Đường dẫn truy cập

Tại sao Nguyễn Hưng Quốc?


Tại sao Nguyễn Hưng Quốc?
Tại sao Nguyễn Hưng Quốc?

Tên thật của tôi là Nguyễn Ngọc Tuấn. Nguyễn Hưng Quốc chỉ là bút hiệu. Nhiều bạn bè, người quen, độc giả và cả công an văn hoá đặt câu hỏi: Tại sao lại là Nguyễn Hưng Quốc?

Bản thân tôi, trước đó, ngay từ nhỏ, trước khi nghĩ đến chuyện cầm bút với bút hiệu này bút hiệu nọ, đã từng tự hỏi: Tại sao tên tôi lại là Nguyễn Ngọc Tuấn?

Lý do, trong gia đình tôi, trừ tôi và người anh cả, không có ai có tên đệm (lót) là Ngọc cả. Từ thời ông nội tôi, để tự phân biệt với hàng chục triệu người mang họ Nguyễn khác, đã quyết định tạo nên một nhánh Nguyễn riêng là Nguyễn-Hưng. Thì cũng giống như nhiều người khác đã làm với những Nguyễn-Phước, Nguyễn-Khoa, hay Nguyễn-Đăng, v.v… Dĩ nhiên, so với các nhánh Nguyễn vừa kể, cái nhánh Nguyễn-Hưng chỉ thuộc loại nhỏ. Nhỏ và vô danh. Nhưng dù sao đó cũng là một tham vọng của một người trưởng tộc.

Khi ba tôi gặp mẹ tôi và hai người quyết định lấy nhau, ông nội tôi phản đối kịch liệt. Đứa con đầu lòng của hai người, do đó, không mang họ Nguyễn-Hưng. Mà là Nguyễn Ngọc: Nguyễn Ngọc Tú. Sau đó, chuyện tình duyên của ba mẹ tôi được chính thức hoá, người con thứ hai, khi ra đời, được nhập vào gia tộc lớn: Nguyễn Hưng Tân. Đến lúc mẹ tôi sinh tôi, cuộc chiến giữa bà với gia đình chồng, vì một lý do nào đó, lại bùng nổ. Nghe kể mẹ tôi, vốn là một phụ nữ can đảm và bướng bỉnh, tuyên bố: “Đây là con do tôi đẻ ra, tôi muốn đặt tên gì thì đặt!” Thế là tôi mang tên Nguyễn Ngọc Tuấn thay vì Nguyễn Hưng Tuấn.

May, sau đó, quan hệ giữa hai bên êm đẹp lại. Tất cả các em tôi đều trở lại với dòng chính: Nguyễn-Hưng.

Như vậy, trong gia đình tôi, cũng như trong cả dòng họ tôi, chỉ có hai đứa con trai lạc loài với cái tên lót là “Ngọc”: ông anh cả tôi và tôi.

Chữ “Ngọc” trong tên của ông anh cả tôi là dấu tích của thời “tiền-hội nhập”; còn của tôi là dấu tích của một cuộc “nổi dậy” của mẹ tôi chống lại gia đình nhà chồng.

Lớn lên, giữa đám anh em bà con mang chữ “Hưng”, tôi không tránh được cảm giác lẻ loi. Nhưng không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện đổi tên cả. Khoảng 14, 15 tuổi, bắt đầu làm thơ, tôi nghĩ ngay đến những bút hiệu thật nhẹ nhàng và thơ mộng, như bao nhiều “nhà thơ” trẻ con khác cùng thời. Sau, quyết định viết văn xuôi, tôi cảm thấy không có nhu cầu dùng bút hiệu nữa. Trong cách nhìn của tôi thuở ấy, nhà thơ thì cần bút hiệu, còn nhà văn thì không, nhà văn chuyên về phê bình và biên khảo thì lại càng không. Vì vậy, tôi an phận với cái tên Nguyễn Ngọc Tuấn lạc lõng của mình. Viết gì, tôi cũng ký là Nguyễn Ngọc Tuấn.

Năm 1985, vượt biên và định cư tại Pháp, tôi bắt đầu viết văn. Ngay trước khi đặt bút viết bài đầu tiên trên đất Pháp, tôi đã biết là mình không thể dùng tên thật được. Lúc ấy, vợ và con gái của tôi còn ở Việt Nam. Tôi không muốn chuyện viết lách của mình gây phiền hà cho công việc đoàn tụ. Bởi vậy, phải loay hoay nghĩ ngợi về cái bút hiệu mình sẽ ký. Nhưng ký bút hiệu gì đây? Tình cờ, bài viết đầu tiên mà tôi viết lúc ấy lại là một bài bình luận chính trị. Làm thơ thì có thể lấy một bút hiệu vu vơ và bâng quơ sao cũng được. Nhưng dưới một bài bình luận, từ bình luận chính trị đến bình luận văn học và văn hoá, hình như lại khác: nó cần một cái tên giản dị và gần với đời thực hơn. Biện pháp dễ dàng nhất là một cái tên đi liền với họ, một “full name”. Tự nhiên, ngay lúc ấy, loé lên đầu tôi hai chữ: Nguyễn Hưng.

Ừ, thì Nguyễn Hưng. Đó cũng là cách để trở về, qua ngả văn chương, với dòng họ của mình. Tôi hài lòng ngay với kiểu đặt tên ấy. Nhưng Nguyễn-Hưng gì? Lại cũng, một cách hoàn toàn tình cờ, trong óc tôi loé ngay lên chữ “Quốc”: Nguyễn Hưng Quốc. Nhưng tại sao lại là “Quốc”? Thú thực, đến giờ, tôi vẫn không biết. Tôi chỉ đoán, nguyên nhân chính là vì âm điệu. Viết văn, bao giờ tôi cũng coi trọng nhạc tính. Một chữ vần trắc, lại mang dấu sắc, đứng sau chữ “Nguyễn Hưng” coi bộ ấn tượng hơn một chữ nào khác, vần bằng, chẳng hạn: Nó có thể làm cho cái tên như bị oằn xuống.

Tôi đoán thế.

Lúc ấy, tôi quên bẵng một người khác, cực kỳ nổi tiếng, cũng mang tên Quốc: Nguyễn Ái Quốc.

Tôi quên. Nhưng hình như nhiều người, nhất là ở Việt Nam, không quên. Trong một bài viết phê bình cuốn “Thơ, v.v... và v.v....” của tôi, đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 2 tháng 3 năm 1997, giáo sư Trần Thanh Đạm, thầy cũ của tôi, viết: “bản thân cái bút danh này đã là ngông cuồng và giả dối”. Những lần, về nước, tôi bị công an văn hoá mời “làm việc”, hầu như lúc nào tôi cũng bị hỏi về cái bút hiệu ấy: Tại sao lại là Nguyễn Hưng Quốc? Tôi có một tham vọng chính trị gì không khi chọn một bút hiệu như thế?

Lần nào tôi cũng trả lời: Không. Và lần nào tôi cũng kể lại cái câu chuyện về dòng họ của mình như vừa viết ở trên.

Nhưng lần nào, nhìn vào mắt người đối thoại, tôi cũng biết là họ không tin.

Đúng là oan Thị Kính.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG