Đường dẫn truy cập

Người Hà Nội dần thờ ơ với COVID?


Xét nghiệm COVID-19 tại Hà Nội cho một du khách vừa trở về từ Đà Nẵng.
Xét nghiệm COVID-19 tại Hà Nội cho một du khách vừa trở về từ Đà Nẵng.

Hà Nội là một trong số những địa phương ghi nhận các ca lây nhiễm COVID trong cộng đồng thời gian qua, trong khi nguồn lây bệnh vẫn chưa được xác định. Thành phố cũng đã ban hành lệnh giãn cách dành cho các quán ăn và tiệm cà phê, yêu cầu khách hàng giữ khoảng cách khi tới ăn uống ở các địa điểm này. Nguy cơ đại dịch COVID bùng phát trở lại ở thủ đô, thành phố đông dân thứ hai của cả nước, dần hiển hiện. Đóng cửa lần thứ nhì là điều ít ai dám nghĩ tới vì hậu quả đối với kinh tế địa phương và đời sống người dân sẽ rất nặng nề, nhiều gia đình sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.

Tuy vậy, theo nhìn nhận của nhiều người đang sinh sống ở Hà Nội, cư dân thành phố dường như đang dần thờ ơ với dịch bệnh, nhiều người không còn ý thức giữ gìn, phòng tránh bệnh như đợt bùng phát thứ nhất.

Bà Nguyễn Ngọc Xuân, một cư dân sinh sống lâu năm tại khu phố cổ Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết suốt gần tháng qua, kể từ khi các ca bệnh xuất hiện tại Đà Nẵng, sinh hoạt gia đình bà cũng như những người hàng xóm xung quanh vẫn diễn ra bình thường, ngoại trừ việc mang khẩu trang mỗi khi ra đường trở lại. Những tiệm cà phê và hàng ăn sáng xung quanh khu phố bà ở lúc nào cũng tấp nập khách, bà nói và cho biết hầu hết mọi người khá thờ ơ với những thông tin liên quan đến dịch bệnh và hoàn toàn không giữ khoảng cách.

“Hôm rồi, tôi vào bệnh viện Việt Đức khám thì thấy là việc đo thân nhiệt và cung cấp nước rửa tay sát khuẩn đã không còn được thực hiện như trước đây nữa. Chẳng ai phải đo thân nhiệt trước khi vào và cũng không có gì để sát khuẩn tay cho mọi người. Trong khi đó thì bệnh viện rất là đông, người ra người vào tấp nập như thế. Tôi thấy rất là lo, nếu chẳng may có một người nhiễm COVID thì không biết sẽ lây lan nhiều như thế nào nữa,” bà Xuân chia sẻ.

Một số người cho biết thái độ lơ là một phần có thể do dịch bệnh kéo quá dài khiến người ta dần mất kiên nhẫn để cẩn thận phòng tránh; một phần do hoàn cảnh cuộc sống thúc ép, không thể ngồi nhà mãi được, nên người ta cũng phải làm việc này việc khác chứ không chỉ lo dịch bệnh.

Thật ra bây giờ ai cũng phải lo cuộc sống của mình thôi, đói rồi. Bây giờ mà còn ở nhà nữa thì chết đói hết...


“Thật ra bây giờ ai cũng phải lo cuộc sống của mình thôi, đói rồi. Bây giờ mà còn ở nhà nữa thì chết đói hết. Bà cô tôi làm tổ trưởng một tổ dân phố ở đây cho biết tiền hỗ trợ COVID suốt mấy tháng nay các gia đình khó khăn có nhận được đồng nào từ nhà nước đâu. Như vậy thì người ta phải tự phải xoay sở mà sống thôi,” anh Đỗ Tiến Minh, một cư dân quận Hoàn Kiếm nói với VOA Việt ngữ.

Ngoài ra, vẫn theo lời anh Minh, một phần khác nữa là do trong đợt tái bùng phát này, chính quyền thành phố không còn có những biện pháp nghiêm khắc trong việc phòng chống dịch bệnh như trước. Người dân vì thế cũng không còn tự khắt khe với bản thân.

“Bây giờ thì thông tin về dịch bệnh COVID-19 này không thường xuyên như trước. Ngày trước thì báo chí và tivi nói nhiều lắm. Người dân người ta chỉ biết tin vào tivi và báo chí thôi nên người ta sợ, người ta cẩn thận. Chứ giờ không nhắc mấy nữa thì người ta cũng ít quan tâm đi và cẩu thả hơn, không phòng tránh, bảo vệ bản thân gì mấy nữa,” anh Minh cho biết thêm.

Đầu tuần này, tỉnh Hải Dương, một địa phương nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 1 giờ lái xe, tiến hành cách ly toàn thành phố sau khi phát hiện ca dương tính COVID thứ 7 trong cộng đồng.

Hà Nội là một trong những thành phố có nguy cơ cao với nhiều người đi du lịch từ Đà Nẵng, ổ dịch ở miền trung Việt Nam, trở về trong thời gian qua. Việc người dân thành phố dần lơ là với dịch bệnh vào thời điểm này là một vấn đề không thể xem nhẹ trong công tác phòng chống dịch COVID.

VOA Express

XS
SM
MD
LG