào các thị trường mới, nhãn hiệu vững vàng hơn và nâng cấp kỹ thuật.

Trong một hai năm sắp tới, Trung Quốc và Đài Loan cũng nhắm mục tiêu cắt giảm thuế nhập khẩu cho khoảng 11.000 mặt hàng trong một thỏa thuận có lợi cho các nhà xuất khẩu Đài Loan, là mạch sống của nền kinh tế 425 tỷ đôla của đảo quốc này. 800 khoản thuế đã được cắt giảm trong năm ngoái.

Trung Quốc vẫn coi Đài Loan tự trị là một phần lãnh thổ của họ kể từ sau cuộc nội chiến Trung Quốc hồi thập niên 1940. Tình trạng băng giá trong bang giao đã gây trở ngại cho các loại thỏa thuận thương mại giữa Bắc Kinh và các đối thủ lệ thuộc vào xuất khẩu khác của Đài Loan như Nam Triều Tiên và các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á. Nhưng trong khi phía Đài Loan lâu nay đã được phép đầu tư ở Trung Quốc, thì thương mại hai chiều đã vượt quá 100 tỷ đôla mỗi năm trước năm 2008.

Vào năm đó, khi quan hệ với nền kinh tế Trung Quốc trở thành cấp thiết cho tính cạnh tranh của Đài Loan, Tổng thống Mã Anh Cửu đã gạt bỏ lập luận gay gắt của người tiền nhiệm và bắt đầu mưu tìm các thỏa thuận. Chính phủ của ông và Bắc Kinh đã ký 16 thỏa thuận bãi bỏ các hạn chế trước đây về đầu tư, du lịch và các tuyến bay trực tiếp. Các thỏa thuận đó đã đem lại hàng tỷ đôla cho nền kinh tế của Đài Loan.

Sự tăng cường từ phía Trung Quốc diễn ra đúng lúc để che chắn Đài Loan khỏi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và một tình trạng suy thoái chứng khoán toàn cầu vào giữa năm 2011. Các công ty lớn nhất của Đài Loan lệ thuộc nặng vào sự ham muốn của giới tiêu thụ đối với các trang thiết bị kỹ thuật cao và dụng cụ cơ giới.

Trong khi đó, Bắc Kinh hoan nghênh cuộc đối thoại thương mai và kinh tế như một cách để dọn đường cho điều mà họ hy vọng sẽ là một sự tái thống nhất chính trị chung cuộc. Trung Quốc cũng mưu tìm lợi nhuận thu được từ các nguồn đầu tư của họ như ngân hàng và các hãng hàng không. Ông George Tsai, một nhà khoa học chính trị tại tường Đại học Văn hóa Trung Quốc ở Đài Loan, nói rằng Đài Loan sẽ đề cao cảnh giác đối với bất cứ sự đầu tư quá đáng nào của lục địa Trung Quốc có thể gây phương hại cho vị thế mặc cả của họ nếu như hai bên sau này thảo luận về các vấn đề chính trị.

Vị giáo sư này nói đương nhiên Trung Quốc muốn dụ Đài Loan trở lại vào vòng kiềm tỏa của họ. Và đương nhiên về lâu về dài mọi người đều quan ngại về mối đe dọa Trung Quốc. Nếu đầu tư của Trung Quốc quá nhiều, vấn đề sẽ trở thành làm thế nào để đánh giá các quyền lợi và thách thức có thể có.

Sau khi cân nhắc các quyền lợi và thách thức đó trong những tháng sắp tới, các nhà thương thuyết hàng đầu dự trù sẽ họp vào cuối tháng 6 để hướng tới việc hoàn tất các thỏa thuận mới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG