Đường dẫn truy cập

‘Tôi muốn ra ngoài nhiều nhưng lo cho người xung quanh’


Băng rôn kêu gọi sinh viên đeo khẩu trang trong khuôn viên Đại học Nam California
Băng rôn kêu gọi sinh viên đeo khẩu trang trong khuôn viên Đại học Nam California

Mặc dù rất muốn gặp gỡ và vui chơi với bạn bè trở lại sau thời gian ở nhà vì dịch Covid, một số người trẻ gốc Việt ở Mỹ nói với VOA rằng họ cần phải nghĩ đến an toàn cho người thân và những người xung quanh và họ sẽ đợi đến khi dịch bệnh lắng xuống hoàn toàn.

Dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm bớt mà trái lại ngày càng diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Mỹ vẫn tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm và tử vong mới tăng nhanh mỗi ngày – hiện đang tiến gần đến mức 6 triệu ca nhiễm và 200.000 người chết – trong khi nhiều nước và vùng lãnh thổ trước đây kiểm soát tốt dịch bệnh đã chứng kiến sự bùng phát trở lại như Hàn Quốc, Hong Kong, Nhật, Úc, New Zealand và Việt Nam.

Không những thế, Covid-19 đã diễn biến theo chiều hướng nguy hiểm hơn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cảnh báo tỉ lệ người trẻ nhiễm và tử vong vì virus corona đang ngày càng tăng và rằng người trẻ trong độ tuổi 20, 30, 40 nhiễm bệnh mà không có triệu chứng làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

Tháng trước, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo những người trẻ rằng họ ‘có thể bị nhiễm bệnh, có thể chết và có thể lây virus cho người khác’.

Trong khi đó, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Covid thuộc lực lượng chống Covid của Toà Bạch Ốc, kêu gọi giới trẻ Mỹ tiếp tục giãn cách xã hội, tránh tụ tập và đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.

‘Vẫn cảnh giác’

Anh Minh Phạm, 29 tuổi, chủ một công ty quảng cáo ở Virginia, nói với VOA rằng kể từ lúc nước Mỹ mở cửa lại kinh tế cho đến nay, anh vẫn duy trì các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

“Mình vẫn phải cảnh giác, tại vì mặc dù đã mở cửa lại nhưng dịch bệnh vẫn còn nhiều,” anh Minh nói.

Anh nói mỗi tuần anh vẫn chạy xe đi thăm mẹ nên vẫn phải có biện pháp giữ gìn cho bản thân để phòng ngừa cho mẹ.

Khi được hỏi nếu không phải lo lắng cho mẹ thì anh có thoải mái đi ra ngoài gặp gỡ mọi người hay không, anh nói: “Tôi cũng không đi, vì dù mình không có triệu chứng nhưng vẫn có thể lây bệnh cho người khác.”

Anh dẫn chứng là anh đã phải đi xét nghiệm virus corona trước buổi hẹn gặp với một người lớn tuổi. “Hôm trước đó trời mưa nên mình bị ho, mình biết lúc đó mình không có bệnh nhưng vẫn phải đi xét nghiệm cho chắc ăn cho gia đình người bạn của mình,” anh giãi bày.

Về nhu cầu gặp gỡ, vui chơi với bạn bè, anh Minh cho biết trước khi có dịch anh là người chủ động rủ rê bạn bè đi chơi ‘nhưng lâu nay không rủ nữa’.

“Tôi vẫn gặp bạn bè qua các ứng dụng như Zoom hay webinar chứ rất ít gặp ngoài đời,” anh nói và cho biết anh chỉ gặp trực tiếp những người bạn rất thân vào cuối tuần ở vườn nhà và vẫn duy trì khoảng cách lẫn đeo khẩu trang.

“Cuối tuần tôi thường dành thời gian nghỉ ngơi hay chạy xe đạp một mình nhưng bây giờ cẩn thận hơn tí xíu là phải mang khẩu trang khi đạp xe,” anh cho biết.

Anh nghĩ rằng phải tới năm sau mới có thể trở lại cuộc sống bình thường và cho biết chỉ tự tin giao tiếp xã hội khi nào có vaccine.

‘Trách nhiệm với cộng đồng’

Giống như anh Minh, cô Kristine Lý, 22 tuổi, vừa mới tốt nghiệp đại học và hiện đang làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Ung thư của Đại học California, San Diego, cho biết cô cũng ‘không hề lơi lỏng cảnh giác’.

“Chính phủ đã mở cửa lại nền kinh tế. Nhiều người muốn đi ra ngoài và quay trở lại công việc, nhưng điều quan trọng đối với tôi là bảo vệ cho những người thân mà tôi chung sống cũng như bất cứ ai mà tôi tiếp xúc,” Kristine nói.

Trong hoàn cảnh hiện nay, cô cho biết ‘không háo hức đi ra ngoài,’ chỉ ra đường vì công việc và nhu cầu cấp thiết.

Cô kêu gọi những người trẻ đang muốn khôi phục lại hoạt động giao tiếp xã hội ‘cần suy nghĩ rằng hành động của chúng ta ảnh hưởng không chỉ đến bản thân chúng ta.”

Kristine nói dù khả năng bị mắc bệnh nặng không cao nhưng mỗi khi nhận được lời mời hay rủ rê của bạn bè đi chơi hay tiệc tùng, cô phải cân nhắc nguy cơ mà cô tạo cho ba mẹ mà cô đang sống chung.

“Giới trẻ có trách nhiệm và nghĩa vụ phải bảo vệ bản thân và những người khác,” Kristine nói và bày tỏ hy vọng giới trẻ chớ ỷ y vào sức đề kháng của mình mà coi thường dịch bệnh.

Kristine nói ở nhà nhiều tháng không làm cô cảm thấy ức chế vì cô có thể ‘giữ cho mình bận rộn’ với rất nhiều thứ để cho thời gian qua nhanh.

“Chúng ta đang sống trong thời kỳ rất tân tiến về công nghệ nên vẫn có thể gặp, giao tiếp với bạn bè và biết chuyện gì đang xảy ra trong cuộc sống của họ mà không nhất thiết phải đi ra ngoài.”

Một phân tích của WHO trên các ca nhiễm virus corona từ 24/2 đến 12/7 cho thấy tỉ lệ người trẻ trong độ tuổi 15-24nhiễm bệnh đã tăng gấp ba lần, từ 4,5% lên 15%.

“Người trẻ có xu hướng ít cảnh giác hơn trong việc giữ khoảng cách và đeo khẩu trang,” Reuters dẫn lời Neysa Ernst,quản lý y tá tại Bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland, nói.

“Đi ra ngoài làm tăng khả năng mắc và lây lan Covid-19,” bà nói thêm và lưu ý đến khả năng nhiều người trẻ sẽ đi chơi ở bãi biển, quán bar hay đi vào các cửa hàng mua sắm.

VOA Express

XS
SM
MD
LG