Một bé gái 11 tuổi ở Campuchia vừa qua đời vì cúm gia cầm. Đây là ca nhiễm H5N1 đầu tiên được biết đến ở người kể từ năm 2014, theo các giới chức y tế.
Cúm gia cầm thường lây lan ở gia cầm và không được coi là mối đe dọa đối với con người cho đến khi xảy ra đợt bùng phát năm 1997 giữa những du khách đến chợ gia cầm sống ở Hong Kong. Hầu hết các ca bệnh ở người trên toàn thế giới đều liên quan đến việc tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị nhiễm bệnh, nhưng gần đây đã có những lo ngại về lây nhiễm ở nhiều loại động vật có vú và khả năng virus có thể tiến hóa để lây lan dễ dàng hơn giữa người với người.
Bé gái đến từ tỉnh nông thôn phía đông nam Prey Veng bị bệnh vào ngày 16/2 và được đưa đến điều trị tại bệnh viện ở thủ đô Phnom Penh. Bé được chẩn đoán hôm thứ Tư (22/2) sau khi bị sốt tới 39 độ C (102 độ F) kèm theo ho, đau họng và em đã qua đời ngay sau đó, Bộ Y tế Campuchia cho biết trong một thông cáo vào tối thứ Tư.
Các quan chức y tế đã lấy mẫu từ một con chim hoang dã đã chết tại một khu bảo tồn gần nhà bé gái, Bộ Y tế Campuchia cho biết trong một thông cáo khác hôm thứ Năm, đồng thời nói thêm rằng các cơ quan ở địa phương cũng sẽ cảnh báo người dân về việc đụng chạm vào những con chim chết hay bị bệnh.
Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng cảnh báo rằng cúm gia cầm có nguy cơ đặc biệt cao đối với trẻ em khi cho chúng ăn hoặc nhặt trứng gia cầm nuôi, chơi với gia cầm hoặc dọn chuồng của chúng.
Các triệu chứng nhiễm H5N1 tương tự như các bệnh cúm khác, bao gồm ho, đau nhức và sốt. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị viêm phổi, đe dọa đến tính mạng.
Campuchia có 56 ca nhiễm H5N1 ở người tính từ năm 2003 đến năm 2014, và 37 người trong số này đã tử vong, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trên toàn cầu, khoảng 870 ca nhiễm bệnh ở người và 457 ca tử vong đã được báo cáo cho WHO tại 21 quốc gia. Tuy nhiên, tốc độ lây nhiễm đã chậm lại, với khoảng 170 ca nhiễm và 50 ca tử vong trong 7 năm qua.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hồi đầu tháng này bày tỏ lo ngại về tình trạng lây nhiễm cúm gia cầm ở động vật có vú, bao gồm chồn, rái cá, cáo và sư tử biển.
Ông cảnh báo: “H5N1 đã lây lan rộng rãi ở các loài chim và gia cầm hoang dã trong 25 năm, nhưng tình trạng lây lan gần đây sang động vật có vú cần phải được theo dõi chặt chẽ”.
Vào tháng 1, một bé gái 9 tuổi ở Ecuador đã trở thành trường hợp nhiễm bệnh ở người đầu tiên được báo cáo ở Mỹ Latinh và Caribe. Bé gái đã được điều trị bằng thuốc kháng virus.
Hồi đầu tháng này, ông Tedros cho biết WHO vẫn đánh giá nguy cơ từ cúm gia cầm sang con người là thấp.
“Nhưng chúng ta không thể cho rằng điều đó sẽ mãi như vậy, và chúng ta phải chuẩn bị cho bất kỳ thay đổi nào với hiện trạng”, ông nói.
Ông Tedros khuyên mọi người không nên đụng chạm vào động vật hoang dã đã chết hoặc bị bệnh, và các quốc gia nên tăng cường giám sát các cơ sở mà con người và động vật tương tác với nhau.
Diễn đàn