Đường dẫn truy cập

Các tôn giáo thiểu số ở Syria lo ngại về cuộc nổi dậy


Các quan sát viên Liên đoàn Ả Rập họp với các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Damascus hôm 17/1/12
Các quan sát viên Liên đoàn Ả Rập họp với các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Damascus hôm 17/1/12

Trong lúc áp lực lên chính phủ Syria ngày càng tăng, những người tại trung tâm quyền lực đang làm việc cật lực để cố giữ cho được những đồng minh. Thông tín viên đài VOA Elizabeth Arrott tường trình từ Damascus là cho tới nay dường như nhiều người trong số này là các sắc dân thuộc các tôn giáo thiểu số.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo Syria trình diễn sự đoàn kết cho các quan sát viên Liên đoàn Ả Rập xem, nhấn mạnh đến lịch sử dung thứ lâu đời tại nước này giữa các tín ngưỡng khác nhau.

Tại một cuộc họp hôm thứ Ba tại thủ đô Syria, ông Abdel Bari Atwan, giáo sĩ Hồi Giáo Sunni tại Damascus, nói người Hồi Giáo, người Ki Tô Giáo và tất cả những giáo phái khác “đoàn kết tay trong tay” không có thiên kiến vì được đất nước bảo vệ.”

Phụ tá Giáo hội Công giáo La Mã, Giám mục Louka el Khoury đồng ý nói rằng sự dung thứ tại Syria có một vị trí đặc biệt trên thế giới.

Giám mục el Khoury nói khi người Hồi Giáo đầu tiên đến Syria, những người Cơ Đốc không chống lại họ, và hai bên sống với nhau như anh em kể từ đó.

Cả hai lãnh tụ tôn giáo này đổ lỗi về những xáo trộn cho những người không theo đường lối của tôn giáo.

Một quan sát viên của Liên đoàn Ả Rập, ông Jafaar Kubaida ghi nhận sự trung lập của phái bộ này, nói ông đã có kinh nghiệm ngay tại chỗ mà chia rẽ tôn giáo đã gây ra trên quê hương Sudan của ông.

Ông Kubeida nói thêm là Syria nên cám ơn Thượng đế là việc này không xảy ra tại đây.

Tuy nhiên có những dấu hiệu cho thấy sự khoan thứ đã có từ lâu đang chịu nhiều áp lực. Những lực lượng đối lập, gồm cả những tôn giáo thiểu số, nhưng do người Hồi giáo Sunni chiếm phần lớn. Người Sunni chiếm đến 3/4 dân số.

Nhiều người Sunni nổi loạn không những chỉ chống lại bàn tay hà khắc của nhà nước, nhưng cũng bởi vì 40 năm cầm quyền của gia đình Assad thuộc giáo phái Alawite trao những chức vụ cao trọng cho những thành viên thuộc giáo phái bắt nguồn từ Hồi giáo Shia thiểu số này.

Những người Alawite từ lâu trông cậy sự hỗ trợ của những sắc tộc khác của Syria trong đó có những nhóm Ki Tô Giáo và giáo phái Druze để đổi lấy đảm bảo tự do tôn giáo và được bảo vệ cũng như những chức vụ cao trong chính phủ.

Việc ủng hộ chính phủ có thể được nghe thấy trên đường phố thuộc quận Bab Touma theo Ki Tô Giáo trong khu phố cổ Damascus, và không nhất thiết vì có sự hiện diện của những người thân chính phủ.

Bên ngoài nhà thờ Mariamea, Giám mục Công giáo Chính thống Tony phillipos Yazji phản ánh những tuyên bố của các nhà lãnh đạo Ki Tô giáo khác.

Giám mục Yazji nói giáo hội luôn luôn ủng hộ những cuộc biểu tình ôn hoà bình và ủng hộ cải tổ. Tuy nhiên ông lên án bạo động vì đây là một sự tàn phá đất nước và do những gián điệp được trả lương thực hiện.

Một phần của sự ủng hộ được phản ánh trong một số các tín đồ Ki Tô giáo và những người Druze cho thấy họ không mấy ủng hộ chính phủ, nhưng quan ngại về những gì có thể sẽ thay thế chế độ hiện hành.

Họ đã chứng kiến sự trỗi dậy của tổ chức Huynh đệ Hồi Giáo và những tổ chức Hồi Giáo khác sau cuộc cách mạng tại Tunisia và Ai Cập và vụ tấn công những tín đồ Ki tô giáo thuộc giáo phái Coptic tại Cairo. Cũng có những ám ảnh về Iraq nơi những tín đồ Ki Tô giáo phải trốn chạy sự ngược đãi trong tình hình rối ren tiếp sau việc Hoa Kỳ đổ quân vào nước này, nhiều người trốn sang Syria.

Chính phủ đã đưa ra ý niệm là những người chống đối là những phần tử cực đoan. Tuy nhiên những cuộc tấn công trả thù nhắm vào những người Alawite tại các thành phố như Homs và Hama càng làm tăng thêm mối lo sợ thực sự của tất cả những nhóm tôn giáo thiểu số.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG