Đường dẫn truy cập

Tại sao giới chức y tế không hoảng sợ về cúm gia cầm?


Ống thử nghiệm cúm gia cầm, (hình chụp ngày 14/1/2023).
Ống thử nghiệm cúm gia cầm, (hình chụp ngày 14/1/2023).

Một chủng cúm gia cầm mới dễ lây lan giữa các loài chim hoang dã đã gây ra sự lây lan bùng nổ sang các nơi mới trên toàn cầu, lây nhiễm và giết chết nhiều loài động vật có vú và làm dấy lên lo ngại về một đại dịch nguy hiểm hơn cả COVID -19.

Nhưng chính những thay đổi làm cho virus lây nhiễm sang chim hoang dã một cách hiệu quả lại có thể khiến virus khó lây nhiễm sang tế bào người hơn, các chuyên gia hàng đầu về dịch bệnh nói với Reuters. Quan điểm của họ làm cơ sở cho đánh giá của các quan chức y tế toàn cầu rằng đợt bùng phát H5N1 hiện nay ít gây rủi ro cho con người.

Chủng mới, được gọi là H5N1 nhóm 2.3.4.4b, xuất hiện vào năm 2020 và đã lan rộng ra nhiều khu vực ở Châu Phi, Châu Á và Châu Âu cũng như Bắc và Nam Mỹ, gây ra số lượng chim hoang dã và gia cầm tử vong chưa từng có.

Virus này cũng đã lây nhiễm cho các loài động vật có vú, từ cáo và gấu xám đến hải cẩu và sư tử biển, có khả năng là do chúng ăn thịt những con chim bị bệnh.

Không giống như những đợt bùng phát trước đó, phân nhóm H5N1 này không gây bệnh đáng kể cho người. Cho đến nay, chỉ có khoảng nửa chục trường hợp được báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nơi những người tiếp xúc gần với gia cầm bị nhiễm bệnh và hầu hết những trường hợp này đều ở mức độ nhẹ.

Bác sĩ Timothy Uyeki, y sĩ trưởng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), nói trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi nghĩ rằng nguy cơ đối với công chúng là thấp.” WHO bày tỏ quan điểm tương tự trong một đánh giá vào đầu tháng này.

Các chuyên gia về cúm nói với Reuters rằng cách thức virus này xâm nhập và lây nhiễm vào các tế bào là một trong những lý do khiến không còn những lo ngại nữa. Họ nói rằng các thuộc tính khiến loại virus này phát triển mạnh ở các loài chim hoang dã có thể khiến nó ít lây nhiễm sang người hơn.

Ông Richard Webby, giám đốc Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu về Sinh thái học của Bệnh cúm trong Động vật và Chim của WHO tại Bệnh viện Nhi đồng St. Jude, nói: “Rõ ràng đây là một loại virus rất thành công đối với các loài chim và điều đó gần như loại trừ khả năng nó là một loại virus rất thành công nơi động vật có vú.

Các chuyên gia coi sự lây lan sang động vật có vú là dấu hiệu cảnh báo sớm để tăng cường giám sát virus hơn là tín hiệu của một đại dịch mới.

Tiến sĩ Michael Osterholm, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, người đã theo dõi H5N1 kể từ khi nó xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1997, nói về những hồi chuông cảnh báo đó: “Mọi người nên an tâm”.

Còn chồn nâu thì sao?

Điều khiến các nhà virus học lo ngại là một nghiên cứu được công bố vào tháng 1 trên tạp chí y tế Eurosurveillance cho thấy khả năng lây truyền virus từ động vật có vú sang động vật có vú tại một trang trại nuôi chồn nâu ở Tây Ban Nha.

Bà Michelle Wille, một chuyên gia về động lực học của virus chim hoang dã tại Đại học Sydney, nói trong một email: “Rất có thể một loại virus có khả năng lây truyền từ chồn sang chồn cũng có khả năng lây truyền từ người sang người.”

Đó là một kịch bản mà các chuyên gia về dịch bệnh đã cảnh báo hàng chục năm nay. Chồn nâu có nhiều thuộc tính với chồn sương, một loài động vật thường được sử dụng trong các thí nghiệm về bệnh cúm vì chúng giống với con người.

Mặc dù những thay đổi chính xác cần thiết để virus cúm gia cầm trở nên dễ dàng lây truyền sang người vẫn chưa được biết, nhưng một số nghiên cứu mang tính bước ngoặt được thực hiện cách đây một thập niên đã đưa ra một số manh mối.

Bằng cách sử dụng cái gọi là thí nghiệm đạt được chức năng, các nhà khoa học đã cố ý thay đổi virus H5N1 để làm cho virus này có thể lây truyền sang chồn sương và phát hiện ra rằng chỉ cần năm đột biến có tính đặc hiệu cao.

Hầu hết các trường hợp ở động vật có vú cho đến nay chỉ có một trong những đột biến này - ở gen có tên PB2 - vốn có ở chồn nâu. Ông Webby cho biết virus có thể tạo ra sự thay đổi đó một cách dễ dàng.

Điều không thay đổi, ngay cả ở chồn nâu, là virus vẫn thích liên kết với các thụ thể loại gia cầm để xâm nhập và lây nhiễm các tế bào. Chồn nâu có cả thụ thể của loài chim và người, nhưng các thụ thể của loài chim rất khan hiếm ở người và nằm sâu trong phổi.

Virus cúm ở người thường liên kết với các thụ thể được tìm thấy ở đường hô hấp trên.

Ông James Lowe, giáo sư y học lâm sàng thú y tại Đại học Illinois, nói: “Chúng tôi biết rằng virus gia cầm đôi khi có thể ảnh hưởng đến con người, nhưng phải tiếp xúc nhiều với chim”.

Theo chuyên gia Uyeki của CDC, các nghiên cứu về trình tự gen H5N1 trong đợt bùng phát dịch bệnh ở chồn nâu “không chỉ ra bất kỳ thay đổi nào cho thấy khả năng lây nhiễm đường hô hấp trên của con người tăng lên.”

Sự thay đổi đó là bắt buộc nếu virus cúm gia cầm dễ lây lan sang người.

Ông Webby nói: “Ân điển cứu con người hiện nay là có vẻ như loại virus này thực sự rất khó chuyển đổi sở thích thụ thể.”

Không chuyên gia nào bác bỏ khả năng H5N1 hoặc một loại virus cúm gia cầm khác có thể biến đổi và gây ra đại dịch, và nhiều người tin rằng thế giới chưa chứng kiến đại dịch cúm cuối cùng.

“Chúng ta có nên để mắt đến điều này không? Có,” ông Lowe nói. “Chúng ta có nên quẩn trí vì nó không? Có lẽ là không.”

Diễn đàn

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG