Đường dẫn truy cập

Sydney


Sydney
Sydney

Nếu so với Melbourne thì nhìn chung (và nếu chỉ nhìn thoáng qua), thành phố Sydney đông đúc, tấp nập hơn, đẹp hơn, cũng như có nhiều danh lam, thắng cảnh hơn với gần 5 triệu dân sống tại thành phố lớn nhất, nổi tiếng nhất của Úc.

Một nhà hát có hình dáng Con Sò lừng danh thế giới nằm sát cạnh cảnh Sydney với chiếc cầu sắt Sydney Harbour Bridge bắt ngang. Một bãi biển Manly hùng vĩ chạy dài đến chân trời hay bãi biển Bondi nổi tiếng với những đôi ngực trần cách thành phố chỉ vỏn vẹn 10 phút.

Hay rặng núi xanh bàng bạc thơm ngát mùi hương dầu của cây eucalyptus ở vùng núi Blue Mountains Range.

Có đến Sydney bạn mới thấy được sự sung túc, giàu có của một thành phố lớn ở Úc cùng với sự may mắn được thiên nhiên ưu đãi, không những ở phong cảnh đẹp có một không hai, mà còn ở thời tiết khí hậu ôn hòa. Đông không quá lạnh như ở Âu Châu, Bắc Mỹ. Hè không nóng đổ lửa như ở Việt Nam.

Đã vậy như Melbourne trong những năm gần đây Sydney lại được phát triển ngày càng sầm uất. Khu Darling Harbour lúc tôi còn sống và làm việc ở Sydney vào giữa thập niên 1990 hầu như là một khu đất chết. Nhưng hôm tuần trước tôi có dịp ghé thăm đã hoàn toàn thay đổi.

Đây là sân chơi playground cho trẻ em lớn nhất lục địa. Kia là hàng quán, phố xá, đầy ắp những người và người, dọc theo bờ cảng và trên cả những chiếc du thuyền đang neo sát vào nhau. Nếu đây không phải là hình ảnh của những gì tốt, đẹp nhất về sự phát triển hài hòa giữa thiên nhiên và con người thì tôi không biết đi đến đâu chúng ta mới tìm được?

Đối với riêng người Việt Nam, Sydney cũng là nơi có nhiều người Việt định cư nhất ở Úc. Phần lớn là ở về phía miền Tây của thành phố như Marrickville, Bankstown và Cabramatta, nơi được cho là thủ đô của người Việt tỵ nạn. Cũng khá lâu tôi không còn ở Úc nhưng nếu tôi nhớ không lầm thì trong tổng số khoảng 220,000 người Việt ở Úc, có đến 60 – 80 ngàn người chọn Sydney làm quê hương.

Năm nào về Úc tới Sydney tôi cũng cố ghé thăm Cabramatta ít nhất là một lần. Vì phần lớn những người tỵ nạn tôi từng quen biết ở Phi Luật Tân cũng đều ở gần khu này. Dĩ nhiên so với thời họ còn bị kẹt ở Phi cho đến nay đã có nhiều thay đổi. Thứ nhất là về hình dáng. Ai trông cũng có vẻ như già hơn (kể cả tôi!) nhưng tươi hơn (nhờ có da có thịt hơn) và đặc biệt là tự tin hơn. Nếu như ngày trước ai bước vào văn phòng tôi ở Manila cũng đều trông có vẻ như hơi có chút sợ sệt, khúm núm thì ngược lại bây giờ ai cũng ăn nói rổn rảng, vui vẻ, cười giỡn luôn miệng.

Tôi mừng cho họ.

Tôi cũng mừng cho họ là cho đến hôm nay đại đa số đều là những người thành công, kẻ có nhà, người có shop làm nail, con cái được cho đi học đàng hoàng. Hôm ngồi ôn lại những kỷ niệm của 10 năm về trước, ai cũng lắc đầu bảo rằng không ngờ chúng tôi cuối cùng lại gặp nhau ngay trên đất Úc, ngồi tụ họp ăn uống ở Cabramatta. Chứ không phải là ở khu chợ trời Baclaran trong thành phố Manila, chuột đông hơn người.

Rõ đúng là con người ai cũng có số. Thấy vậy mà không phải vậy. Mười năm về trước tôi có thể hơn họ. Nhưng chưa chắc 10 năm sau tôi bằng một góc của họ.

Nhưng điều mà làm cho tôi cảm kích nhất là tuy 10 năm đã trôi qua nhưng có những người tỵ nạn trong nhóm này vẫn không quên những người Việt tỵ nạn còn kẹt lại bên đất Thái, ở Kampuchea. Họ không biết gì về nhau, chưa bao giờ gặp mặt nhau. Họ chỉ nghe tôi kể lại về hoàn cảnh khó khăn của những người như chú Ngươn cho đến nay vẫn chưa được may mắn như họ.

Thế vậy mà họ vẫn sẵn lòng giúp. Năm nào tôi về họ cũng muốn gom góp gửi tặng chút tiền để giúp trang trải lệ phí cho văn phòng. Mặc dù tôi biết và chính họ cũng biết là so với đa số những người Việt ở Úc họ chỉ là những người mới đến định cư sau này, cần phải cố gắng hơn nhiều để gầy dựng lại cuộc sống sau bao năm trôi nổi.

Tôi cảm kích những nghĩa cữ này vì tuy họ hiện tại không phải là những người thành công nhất trên nước Úc nhưng so ra họ lại là những người có lòng nhất. Họ vẫn không quên những gì họ đã trải qua để biết rằng cho là nhận. Như họ đã từng nhận từ những người đi trước lúc họ còn sống trong bần hàn. Cách đây 10 năm ở Philippines.

Nhưng tôi có bảo với các anh em là cứ hãy từ từ, để đấy. Đến khi nào văn phòng VOICE tranh đấu thành công cho các anh em ở Thái Lan, Kampuchea thì đến lúc ấy chúng ta sẽ cùng nhau tổ chức một buổi gây quỹ ngay tại Sydney cũng chưa muộn.

Riêng bây giờ đối với tôi, anh em chỉ cần gặp mặt nhau mỗi năm một lần, ôn lại những vui buồn khó khăn của một thời là đã quá đủ. Để thấy rằng cuộc sống này thật ra nó vẫn còn có ý nghĩa lắm. Vì ở Úc, ở Mỹ hay ở Việt Nam, nơi đâu cũng còn những tấm lòng, những trái tim biết thổn thức cho đồng loại.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG