Đường dẫn truy cập

Đọc thơ: “Không đề” của Nguyễn Bính


Đọc thơ: “Không đề” của Nguyễn Bính
Đọc thơ: “Không đề” của Nguyễn Bính

1.

Bài thơ cũ. Bài viết này cũng cũ. Quay về với những cái cũ có khi là một trong những cách thư giãn tốt cho cả tác giả lẫn độc giả.

Hôm nay dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau.
Anh đi đấy, anh về đâu?
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm...


Thơ Nguyễn Bính. Tựa “Không đề”. Chỉ có bốn câu. Theo tôi, đây là một trong những bài thơ hay nhất, hoàn chỉnh nhất của Nguyễn Bính. Bài thơ có hai nhân vật, một người con trai và một người con gái. Người con trai ở dưới bến chờ xuôi đò. Người con gái ở trong nhà, qua khung cửa sổ, thẫn thờ ngó ra. Nguyễn Bính nói họ “thương nhau”. Chắc chỉ là thương thầm. Nên không có tiễn đưa. Nên người con gái mới băn khoăn tự hỏi “Anh đi đấy, anh về đâu?” Sáu chữ mà bời bời hai tâm sự ngổn ngang. “Anh đi đấy” là câu hỏi thảng thốt. Ðau nhói. “Anh về đâu?” là câu hỏi ngậm ngùi. Buồn tênh. Người con gái ngạc nhiên, rồi bàng hoàng, rồi ngẩn ngơ. Chiếc thuyền rời bến, từ từ đi xa. Hình ảnh người con trai hút. Chỉ còn chiếc thuyền. Rồi chiếc thuyền cũng khuất. Chỉ còn cánh buồm vươn cao, vươn cao, chới với, chập chờn, lung linh, xa xăm:

Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm...

Người con gái vẫn còn đứng đó, bên thành cửa sổ, vời vợi nhìn theo. Câu thơ ngắt thành ba nhịp (Cánh buồm nâu / cánh buồm nâu / cánh buồm...), tưởng như mỗi nhịp ngắt là một làn sóng đột nhiên trào lên, che khuất cánh buồm. Bao nhiêu lần khuất rồi hiện. Lần cuối cùng, đã xa lơ xa lắc, người con gái chỉ còn nhìn thấy, mờ thật mờ, hình ảnh cánh buồm thấp thoáng, nhoà đi trong khói sóng bập bềnh. Không còn thấy màu sắc nữa: chữ “nâu” ở nhịp cuối biến mất.

Cái hay nhất của bài thơ không chừng nằm ở dấu ba chấm thay thế cho chữ “nâu” vắng mặt ấy.

Sự vắng mặt ấy nói được nhiều điều hơn hẳn các sự có mặt khác.

2.

Đọc lại bài phân tích bài “Không đề” ở trên, tự nhiên nhớ đến một đoạn văn về vai trò của yếu tố cảm xúc và sự hàm súc trong thơ. Cũng được viết từ lâu:

Một hiện tượng rất phổ biến trong thơ: hoa giả. Có hằng hà những bài thơ cứ ngồn ngộn chữ, cứ lấp lánh màu sắc và trầm trầm bổng bổng hơi nhạc nhưng lại rỗng tuếch, không nói lên được điều gì cả. Nó ném xuống ào ạt lá vàng nhưng không làm cho người ta thấy được mùa thu. Nó khua động ầm ĩ nhưng không làm thành âm vang của tiếng hát. Nó dựng lên ùn ùn những khói nhưng không tượng hình nổi một làn mây. Nó có dáng dấp của hoa nhưng lại thiếu hẳn một làn hương. Nó có tất cả, trừ một điều: cảm xúc.

Làm thơ là một cách thổi một luồng gió. Gió đo mình ở ngoài gió: ở mức độ lá reo. Làm thơ là một cách tỏ tình. Nói lớn hay nhỏ, dài hay ngắn, bổng hay trầm, nào có quan trọng gì. Quan trọng là ở chỗ người mình yêu có chớp mắt xúc động hay không. Nhà thơ lớn nào cũng đều là những tâm hồn lớn có khả năng thu nhận và rung cảm trước những làn sóng vỗ từ xa, rất xa, ngoài bản thân họ. Nhà thơ lớn là những hạt muối. Hạt muối nhỏ nhưng chất chứa dồn nén trong mình tất cả những vị mặn chát của đại dương. Nhà thơ lớn là những chiếc lá ngô đồng. Chiếc lá nhỏ hanh hao, bay bay trong gió thoi thóp biết mấy nhưng lại mang trong mình tất cả tín hiệu của một mùa trời đất đang đi.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG